Tết đến xuân về là dịp các thành viên tề tựu đông đủ bên mâm cơm gia đình để cùng nhau nhìn lại một năm đã qua và chia sẻ dự định trong năm mới. Tùy vào truyền thống đón Tết của từng vùng miền, mâm cơm ở mỗi nơi, mỗi gia đình một khác song điểm chung chính là không khí đoàn viên ấm cúng, rộn ràng, đã trở thành phong vị riêng của Tết Nguyên đán. Ảnh: @maidzung159. |
Sắp kết thúc kỳ nghỉ Tết và trở về với công việc, học tập, với nhiều người, nhất là những ai ở xa quê, bữa cơm đông đủ các thành viên càng trở nên quý giá. "Còn thêm vài bữa được ăn nhờ ở đậu nhà bố mẹ. Miệng thì lúc nào cũng nói chán Tết nhưng giờ sắp hết Tết thì lại quyến luyến", Lê Công (sinh viên năm 3 tại TP.HCM) chia sẻ. Ảnh: @thanh.tthanh. |
Với nhiều người những bữa cơm, mâm cỗ ngày Tết còn gắn liền với những câu chuyện cười ra nước mắt. "Đằng sau mỗi món ăn là một câu nói của bố mình. 'Rán nem vỡ thế ai ăn', ' Bóc bánh gì hở cả ruột thế à', 'Lớn rồi vẫn không biết làm gì ngoài quấn nem'...", tài khoản Nguyễn Hoài Thu hài hước chia sẻ kỷ niệm nấu ăn ngày Tết của gia đình mình trên trang cá nhân. Ảnh: @htrgdn. |
Không thể về quê ăn Tết thường xuyên, nhiều người Việt sống xa xứ vẫn lưu giữ, duy trì những truyền thống đón Tết Âm lịch độc đáo qua các thế hệ. Những món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, gà luộc, chả lụa... vẫn xuất hiện trên mâm cơm của mỗi gia đình trong dịp Tết cổ truyền. Ảnh: @driftwoodandmoss. |
Những món ăn bình dị, dân giã đều trở thành hồi ức đẹp đẽ của nhiều người khi nghĩ về Tết quê hương. "Chỉ cần ngửi thấy mùi thơm từ chảo ném rán hay nồi măng hầm xương đang sôi sùng sục trên bếp là thấy Tết về rồi", Duyên Hải (24 tuổi, quê Quảng Trị) nói. Ảnh: @sosimyum, @choueatgolove. |
Không phải mâm cao cỗ đầy, với những bậc phụ huynh ở nhà hay những đứa con sống xa quê, ý nghĩa lớn nhất của bữa cơm gia đình ngày Tết là trở về, quây quần bên những người thân yêu. Ảnh: @hangpig1983. |