Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết Tết, hết tiền

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người trẻ rơi vào tình trạng túng thiếu do lỡ chi tiêu quá đà, vượt dự kiến.

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thanh Nga (25 tuổi) mở ứng dụng đặt vé máy bay, chuẩn bị trở lại TP.HCM làm việc. Cô giật mình khi thấy giá vé đã tăng lên, gần 4 triệu đồng cho chuyến bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất, cao gấp nhiều lần mức giá cô kiểm tra từ trong Tết.

Trách mình chủ quan vì không đặt vé từ sớm, nhưng Nga lo lắng hơn bởi tài khoản chỉ còn số tiền ít ỏi. Cô đành dùng đến thẻ tín dụng mua vé, chờ đến kỳ lương tiếp theo sẽ bù vào trả nợ.

"Vừa hết Tết, tôi lập tức quay lại lối chi tiêu 'lấy chỗ nọ bù chỗ kia'. Thú thật, tôi có chút áp lực", Nga chia sẻ cùng Zing.

Sau Tết, nhiều người bất ngờ vì đã chi tiêu nhiều hơn dự tính. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Bí tiền sau Tết

Sau dịp nghỉ Tết, nhiều người trẻ rơi vào trạng thái hụt hẫng bởi hết tiền. Trước Tết, họ dành một khoản đáng kể để mua sắm, biếu người thân cũng như tiêu dùng phục vụ mùa lễ hội.

Trở về cuộc sống thường nhật, họ nhận ra danh sách chi tiêu dịp Tết của mình đã dài hơn so với dự kiến.

Như Thanh Nga, cô định dành khoảng 25 triệu đồng để tiêu Tết, gạch đầu dòng từng khoản chi cố định, cộng thêm 10% chi phí phát sinh.

Thế nhưng sau 9 ngày vui chơi, đón năm mới, nữ nhân viên văn phòng không thể tính được mình đã dùng hết bao nhiêu tiền. Phải mất hồi lâu cộng trừ từ số dư ngân hàng và thẻ tín dụng, cô mới ước chừng được tổng số tiền mình chi ra đã lên đến hơn 32 triệu đồng.

"Dịp Tết nảy sinh nhiều khoản chi hơn tôi dự tính. Ví dụ, tôi định lì xì 20.000 đồng cho mỗi cháu trong nhà, thế nhưng thực tế đã rút hầu bao 50.000 đồng/cháu để đồng đều với anh em trong gia đình.

Thực phẩm ngày Tết rất đắt đỏ, gần như gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. Tôi cũng chưa lường được tình huống này nên nhiều lần tiêu số tiền lớn. Nhiều khoản cộng lại, đến cuối cùng, tôi thấy mình tiêu âm vào quỹ để dành", Nga nói.

chi tieu dip Tet anh 1

Nỗi lo thiếu tiền sau Tết khiến Nga áp lực, căng thẳng. Ảnh: NVCC.

Cũng như Thanh Nga, Quang Hải (24 tuổi) cũng đau đầu bởi ra Tết phát sinh nhiều khoản chi, trong khi tiền lương và thưởng đã cạn.

Nhẩm tính lại số tiền đã dùng cho dịp Tết Nguyên đán, nam kỹ sư điện máy bất ngờ khi mình tiêu đến gần 20 triệu đồng thay vì 15 triệu đồng như kế hoạch, phần lớn dành cho việc mua sắm quần áo, biếu gia đình và tặng quà bạn gái.

Biết không còn nhiều tiền dự trữ, kỳ lương mới cũng chưa đến, Hải dự định tiêu pha dè sẻn để "cầm cự".

"Cuối tháng 2 tôi mới được nhận lương, nhưng trước đó là hàng chục bữa ăn tân niên không thể từ chối cùng sếp, đồng nghiệp, bạn bè… Mỗi buổi tiệc tùng như vậy tốn khoảng 300.000-500.000 đồng. Đặc biệt, giữa tháng 2 còn là Valentine, tôi vẫn muốn mua món quà giá trị, ý nghĩa để tặng bạn gái", Hải tâm sự.

Theo Hải, anh rơi vào tình trạng bí tiền bởi trong Tết lỡ chi tiêu quá đà, vượt dự tính. Tuy nhiên, nếu được làm lại, Hải vẫn sẽ tiêu dùng như vậy bởi với anh "Tết không phải dịp để tiết kiệm, chi li".

"Việc thiếu tiền không phải chỉ do chi tiêu cao mà còn do thu nhập thấp. Bước sang năm mới, tôi sẽ cố gắng làm việc để đạt mức lương cao hơn. Nhưng dù sao tôi cũng cần tính toán chặt chẽ hơn một chút để không đặt mình vào thế bị động về tiền bạc thế này", anh nói.

chi tieu dip Tet anh 2

Nhiều người trẻ lên kế hoạch để chi tiêu hợp lý hơn vào Tết năm sau. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Cần phải làm gì?

Theo Forbes, con người thường bị cám dỗ để chi tiêu vượt mức vào các dịp lễ, Tết. Họ cố gắng để dành tặng cho người thân yêu những gì mà mình nghĩ là tốt đẹp, đáng mong đợi.

Nhưng một trong những điều tốt nhất mà chúng ta có thể mang lại cho gia đình mình chính là sức khỏe tài chính.

Tại Mỹ, khảo sát sau kỳ nghỉ lễ năm 2021 của WalletHub cho thấy khoảng 30% người dân chi tiêu quá đà trong dịp lễ hội. Mặc cho biến chủng Omicron tác động tiêu cực đến cuộc sống, 56% người được hỏi cho biết điều đó không ảnh hưởng gì đến kế hoạch mua sắm của mình.

Trong đó, đối với hầu hết người tiêu dùng, việc tăng chi tiêu đều phụ thuộc vào thẻ tín dụng hoặc chính sách "mua trước, trả sau". Kết quả là khoảng 36% lâm vào cảnh nợ nần, thiếu hụt tiền bạc sau dịp lễ, số liệu kết luận từ cuộc khảo sát của LendingTree.

Còn theo tiến sĩ Christie Tcharkhoutian, nhà trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đình tại Mỹ, con người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào các dịp lễ, Tết bởi "chúng ta dễ dàng tiêu tiền cho người khác hơn cho chính mình".

"Nhiều người cũng dễ gặp áp lực trong dịp nghỉ lễ, như việc phải có được một mùa lễ hội hoàn hảo, cho nên đã tiêu tiền như cách để giải tỏa căng thẳng. Nhưng việc làm này chỉ dẫn đến cảm giác tồi tệ hơn mà thôi bởi tiền có thể được sử dụng hợp lý hơn để đem lại hiệu quả chăm sóc tinh thần thực sự", ông nói trên NBC News.

Có được sức khỏe tài chính tốt chính là món quà ý nghĩa tặng người thân yêu. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi người sẽ tùy thuộc vào tình huống cá nhân để có biện pháp phù hợp.

Nhưng theo Forbes, có một số cách sau giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn trong dịp nghỉ lễ, Tết và bước sang năm mới mà không gặp quá nhiều áp lực tài chính.

Thứ nhất, trước khi chi tiêu trong dịp lễ, Tết, hãy nghĩ đến hậu quả tài chính mà mình gặp phải khi sang năm mới. Lễ hội qua đi, sự phấn khích về những món quà, đồ đạc mới có thể dễ dàng biến mất, nhưng các hóa đơn thì vẫn còn.

Chúng ta nên chăm lo cho sự ổn định tài chính lâu dài của chính mình trước tiên, thay vì những cảm xúc nhất thời của người khác.

Thứ hai, "thời gian là tiền bạc", điều này luôn đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước mỗi dịp lễ, Tết, chúng ta nên lên kế hoạch để mua sắm từ sớm, lựa chọn những món đồ tốt nhất với giá phải chăng nhất.

Nếu đợi đến thời điểm cuối cùng, bạn sẽ không đủ thời gian để mua đồ với giá tốt, thậm chí phải trả thêm phí vận chuyển nhanh.

Thứ ba, mọi người có xu hướng yêu thích những trải nghiệm hơn là hiện vật. Vì vậy, hãy cân nhắc mua tặng người thân yêu những trải nghiệm thú vị như lớp học, workshop, bữa tối tại nhà hàng hoặc chuyến du lịch. Đây đều là những thứ bạn có thể cân nhắc chi phí và lên kế hoạch từ sớm, giảm bớt gánh nặng chi tiêu trong dịp lễ, Tết.

Lên kế hoạch chi tiêu trước mỗi dịp lễ, Tết giúp bạn giảm áp lực tài chính khi bước sang năm mới. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Thứ tư, hãy ghi lại danh sách những gì chi tiêu cho lễ, Tết vào một bảng tính, sau đó kiểm tra lại 2 lần. Dựa vào bảng tính này, bạn có thể liên tục theo dõi những khoản tiền đã chi ra, từ đó điều chỉnh việc tiêu dùng nếu thấy tổng số tiền đã bị đội lên so với kế hoạch ban đầu.

Và cuối cùng, bước sang năm mới, hãy bắt đầu thói quen tiết kiệm hàng tháng. Năm nào cũng vậy, con người thường tất bật, chi tiêu nhiều hơn vào lễ, Tết. Chúng ta khó có thể kiểm soát được số tiền sẽ tiêu, nhưng chắc chắn biết được lịch ngày lễ, Tết cố định, chính điều này khiến việc lập kế hoạch tiêu dùng trở nên dễ dàng nhất.

Chúng ta luôn ước mình có thể tiết kiệm hơn vào dịp Tết, vậy tại sao không bắt đầu làm điều đó vào năm nay? Bạn có thể chia ngân sách chi tiêu dịp Tết hàng năm của mình cho 12 để lên kế hoạch tiết kiệm theo từng tháng.

Dịp lễ, Tết luôn là thời gian dành cho niềm vui, cho phép chúng ta làm điều ý nghĩa đối với gia đình và bạn bè. Nhưng biết cách chăm sóc bản thân cả về sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính, đó mới là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành cho những người thân yêu.

Áp lực lễ tình nhân

Mỗi dịp Valentine, những người độc thân dễ cảm thấy cô đơn. Những người đã có đôi có cặp cũng có thể rơi vào áp lực phải có một lễ tình nhân hoàn hảo.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm