Liao Hancheng nói rằng Taobao, một trang thương mại điện tử ở Trung Quốc, đã tạo ra sự nghiệp cho anh.
Giống nhiều người dân ở thị trấn Thượng Thanh thuộc tỉnh Phúc Kiến, Liao sớm tiếp cận thị trường thương mại điện tử, xây dựng một doanh nghiệp bán đồ nội thất và vật trang trí trên ứng dụng Taobao, theo Sixth Tone.
Thương mại điện tử giúp các nhà sản xuất nhỏ như của Liao dễ dàng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo ra làn sóng công nghiệp nông thôn.
Những "ngôi làng Taobao" từng được coi là mô hình phát triển nông thôn thành công khi tạo ra gần 5 tỷ nhân dân tệ doanh thu vào năm 2020, theo Alibaba, công ty mẹ của Taobao.
Một cửa hàng đồ gỗ tại Thượng Thanh. Ảnh: Wu Peiyue/Sixth Tone. |
Nhưng trong những năm gần đây, làng Taobao gần như bị xóa sổ. Những người như Liao buộc phải quay trở lại với các kênh bán hàng truyền thống vì doanh số giảm mạnh trên Taobao.
Kể từ sau đại dịch, các trình phát video quảng cáo mang tính giải trí đã trở nên thống trị. Sự nổi lên của các nhân vật như "nữ hoàng livestream" Vi Á (Viya), "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ làm lu mờ những người phát trực tiếp thiếu kinh nghiệm, thiếu ê-kíp hậu thuẫn ở các vùng nông thôn.
"Thời hoàng kim đã qua. Tôi không còn được chứng kiến doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng nữa", Liao nói, hồi tưởng về thời kỳ đỉnh cao vào năm 2015.
Những người tiên phong
10 năm trước, Liao và hàng xóm của anh ở Thượng Thanh là những doanh nhân nông thôn đầu tiên xuất hiện trên thị trường thương mại điện tử.
Thượng Thanh từng là vùng nghèo nhất của huyện An Khê, thường được mệnh danh là quê hương của sắt và trà. Đất đai ở đây không thuận lợi để khai thác nông nghiệp, ngoại trừ trồng trà, nên người dân gắn bó với nghề kim hoàn.
Alibaba tuyên bố rằng có gần 3 triệu cửa hàng đang hoạt động tại các làng Taobao, tạo ra hơn 8,28 triệu việc làm. Năm 2021, An khê là huyện đứng thứ 2 về doanh thu trực tuyến, theo Viện nghiên cứu Ali của công ty.
Tấm biển hướng dẫn đến "cơ sở phát trực tiếp của thủ phủ trà Trung Quốc" ở chợ bán trà tại An Khê. Ảnh: Wu Peiyue/Sixth Tone. |
Nhưng càng ngày sự cạnh tranh gay gắt càng cắt giảm lợi nhuận.
"Khi có nhiều người bắt chước, nếu không thể cập nhật mẫu mã mới nhanh chóng, bạn sẽ không kiếm được tiền", Liao nói.
Liao từng xem phát trực tiếp là công cụ tốt để vực dậy công việc kinh doanh. Từ son môi, chảo cho đến trái cây tươi đều được bán trực tuyến và người tiêu dùng thường mua nhiều hơn mức họ cần nếu cảm thấy thích những người livestream bán hàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Liao thấy mình đã lạc nhịp với xu hướng. Anh đã mở chức năng phát trực tiếp trên Taobao nhiều lần, nhưng người thợ mộc 40 tuổi với mái tóc húi cua không thu hút được lượt xem nào.
Điều này khiến Liao quyết tâm chuyển hướng sang thị trường bán buôn truyền thống.
"Có lẽ việc thích ứng với xu hướng phát trực tiếp phải trông chờ vào thế hệ tiếp theo", anh nói.
Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Vấn đề không chỉ nằm ở tuổi tác. Ngay cả những thương gia trẻ tuổi hơn ở An Khê cũng nói rằng livestream bán hàng đang khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh về doanh số.
"Thời kỳ đầu của Taobao, bạn chỉ cần tìm nguồn sản phẩm tốt, đăng những bức ảnh đẹp và viết một bài quảng cáo thông minh", Yanzi, người bán hàng tại An Khê, nói với Sixth Tone.
"Còn bây giờ, để phát trực tiếp thành công, không chỉ cần người dẫn chương trình tài năng có kỹ năng bán hàng trực tiếp, mà còn phải có đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ kỹ thuật".
Với kiểu tóc đuôi ngựa buộc cao và đôi lông mày thanh tú, Yanzi luôn rất phấn chấn khi nói chuyện với mọi người.
Ở độ tuổi 20, cô thừa kế công việc kinh doanh trà Thiết Quan Âm, đặc sản của địa phương, từ cha mẹ và cố gắng tập trung phát triển mảng thương mại điện tử.
Xu hướng nông dân phát trực tiếp nở rộ trong đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, doanh số từ cửa hàng Taobao đã liên tục giảm trong hai năm qua.
Sau nhiều lần thất bại trong việc tổ chức các phòng phát trực tiếp trên Taobao và Douyin, Yanzi kết luận rằng cô thiếu hiểu biết về mạng xã hội nên không thể thu hút người xem. Các kỹ năng thương thuyết mà cô học được từ cha mẹ đã không hiệu quả.
Để thành thạo kỹ năng livestream bán hàng, cô cần sự trợ giúp của chuyên gia.
"MCN hay multi-channel networks (tạm dịch: mạng đa kênh) là các cơ quan truyền thông đào tạo người sáng tạo nội dung và kiếm tiền từ ảnh hưởng trên mạng xã hội. Đây là một loại hình trung gian mới giữa chúng tôi và người tiêu dùng", Yanzi nói.
Hiện có hơn 30.000 đại lý MCN trên cả nước, chủ yếu ở các thành phố lớn. Hầu hết người phát trực tiếp thành công đều gắn bó với các công ty này.
Ngay cả những gương mặt nổi tiếng như "tiên nữ đồng quê" Lý Tử Thất cũng có quyền kiểm soát rất hạn chế đối với tài khoản cá nhân. Khi không tiếp tục hợp tác với công ty, Lý đã biến mất khỏi kênh riêng của mình.
Những ngôi sao livestream thu hút người xem luôn có đội ngũ hỗ trợ hùng hậu. Ảnh: VCG. |
Một mạng đa kênh điển hình trông giống như kênh mua sắm trên TV: Các kênh dành hàng giờ để quảng cáo sản phẩm, tất cả đều được giảm giá mạnh. Đối với những người bán hàng như Yanzi, việc giành được một vị trí tại phòng phát trực tiếp do các công ty MCN tổ chức là một vụ đặt cược tốn kém.
MCN thường yêu cầu khoản tiền gửi lớn, khoảng 1 triệu nhân dân tệ.
Nếu thành công, các doanh nghiệp có thể kiếm được doanh thu khổng lồ chỉ trong vài giờ bán hàng. Nhưng không có gì đảm bảo, và nếu người tiêu dùng không ưng ý, doanh nghiệp sẽ thua lỗ.
Các chuyên gia nói rằng mặc dù Internet đã thâm nhập nhanh chóng vào khu vực nông thôn trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp nông thôn vẫn gặp bất lợi trước những thay đổi của nền tảng.
Xu hướng phát trực tiếp có thể làm tăng bất bình đẳng kỹ thuật số vốn đã tồn tại.
"Khi phát trực tiếp trở thành một hình thức thương mại điện tử mới, nó đòi hỏi người bán phải hiểu biết hơn về công nghệ. Trong khi một số công ty nhỏ có thể phát triển mạnh nhờ nó, thì các công ty vừa và lớn có nhiều nguồn lực hơn để thuê nhân viên chuyên về tiếp thị nên sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi hơn", Camille Boullenois, nhà tư vấn tại Sinolytics, công ty tư vấn dựa trên nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, nhận định.