Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp Chanel thông báo sẽ rút cửa hàng của mình khỏi các trung tâm mua sắm miễn thuế ở Hàn Quốc từ tháng 3.
Theo The Korea Times, đây là cách Chanel chống lại "daigou" - thuật ngữ bắt nguồn từ Trung Quốc, chỉ những người mua hàng thay thế hay chuyên buôn hàng xách tay.
Tại Hàn Quốc, trong đại dịch, gần 90% doanh thu của các cửa hàng miễn thuế địa phương đến từ daigou.
Sự gia tăng sức mua của nhóm khách hàng này là điều mà những thương hiệu cao cấp không hề mong muốn. Trước Chanel, Rolex và Louis Vuitton cũng quyết định rút các cửa hàng miễn thuế của mình ở xứ kim chi với lý do tương tự.
Người Hàn xếp hàng 14 tiếng giữa mùa đông để mua túi Chanel. Ảnh: Bloomberg. |
Hình ảnh cao cấp bị "hoen ố"
"Động thái vội vã rút khỏi lĩnh vực kinh doanh miễn thuế của các thương hiệu xa xỉ cho thấy họ muốn duy trì hình ảnh cao cấp của mình, vốn đã bị daigou làm cho hoen ố", một nguồn tin trong thị trường nói với The Korea Times.
Người này giải thích rằng nhóm mua hàng thay thế liên tục yêu cầu hạ giá và bán lại các sản phẩm xa xỉ mà mình mua được ở Hàn Quốc lẫn lộn với hàng giả tại Trung Quốc.
"Tôi nghĩ Chanel và Louis Vuitton đã đưa ra giải pháp rằng họ thà bán sản phẩm miễn thuế trực tiếp cho khách hàng Trung Quốc ở đại lục hơn là những daigou ở Hàn Quốc.
Họ muốn điều chỉnh số lượng cửa hàng miễn thuế hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tập trung vào thị trường Trung Quốc".
Khách hàng chờ đợi bên ngoài cửa hàng Louis Vuitton thuộc chi nhánh chính của Lotte Department Store. Ảnh: Hankook Ilbo. |
Sự rút lui của Chanel, theo sau Rolex và Louis Vuitton sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty miễn thuế vì doanh số bán hàng ở các khu vực trung tâm thành phố của nhóm này đã giảm khoảng 38% vào năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài, theo báo cáo của Moodie Davitt.
Để thúc đẩy thị trường này, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định bãi bỏ việc giới hạn mua hàng trị giá 5.000 USD cho những người mua sắm đi du lịch nước ngoài từ tháng 3, nhưng vẫn duy trì giới hạn 600 USD đối với khách du lịch trong nước.
Xua đuổi daigou để giữ chân giới thượng lưu
"Chanel đang dần trở thành Hermès", bình luận của người tiêu dùng được tờ Hankook Ilbo trích dẫn.
Trước khi đóng các cửa hàng miễn thuế, Chanel đã liên tục tăng giá trong tháng 2, tháng 7 và tháng 9 năm ngoái. Ngoài ra, thương hiệu này cũng đưa ra quy định "mỗi người một túi Chanel" với một số mặt hàng nhất định.
Những chính sách này đều nhằm duy trì tính độc quyền của thương hiệu. Bằng cách hạn chế sức mua của các daigou hay người mua sắm thông thường, Chanel muốn giữ chân khách hàng giàu có.
"Chanel đang theo sát hành vi bán hàng độc quyền của Hermès, nhắm vào nhóm khách không dễ dàng từ bỏ cơ hội mua những chiếc túi như Birkin hay Kelly trị giá hàng chục triệu won", Hankook Ilbo bình luận.
Chanel Hàn Quốc giới hạn số lượng mua hàng của mỗi khách để duy trì tính độc quyền. Ảnh: Forbes. |
Rolex và một vài thương hiệu cao cấp khác cũng có cách làm tương tự Chanel.
Các chuyên gia phân tích, hàng hóa xa xỉ có xu hướng phô trương và những người giàu mua chúng vì thích sự khác biệt. Nếu không duy trì được tính khác biệt, một số thương hiệu xa xỉ ở Hàn lo sợ sẽ mất nhóm khách thượng lưu.
"Nhiều người không thích sự đại trà, nhất là khi hàng hóa xa xỉ được mua một cách dễ dàng. Do vậy, gần đây cũng có xu hướng những người giàu mặc món đồ xa xỉ không có logo thương hiệu. Và họ tự hào khi mọi người vẫn biết đến sự sang trọng qua món đồ đó", Lee Eun Hee, giáo sư nghiên cứu về người tiêu dùng trẻ tại Đại học Inha, cho biết.
Còn Seong Tae Yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, lý giải: "Tính phổ biến càng cao, sự hài lòng khi sử dụng sản phẩm càng ít đi. Vì vậy, người ta thường có xu hướng tìm kiếm những thứ mới mẻ để có thể phân biệt mình với người khác".