Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Hết thời 'đóng bộ' đi làm

Không còn diện sơ mi trắng, váy bút chì tại công sở, nhiều dân văn phòng ngày càng tự do, thoải mái hơn trong việc lựa chọn trang phục đi làm, tự tin thể hiện phong cách cá nhân.

Nhân sự trẻ chọn trang phục thoải mái, cá tính thay thế cho sơ mi, quần tây khi đến công ty.

Theo BBC, những quy định về trang phục tại nơi làm việc không còn được một số công ty áp dụng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Khi hình thức work from home được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh, nhân viên có quyền tự do lựa chọn áo quần hơn.

Sau đó, đại dịch được kiểm soát, người lao động trở lại văn phòng, song nội quy về trang phục công sở dần được nới lỏng. Áo phông và quần jean được chấp nhận tại một số môi trường công sở, thay thế cho sơ mi và quần tây.

trang phuc cong so anh 1trang phuc cong so anh 2
trang phuc cong so anh 3

Nhân sự trẻ tự tin diện trang phục theo phong cách cá nhân đến văn phòng. Ảnh minh họa: @letsplaymakeup.

Thể hiện bản sắc qua thời trang công sở

“Thoải mái” và “cá tính” là 2 từ khóa chính được đề cập đến khi nói về sự thay đổi của trang phục văn phòng. Váy áo phù hợp với phong cách cá nhân đem đến sự tự do và cơ hội khẳng định bản sắc cho người lao động.

Monica Sallay (31 tuổi, Indianapolis, Mỹ), Giám đốc tiếp thị phần mềm của một công ty công nghệ, không diện sơ mi, chân váy bút chì và giày cao gót khi đến văn phòng. Cô thể hiện niềm đam mê với thời trang vintage tại chốn công sở.

Vì gu ăn mặc độc đáo, Sallay được nhiều đồng nghiệp chú ý. Họ bắt đầu quan tâm đến những chiếc váy freesize, mũ bucket mà cô lựa chọn cho 8 tiếng làm việc mỗi ngày.

“Doanh nghiệp của tôi khá lớn. Tên tuổi của tôi được biết đến thông qua phong cách thời trang. Phương pháp tạo ấn tượng, gây chú ý này giúp tôi dễ dàng kết nối với đồng nghiệp ở nhiều bộ phận khác nhau”, Monica Sallay chia sẻ.

Sallay không phải người duy nhất đi ngược lại những định kiến, quy định lạc hậu về trang phục chốn công sở. Nhiều người trẻ thoải mái diện váy áo độc đáo đến văn phòng thay vì “đóng bộ” 5 ngày/ tuần.

Lynne Hugill, giảng viên về thời trang bền vững tại Đại học Teesside (Anh) cho biết: “Nhìn chung, phần lớn ‘cổ cồn trắng’ có xu hướng ăn mặc thoải mái hơn khi đến công ty. Đối với một số người trẻ, họ thể hiện phong cách cá nhân, tạo dấu ấn mạnh trong thời trang nhằm khẳng định vai trò và vị trí của bản thân tại chốn công sở”.

Theo Hugill, thế hệ trẻ (Millenials và Gen Z) tiếp xúc nhiều với mạng xã hội trong suốt quá trình trưởng thành. Khi hoạt động trên các nền tảng đó, họ quen với việc xây dựng hình ảnh cá nhân thông qua trang phục.

Quần áo là công cụ hữu hiệu giúp họ thể hiện bản thân với những người xung quanh. Phong cách thời trang trở thành một phần bản sắc của họ.

Daisy Reed (25 tuổi, London, Anh), Quản lý truyền thông mạng xã hội tại tạp chí SheerLuxe, thường kết hợp váy áo cuối tuần và trang phục công sở khi đến văn phòng. Cô tự tin thể hiện bản sắc trong một môi trường trẻ trung, năng động.

Theo Reed, cô chứng kiến sự thay đổi lớn về thói quen ăn mặc tại các doanh nghiệp trong 3-4 năm gần đây. Quy định bất thành văn về trang phục công sở không còn được tuân thủ. Những món đồ gò bó như vest và giày cao gót dần bị loại bỏ.

Bên cạnh sự thoải mái và thuận tiện, váy áo nổi bật giúp người lao động dễ dàng tạo ấn tượng tại nơi làm việc, nhanh chóng ghi dấu ấn cá nhân. Thay vì những bộ đồng phục giống nhau, trang phục khác biệt nâng cao mức độ nhận diện của người mặc.

trang phuc cong so anh 6trang phuc cong so anh 7
trang phuc cong so anh 8

Ăn mặc thoải mái giúp nhân viên văn phòng tự do sáng tạo hơn, thúc đẩy tinh thần làm việc. Ảnh minh họa: @lehatruc.

Thoải mái và tiết kiệm hơn

Các chuyên gia cho biết xu hướng này được thúc đẩy bởi các hình thức làm việc mới ra đời từ thời kỳ dịch bệnh. Làm việc từ xa làm mờ đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân của người lao động.

Lynne Hugill khẳng định đại dịch tạo ra một phong cách làm việc nhanh chóng và linh hoạt hơn. Áo quần thoải mái, có tính ứng dụng cao được ưa chuộng.

Một bộ đồ có thể mặc đi làm, dùng bữa trưa cùng bạn bè, uống cà phê chiều và đến lớp học yoga vào buổi tối. Outfit đa năng giúp người mặc tiết kiệm thời gian và công sức thay đồ, phối phụ kiện.

Hashtag #workwear trên một nền tảng mạng xã hội đem về 3,1 triệu kết quả. Phần lớn trong số đó là hình ảnh về những outfit năng động, bao gồm áo dây, short, quần thụng.

Theo Hugill, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tiến hành nới lỏng các quy định về áo quần vì nhận ra lợi ích của việc ăn mặc tự do. Các công ty này nhận thấy sự thoải mái gia tăng khả năng sáng tạo, thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân sự.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí khiến ngân sách dành cho váy áo của người lao động bị thắt chặt. Nhân viên văn phòng chọn đầu tư vào trang phục có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều hoàn cảnh.

Áo quần trang trọng, đắt tiền, chỉ phù hợp với phòng họp gây lãng phí. Việc gỡ bỏ nội quy liên quan đến trang phục cho thấy sự thích ứng của doanh nghiệp khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn.

Không chỉ người trẻ tiên phong thay đổi với trang phục giản dị và cá tính hơn, những người lao động lớn tuổi cũng chọn sneaker thay vì giày da cứng nhắc khi đi làm. Sự năng động và tự do giúp họ mở rộng tâm trí, làm việc trong trạng thái thoải mái nhất, theo Lynne Hugill.

Mặc kiểu 'Old Money' khi chưa giàu

Từng là kiểu ăn mặc gán mác "giới thượng lưu", Old Money hiện được Gen Z đón nhận và ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm