Người tiêu dùng nữ của ngành hàng đồng hồ như Ngọc Hằng chi trả số tiền lớn cho đam mê này. |
Sau 8 năm tìm hiểu và săn lùng, Ngọc Hằng (32 tuổi, Hà Nội) sở hữu cho mình hàng chục chiếc đồng hồ đến từ các thương hiệu Thụy Sĩ như Hublot, Rolex, Franck Muller, Audemars Piguet và Patek Philippe.
Khi diện đầm 2 dây, váy cut-out, áo cúp ngực đi dự tiệc, du lịch, cô thường phối cùng mẫu đồng hồ cỡ nhỏ, đính kim cương, coi đây như một món trang sức. Còn trong những trang phục dạo phố thường ngày, cô ưa chuộng phụ kiện bản to.
“Đồng hồ không chỉ để xem giờ. Tôi phản đối quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ đeo đồng hồ cỡ nhỏ”, là câu nói của diễn viên Dương Tử Quỳnh mà Ngọc Hằng ấn tượng nhất, lấy làm nguồn cảm hứng khi theo đuổi thú chơi này.
Giống như xe hơi, đồng hồ từng được cho là sản phẩm dành riêng cho phái mạnh. Tuy nhiên, lĩnh vực đồng hồ toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng doanh số trong dòng sản phẩm dành cho nữ giới, theo SWI.
Theo báo cáo được công bố vào tháng 5/2022 bởi Allied Market Research, ngành đồng hồ nữ đang có giá trị lớn hơn so với đồng hồ nam. Ngành hàng này đạt mức 23,7 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 54,4% tổng thị trường. Con số này dự kiến tăng lên 26,7 tỷ USD vào năm 2027.
Khi nữ giới đầu tư cho đồng hồ
Ngọc Hằng ước tính đã chi khoảng 5 tỷ đồng để mua về những chiếc đồng hồ. Ban đầu, cô coi đây như một món trang sức, giúp mình tỏa sáng hơn trong những sự kiện gặp đối tác, bạn bè.
Chiếc đồng hồ đầu tiên trong tủ đồ của cô là một thiết kế với dây làm từ da cá sấu, viền nạm kim cương, đường kính mặt số 26 mm.
Đến hiện tại, chiếc Patek Philippe Nautilus 7118 là mẫu đồng hồ mà cô yêu thích nhất, chỉ đeo trong các dịp quan trọng. Mức độ khan hiếm của sản phẩm này khiến cô khao khát sở hữu trong thời gian dài.
“Khi tôi tìm mua, các cửa hàng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều báo hết hàng. Tôi phải tốn nhiều thời gian và công sức thuyết phục chủ sở hữu cũ của mẫu này để mua lại”, Ngọc Hằng kể.
Theo Hằng, các dòng đồng hồ kỷ niệm, phiên bản giới hạn, vintage đều khó tìm thấy tại đại lý. Cô phải tham gia thị trường thứ cấp để sở hữu những món mong muốn. Doanh nhân này không ngại sử dụng sản phẩm qua tay, chỉ cần chiếc đồng hồ đó vừa ý, phù hợp với phong cách cá nhân.
Ngọc Hằng sở hữu hàng chục mẫu đồng hồ đến từ các thương hiệu Thụy Sĩ. |
Trong khi đó, Thanh Thảo (24 tuổi, TP.HCM) thường xuyên mua đi bán lại đồng hồ để xoay vòng vốn cho thú chơi tốn kém này. Sau 3 năm “nằm vùng” trên thị trường thứ cấp, cô hiện sở hữu 4 chiếc đồng hồ đến từ các nhãn hàng Rolex, Franck Muller và Hublot.
Theo Thảo, khi quyết định đầu tư vào đồng hồ, người dùng cần trang bị kiến thức để tránh mua “hớ”, bị seller (người trung gian buôn bán sản phẩm) dẫn dụ. Bên cạnh tiền bạc, sự hiểu biết trong lĩnh vực này là rất quan trọng.
“Đối với tôi, đồng hồ không chỉ là một món trang sức, thú chơi mà còn là khoản đầu tư sinh lời. Trước khi mua một sản phẩm, tôi phải dành nhiều thời gian tìm hiểu để món đồ giúp mình thu về khoản lãi sau khi bán lại”, cô cho hay.
Khác với Ngọc Hằng và Thanh Thảo, Lan Thanh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có thói quen mua sắm đồng hồ tại đại lý chính hãng, cửa hàng. Khi đến các cửa hàng, cô được nghe lời khuyên của tư vấn viên trước khi “xuống tiền”, đồng thời không lo sợ bị lừa do giá cả đều được niêm yết công khai.
“Kiến thức của tôi chưa đủ để đưa ra sự lựa chọn khôn ngoan trên thị trường thứ cấp. Ngân sách cho đồng hồ của tôi cũng không đủ lớn để chấp nhận mua với giá chênh lệch”, cô tâm sự với Zing.
Sở hữu 2 mẫu hiếm là Richard Mille RM 07-01 và Richard Mille RM 023, Lan Thanh chấp nhận đặt trước và chờ đợi thông tin từ đại lý. Dù đặc biệt yêu thích các dòng sản phẩm này, cô không nóng vội chi trả một khoản lớn tại thị trường đồng hồ “lướt” để nhận hàng sớm.
Thường ra đường với phong cách thanh lịch, nữ tính, Thanh ưa chuộng các món trang sức đính kim cương, đá quý. Diện trang phục giản dị, cô đầu tư nhiều cho đồng hồ hoặc túi xách, dồn toàn bộ sự chú ý vào phụ kiện.
Lan Thanh ưa chuộng đồng hồ gắn kim cương, đá quý để sử dụng như trang sức, phụ kiện khi đi dự tiệc, tham gia sự kiện. |
Khách hàng nữ ngày càng gia tăng
Theo SWI, Brian Duffy, CEO Tập đoàn bán lẻ đồng hồ Watches of Switzerland Group, cho biết khách hàng nữ của ông sẵn sàng chi trả cho các món phụ kiện nạm đá, đính kim cương. Ngày nay, nhu cầu sử dụng đồng hồ của nữ giới cao hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2017.
Catherine Rénier, nữ CEO thương hiệu đồng hồ Jaeger-LeCoultre, đồng tình với nhận định của Brian. “Doanh số mẫu Reverso của thương hiệu Jaeger-LeCoultre được chia 50:50 giữa khách hàng nam và nữ”, bà nói.
Trong khi đó, CEO thương hiệu Lucerne cho biết về hoạt động bán hàng: “Chúng tôi đã bán được 6.000 chiếc đồng hồ trong năm 2010, với tỷ lệ nam - nữ là 80:20. Vào năm 2019, chúng tôi bán được 30.000 chiếc đồng hồ với tỷ lệ 60:40. Doanh số thu về từ đồng hồ cho nữ giới tăng gấp 10 lần so với trước đây”.
Tại Việt Nam, Gia Huy (TP.HCM), quản lý một đại lý phân phối đồng hồ, khẳng định số lượng khách hàng nữ chiếm tới 40%. Con số này tăng mạnh so với 2-3 năm trước, dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Huy, người tiêu dùng nữ của anh thường ở độ tuổi 25-35. Họ thường làm việc trong các lĩnh vực như kinh doanh, nghệ thuật hoặc công tác tại nước ngoài. Các nữ doanh nhân và người nổi tiếng là đối tượng khách hàng mục tiêu của Gia Huy.
Khách hàng nữ thường sẵn sàng chi trả từ 150-600 triệu đồng/hóa đơn đồng hồ. Ngoài ra, trong một số thương vụ lớn, họ có thể bỏ ra từ 1-2 tỷ đồng để sở hữu món đồ yêu thích.
Các thương hiệu được nữ giới ưa chuộng là Hublot, Rolex, Franck Muller và Patek Philippe. Gia Huy cho biết người dùng nữ thường sử dụng những mẫu thuộc nhà sản xuất danh tiếng, dễ nhận diện thông qua logo, tên nhãn hàng.
“Tính nhận diện thương hiệu cao là ưu tiên của phái nữ khi lựa chọn và mua sắm đồng hồ”, Huy nói với Zing.
Khách hàng nữ như Ngọc Hằng quan tâm đến thiết kế và màu sắc của đồng hồ. |
Còn Thế Hùng (31 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ sở hữu một cơ sở kinh doanh đồng hồ Thụy Sĩ, chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa khách hàng nữ và nam khi theo đuổi đam mê này. Phần lớn người dùng nữ vẫn tìm kiếm các sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, vừa vặn với cổ tay.
Họ cho biết những mẫu chứa bộ máy lớn, có dây đeo bản to tương đối nặng, tạo cảm giác vướng víu, khó sử dụng hàng ngày và không phù hợp với váy áo nữ tính.
Trong khi nam giới quan tâm đến bộ máy, lịch sử và các chức năng của món đồ, phái nữ lại chú ý tới thiết kế, màu sắc, chi tiết kim cương, đá quý được đính kết. Các sản phẩm có kiểu dáng hiện đại, màu sắc sặc sỡ, nổi bật, gắn hồng ngọc lấp lánh thường được lòng nhóm người dùng này.
Theo Hùng, khách hàng nữ của anh sử dụng đồng hồ như trang sức, phụ kiện. Thậm chí, một số người còn mua sắm với mục đích sưu tầm thay vì ứng dụng.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.