Ngoài nghỉ việc trong im lặng, nhiều người cũng chọn chia tay một cách âm thầm. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels. |
Không chỉ xuất hiện ở nơi làm việc, “quiet quitting” giờ đây còn len lỏi vào trong tình yêu đôi lứa. Thuật ngữ này tựu trung đều ám chỉ việc một bên ngừng nỗ lực và cống hiến. Trong công ty, họ thường không tăng ca hay nhận thêm việc. Tương tự, khi yêu đương, những người này tỏ ra hời hợt, ít vun vén tình yêu và thường xuyên giữ im lặng về cảm xúc của bản thân.
Dưới đây, Stylist tổng hợp những chỉ dẫn hữu ích từ chuyên gia giúp bạn sớm nhận biết dấu hiệu của “quiet quitting” trong đời sống tình cảm.
Yêu đương thiếu vắng những dự định tương lai có thể mấp mé ở bờ vực rạn nứt. Ảnh: leeloo the first/Pexels. |
Không hứa hẹn
Bạn háo hức lên kế hoạch cho cả hai vào năm sau từ kỉ niệm yêu đương cho đến du lịch nước ngoài cùng nhau.Trái lại, người yêu lại có vẻ thờ ơ và miễn cưỡng. Thậm chí, họ từ chối bàn luận về tương lai của đôi bên.
Điều này cho thấy đối phương có thể đang muốn thoát khỏi mối quan hệ hiện tại. Song, họ không thể hiện trực tiếp ra vì không muốn tổn thương cảm xúc của bạn.
Năm mới là dịp hoàn hảo để thảo luận những ý định mới cùng nửa kia. Nếu họ thật sự không tỏ ra quan tâm, đây là một dấu hiệu tiêu cực trong tình yêu, Murphy nói thêm.
Thời gian bên nhau giảm đáng kể là dấu hiệu đáng báo động trong tình yêu. Ảnh: Sofia Alejandra/Pexels. |
Không dành thời gian
Theo Pippa Murphy, chuyên gia về các mối quan hệ, việc người yêu không còn ở bên bạn nhiều như trước rất có thể là dấu hiệu của quiet quitting.
Họ thậm chí có thể trở nên quen thuộc với việc một mình đến mức không mảy may đoái hoài đến nửa kia của mình.
Nhiều người chọn quiet quitting bằng cách quên đi quá khứ tốt đẹp khi yêu đương. Ảnh: cotttonbro studio/Pexels. |
Không nhắc về kỷ niệm
Đối phương khả năng cao đang áp dụng “quiet quitting” lên mối quan hệ khi họ ngừng nói về những kỷ niệm vui vẻ của cả hai.
Họ làm điều này như một cách để tránh cảm thấy tội lỗi khi chia tay trong âm thầm. Thêm vào đó, họ muốn quên đi những chuyện tốt đẹp để dễ dàng thoát khỏi mối quan hệ với bạn hơn.
Im lặng về cảm xúc là dấu hiệu tiêu biểu của việc đối phương đang ngấm ngầm chia tay. Ảnh: Anete Lusina/Pexels. |
Giữ kín tâm tư
Một dấu hiệu phổ biến khác của tình cảm phai nhạt là người yêu hạn chế bộc lộ cảm xúc với bạn. Thậm chí, họ né tránh thảo luận về những vướng mắc trong tâm trí.
Đây là một tín hiệu cho thấy đối phương không còn muốn đề cập tới bất kỳ vấn đề nào về mối quan hệ của cả hai.
Thay vào đó, họ chọn quiet quitting như một cách để chấm hết yêu đương mà không phải trải qua những rắc rối đi kèm việc chia tay.
Hành động này như việc dán băng cá nhân lên một vết thương hở. Nói cách khác, họ đang che đậy vấn đề chứ không thật sự tìm cách xử lý nó.
Nhắn tin chậm cho thấy đối phương không còn mặn mà với mối quan hệ của cả hai. Ảnh: cottonbro studio/Pexels. |
Phản hồi tin nhắn chậm hơn
Nếu đối phương mất rất nhiều thời gian để trả lời tin nhắn cũng như không có vẻ hào hứng khi trò chuyện với bạn, rất có thể họ đang âm thầm từ bỏ mối quan hệ này.
Chẳng hạn, họ không còn chủ động bắt chuyện hay cập nhật cuộc sống với bạn nữa.
Thờ ơ khi bạn đang giãy bày tâm sự là một dấu hiệu tiêu biểu của quiet quitting khi yêu đương. Ảnh: Klaus Nielsen/Pexels. |
Không lắng nghe
Tương tự, bạn nên chú ý hơn nếu nửa kia tỏ ra lãnh đạm ngay cả trong những cuộc trò chuyện trực tiếp. Điều này hiếm khi là một dấu hiệu tốt.
Ví dụ, họ bỏ ngoài tai những khó khăn bạn chia sẻ. Lý do có thể là đối phương không muốn quan tâm tới cuộc sống của bạn. Ngoài ra, họ còn bị phân tâm bởi những lo lắng và băn khoăn riêng bao gồm cả việc chia tay với bạn.
Đối phương có thể muốn dừng yêu khi hay khó chịu với bạn về những chuyện không quá quan trọng. Ảnh: RODNAE Productions/Pexels. |
Tranh cãi về những điều nhỏ nhặt
Murphy nhấn mạnh rằng một mối quan hệ mà cả hai không bao giờ tranh cãi cũng chưa hẳn là một mối quan hệ lành mạnh. Tuy nhiên, tần suất cãi cọ quá nhiều lại là một chuyện khác.
Đôi co thường xuyên có thể là cách đối phương dùng để gián tiếp chấm dứt yêu đương với bạn. Họ không sẵn sàng nói thẳng tâm tư của mình mà chọn trút cảm xúc tiêu cực lên những điều nhỏ nhặt trong mối quan hệ của cả hai.
Chủ động, cởi mở và lắng nghe đối phương là một số cách giúp cả hai vượt qua khó khăn khi yêu đương. Ảnh: Anna Pou/Pexels. |
Xử sự ra sao?
Nếu mối quan hệ xuất hiện nhiều dấu hiệu quiet quitting ở trên, dưới đây là những điều bạn có thể cân nhắc để hành xử đúng đắn.
Theo Murphy, nếu đối phương mãi không mở lời về việc kết thúc mối quan hệ, rất có thể họ chưa sẵn sàng đối mặt với vấn đề. Song, thay vì chờ đợi, bạn có thể chủ động đề cập về nó trước. Đây là việc làm đặc biệt hữu ích nếu bạn đang trải qua cảm giác thất vọng hoặc tổn thương vì sự im lặng của nửa kia.
Nhận thức và thấu hiểu sâu sắc khúc mắc cũng như lý do chúng xảy ra là thiết yếu. Nếu người yêu của bạn có dấu hiệu quiet quitting, có khả năng họ đang phải trải qua nhiều trở ngại khác ngoài yêu đương. Chúng có thể liên quan đến giao tiếp, tài chính hay bất kỳ vấn đề nào khiến họ không thể chia sẻ với bạn một cách thoải mái.
Suy cho cùng, mỗi cặp người yêu đối mặt với khó khăn khác nhau. Song, đồng lòng tìm cách vượt qua sẽ giúp cả hai có được hạnh phúc dài lâu.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.