Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, các bác sĩ vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công khối bướu quái cùng cụt khổng lồ cho bệnh nhi L.T.N.M. (1 ngày tuổi, ngụ tại Sóc Trăng).
Trước đó, bé M. được sinh mổ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) với trọng lượng 5,2 kg bao gồm khối bướu khổng lồ ở vùng cùng cụt và được chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để can thiệp phẫu thuật.
Sau khi tiếp nhận bé M., các bác sĩ chẩn đoán bé bị bướu quái khổng lồ vùng cùng cụt có kích thước 30x30x20 (cm), to hơn cả cơ thể bé M. và đang xuất huyết bên trong.
Lúc này, bệnh nhi chỉ mới được 20 giờ tuổi, lại đang có nguy cơ mất máu, suy tim, rất dễ dẫn đến tử vong. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật cho bé.
Khối bướu khổng lồ khiến bé gái phải nằm sấp, nguy cơ chèn ép hô hấp. Ảnh: BVCC. |
Ca mổ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, ê-kíp đã giải quyết được khối bướu quái cho bé. Sau mổ bé gái cân nặng 2,1 kg, khối bướu nặng 3,1 kg, to hơn cả cơ thể của bé.
Hiện sức khỏe của bé đã ổn định, không cần thở bằng máy và ăn đường miệng.
ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết bé có khối bướu quá lớn hơn trọng lượng cơ thể nên không thể nằm ngửa mà phải nằm sấp, nguy cơ chèn ép đường hô hấp rất lớn. Do đó, các bác sĩ gây mê phải đồng thời kiểm soát được hô hấp cho bệnh nhi.
“Trong quá trình phẫu thuật, nếu không kiểm soát được những mạch máu lớn, nguy cơ xuất huyết rất cao, dẫn đến bé mất máu, trụy tim và tử vong ngay trên bàn mổ. Chưa kể, khối bướu biến chứng chảy máu liên tục gây tình trạng thiếu máu, kèm theo nhiệt độ phòng mổ phải lạnh, bé có thể bị hạ thân nhiệt”, bác sĩ Hiếu nói.
Khối bướu của bé M. gần như lớn nhất thế giới nhưng may mắn lành tính, phát triển từ vùng cùng cụt, cần can thiệp sớm nhất có thể, tốt nhất trong vòng 12 giờ đầu.
Bướu vùng cùng cụt là loại bướu thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, nhưng bướu quái khổng lồ kích thước hơn 10 cm khá hiếm gặp và có nguy cơ tử vong rất cao. Theo các bác sĩ đây là dạng bướu quái khổng lồ rất hiếm, với tỷ lệ 1/40.000 trẻ sơ sinh.
Bướu có thể được phát hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ qua siêu âm. Tuy nhiên, thai phụ không nên chấm dứt thai kỳ trừ khi bé có những bệnh bẩm sinh khác kèm theo, vì nếu phát hiện và theo dõi từ thai kỳ đến khi sinh, tiến hành mổ sớm sẽ giải quyết được bướu cho trẻ.