Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Hidden Figures’: Góc khuất sau bước tiến vĩ đại của nước Mỹ

Ba phụ nữ da màu là những người hùng thầm lặng sau sự kiện NASA thành công đưa con người ra ngoài vũ trụ vào thập niên 1960. Nhưng họ còn phải chịu vô số áp lực vì màu da của mình.

Bộ phim Hidden Figures được đạo diễn Theodore Melfi thực hiện dựa trên cuốn sách cùng tên của Margot Lee Shetterly. Trung tâm tác phẩm là ba người phụ nữ da màu tài ba làm việc cho NASA trong thập niên 1960.

Nhờ công của họ, nước Mỹ trở thành cường quốc đầu tiên thành công đưa con người lên trên mặt trăng, mở ra trang lịch sử đáng tự hào cho xứ sở cờ hoa.

Ba người phụ nữ ấy bao gồm hai nhà toán học Katherine Goble Johnson (Taraji P. Henson), Dorothy Vaughan (Octavia Spencer), và kỹ sư trẻ Mary Jackson (Janelle Monáe).

review phim Hidden Figures anh 1
Hidden Figures do đạo diễn Theodore Mefil thực hiện dựa trên cuốn sách cùng tên của Margot Lee Shetterley. Chuyện phim là những sự kiện có thật xảy ra tại NASA vào thập niên 1960.

Những năm 1960 là quãng thời gian xảy ra “cuộc chạy đua vào không gian” giữa Liên Xô và Mỹ. NASA dần trở nên thắng thế chính là nhờ công lớn của Johnson, Vaughan và Jackson.

Nhưng công việc không phải là thứ áp lực duy nhất mà họ phải đối mặt. Sự kỳ thị về màu da và giới tính đến từ xã hội, đặc biệt từ những đồng nghiệp da trắng, cũng là điều mà ba người phụ nữ cần phải cùng nhau vượt qua.

Hidden Figures đưa khán giả về quãng thời gian sôi động và đầy ắp sự kiện của nước Mỹ. Tàu không gian Friendship 7 thành công trong việc đưa phi hành gia John Glenn bay ba vòng quanh quỹ đạo Trái đất trong khoảng thời gian năm giờ đồng hồ vào năm 1962.

Đó trở thành tiền đề để tàu Apollo 11 sau đó đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào tháng 7/1969. Bởi vậy, những ai đam mê lịch sử sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí khẩn trương, nhộn nhịp của nước Mỹ thông qua câu chuyện trong Hidden Figures.

review phim Hidden Figures anh 2
Johnson, Vaughan và Jackson là những người góp phần tạo ra lịch sử. Nhưng họ cũng chính là nạn nhân của lịch sử, tại thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc là nỗi đau nhức nhối của nước Mỹ.

Nhưng trái với những tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật, sự phân biệt về màu da và kỳ thị giới tính nơi công sở vẫn còn tồn tại, thậm chí được coi như điều đương nhiên ngay cả ở một nơi hiện đại như NASA.

Nhà toán học Katherine Goble Johnson không được phép dùng máy pha cà phê. Mỗi lần muốn đi vệ sinh, cô cần phải mất… 45 phút để chạy qua dãy nhà kế bên, đơn giản bởi trụ sở NASA không có toilet dành riêng cho người da màu.

Dù có bằng cấp không kém gì người da trắng, Johnson cùng nhiều nhân viên da màu bị “nhồi” vào khu làm việc riêng. Đó là một căn phòng chật hẹp và ngột ngạt. Không gian ấy đem tới cảm giác họ chẳng khác nào những “nô lệ thời hiện đại”.

Hình ảnh nhân vật Johnson đứng khóc tức tưởi giữa cơn mưa vì những sự bất công mà cô phải gánh chịu gây xúc động mạnh cho người xem, bởi nó biểu hiện cho nỗi buồn mà người phụ nữ da màu phải nhận lấy trong một xã hội đầy rẫy sự vô lý.

Đối với Dorothy Vaughan và Mary Jackson, đó còn là nỗi buồn về nạn kỳ thị giới tính. Vaughan không được chạm tay vào máy móc, còn Jackson bị cả bạn bè lẫn gia đình ngăn cản việc tiếp tục học lên những bằng cấp cao hơn.

review phim Hidden Figures anh 3
Ba người phụ nữ trong phim dù gặp bất công đến đâu vẫn không chịu lùi bước. Khán giả cảm phục họ không chỉ vì tài năng, mà còn bởi quyết tâm vượt qua định kiến.

Nhưng rào chắn của định kiến và lề thói cổ hủ càng lên cao, nhóm ba người phụ nữ ấy càng quyết tâm đấu tranh để đòi lại quyền bình đẳng, khiến câu chuyện phim trở nên lôi cuốn và mang sức nặng ý nghĩa lớn lao.

Không khó để nhận ra rằng Katherine Goble Johnson của Taraji H. Penson được ưu ái sắm vai trò trọng tâm của toàn bộ tác phẩm. Song, Octavia Spencer và Janelle Monáe không hề tỏ ra lép vế người đồng nghiệp, dù đất diễn của họ khiêm tốn hơn. Xuyên suốt bộ phim, cả ba luôn tỏ ra ăn ý, hỗ trợ nhau trong mỗi phân đoạn xuất hiện.

Các tác phẩm mang chủ đề về sự bất bình đẳng liên quan tới màu da và giới tính thường hay nặng nề. Nhưng Hidden Figures chọn lối khai thác nhẹ nhàng, cố gắng đem đến lời giải thích công bằng cho người xem.

Ví như tay kỹ sư NASA lập dị Paul Stafford do Jim Parsons khắc họa, gã ghét người da màu ra mặt, dẫn đến hàng loạt hành động lố bịch. Nhưng xét cho cùng, tất cả xảy ra bởi những gì mà nền giáo dục Mỹ thời bấy giờ và gia đình đã dành cho Stafford.

Đây là nhân vật có thể khiến nhiều người liên tưởng tới Sheldon Cooper của The Big Bang Theory với cùng một kiểu kiêu ngạo và cũng do Parsons thể hiện.

review phim Hidden Figures anh 4
Hidden Figures nhận ba đề cử Oscar, trong đó có Phim truyện xuất sắc. Cá nhân Octavia Spencer có tên ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Với Hidden Figures, đạo diễn Theodore Melfi chủ động chọn những gam màu sáng nóng, thể hiện qua phần phục trang cũng như màu xe của các nhân vật trong phim.

Bầu không khí thập niên 1960 được xây dựng rất chi tiết: từ phong cách ăn mặc với quần ống loe và áo công sở rộng thùng thình, cho tới phần nhạc nền mang đậm chất jazz do Pharrell Williams biên soạn.

Trong lúc nước Mỹ đang bị chia rẽ bởi các vấn đề chính trị liên quan tới sắc tộc và tôn giáo, Hidden Figures giống như lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, sâu sắc về một thời kỳ sôi động nhưng cũng đầy rẫy vấn đề trong quá khứ, để người xem có thể chiêm nghiệm, soi chiếu và tránh mắc phải sai lầm tương tự.

Tại lễ trao giải thưởng Oscar 2017, Hidden Figures nhận tổng cộng ba đề cử cho Phim truyện, Nữ diễn viên phụ (Octavia Spencer) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Tác phẩm cũng mới nhận giải Dàn diễn viên xuất sắc của SAG (Hiệp hội Diễn viên Mỹ) năm nay.

Zing.vn đánh giá: 4/5

‘La La Land’: Sự hồi sinh của những giấc mơ lãng mạn

Câu chuyện lãng mạn, diễn xuất thuyết phục, âm nhạc lôi cuốn, có rất nhiều điều biến “La La Land” trở thành tác phẩm sáng giá trong mùa giải thưởng điện ảnh cuối năm nay.

‘Lion’: Câu chuyện tìm mẹ đẻ 25 năm của doanh nhân gốc Ấn

Hành trình tìm lại mẹ đẻ của doanh nhân Saroo Brierley người gốc Ấn Độ từng gây chấn động thế giới hồi 2011 và được đạo diễn Garth Davis chuyển thể lên màn ảnh rộng trong năm qua.

‘Manchester by the Sea’: Tột đỉnh của sự bi kịch

Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Kenneth Lonergan đậm nỗi buồn nhưng không đẫm nước mắt, và chiếm được sự cảm thông nhờ tài năng diễn xuất của Casey Affleck.

Minh Phúc

Ảnh: Fox

Bạn có thể quan tâm