Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Manchester by the Sea’: Tột đỉnh của sự bi kịch

Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Kenneth Lonergan đậm nỗi buồn nhưng không đẫm nước mắt, và chiếm được sự cảm thông nhờ tài năng diễn xuất của Casey Affleck.

Lee Chandler (Casey Affleck) có một cuộc sống trầm lặng và nhàm chán ở xứ New England với những mùa đông lạnh lẽo dài đằng đẵng đặc trưng của miền Đông Bắc nước Mỹ.

Ban ngày, anh cặm cụi dọn dẹp và sửa chữa nhà cửa cho những cư dân khó tính của thành phố nhỏ Quincy thuộc ngoại vi Boston. Ban đêm, Lee chỉ biết bầu bạn với mấy chai bia cùng những trận đấu bóng rổ của đội Boston Celtics, hoặc khúc côn cầu trên băng của Boston Bruins.

Khi buồn bực vì công việc, Lee đôi lúc giải tỏa bằng cách tới những quán bar đông người. Nhưng tính cách ít nói và khó gần khiến anh chẳng thể kiếm được bạn tâm giao hay mối tình thoáng qua nào. Điều mà người đàn ông nhận được có chăng chỉ là vài ba trận ẩu đả xuất phát từ sự nóng giận bột phát và vô cớ của chính anh.

Điểm sáng duy nhất trong cuộc đời Lee Chandler là mảnh vụn ký ức về những chuyến ra khơi dưới ánh nắng mùa hè ấm áp tại thị trấn quê nhà Manchester-by-the-Sea cùng người anh trai Joe Chandler (Kyle Chandler) và cậu nhóc Patrick - con trai Joe.

review phim Manchester by the Sea anh 1
Manchester by the Sea là tác phẩm tâm lý mang đậm tính bi kịch do đạo diễn Kenneth Lonergan thực hiện. Phim nằm trong số những ứng cử viên tranh giải tại Oscar 2017.

Tại sao một người có vẻ ngoài điển trai với cặp mắt sâu thẳm như Lee Chandler lại cứ sống lầm lũi cô đơn trong căn hộ chẳng có ánh mặt trời mỗi khi tuyết rơi? Tại sao ẩn chứa bên trong người thợ sửa chữa chăm chỉ, chu đáo ấy lại là những cơn giận dữ và bạo lực vô duyên đến như vậy?

Khán giả bắt đầu tìm thấy manh mối cho những thắc mắc ấy, cũng như những bí mật ẩn sâu bên trong nhân vật khi anh phải quay về Manchester-by-the-Sea để lo hậu sự cho người anh vừa đột ngột qua đời, cũng như trở thành người giám hộ bất đắc dĩ cho Patrick (Lucas Hedges).

Cậu cháu lém lỉnh đang ở độ tuổi ẩm ương của nhà Chandler chẳng còn người thân nào khác sau khi bố mất. Người mẹ của cậu, Elise (Gretchen Mol), đã bỏ đi từ lâu và buộc Joe Chandler quá cố phải chịu cảnh “gà trống nuôi con” suốt bấy lâu nay.

Trở lại Manchester-by-the-Sea, Lee Chandler vừa mang trong mình nỗi đau của người em chẳng được nhìn thấy mặt anh trai lần cuối, vừa phải đối diện với quá khứ đau đớn của bản thân khi mọi người quen cũ đều xa lánh anh, ngoại trừ vợ chồng người bạn vong niên George (C.J. Wilson).

Nhưng có lẽ chẳng nỗi buồn nào trong Lee Chandler sánh được với cảm xúc khi anh phải gặp lại Randi (Michelle Williams), người vợ hiền lành từng chia sẻ những năm tháng hạnh phúc bên anh trong căn nhà nhỏ, nhưng nay đã tái hôn và có một cậu nhóc xinh xắn.

Tại sao gia đình nhỏ bé của Lee Chandler lại vỡ vụn vào trong quá khứ của nhân vật? Nhưng quan trọng hơn, liệu anh có thể vượt qua mặc cảm quá khứ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho cậu cháu Patrick đang trải qua nỗi đau mất cha?

Một tác phẩm xoay quanh sự mất mát

Manchester by the Sea là một bộ phim về sự mất mát, và cách mỗi người đối mặt với mất mát, đặc biệt là cái chết của người thân. Đại diện cho niềm vui là những nụ cười hạnh phúc, minh chứng cho sầu muộn thường là những giọt nước mắt u buồn. Nhưng ở tận cùng của đau buồn và mất mát, mỗi người sẽ phản ứng theo một cách rất riêng.

Patrick Chandler bình thản đón nhận tin dữ về người cha bởi bác sĩ từ lâu đã chẩn đoán rằng Joe khó có thể sống đến tuổi già vì trái tim yếu đuối. Nhưng cậu học sinh cấp III lại đau đáu với nỗi lo rằng cha mình sẽ cô đơn nằm trong buồng lạnh suốt mùa đông dài, và phải chờ tới mùa xuân khi đất mềm ra mới có thể được chôn cất tử tế.

review phim Manchester by the Sea anh 2
Nỗi đau trong Lee Chandler và từng người xung quanh anh cứ thế dần dần được bóc tách khi câu chuyện của Manchester by the Sea được kể ra.

George choáng váng trước sự ra đi của người bạn thân, nhưng vẫn đủ minh mẫn và nhạy cảm để lo lắng hậu sự cho gia đình Chandler cực kỳ neo người. Randi hoảng loạn trong cơn tuyệt vọng, tới mức làm tổn thương cả những người thân yêu nhất. Nhưng rồi cô cũng dần hồi phục, tìm được chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc đời.

Chỉ có Lee Chandler là chẳng giống ai trong số họ. Anh vẫn sống, vẫn lo lắng, quan tâm đến người thân với tất cả những gì tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn.

Nhưng ngọn lửa cảm xúc trong anh đã nguội lạnh từ lâu. Hay nói đúng hơn, nỗi đau quá khứ trong anh là quá lớn, dập tắt hoàn toàn những mầm mống hạnh phúc, để lại trong trái tim người đàn ông vết thương tinh thần không bao giờ có thể khép miệng.

Manchester by the Sea của đạo diễn Kenneth Lonergan có lẽ là tác phẩm bi kịch hay nhất mà Hollywood từng sản sinh ra trong khoảng hơn 5 năm qua khi nó xoáy sâu vào nỗi buồn và sự mất mát.

Cho đến trước 2016, Lonergan mới chỉ thực hiện vỏn vẹn hai bộ phim dài. Song, ông không phải là “tay mơ” khi từng là tác giả kịch bản của You Can Count On Me (2000) cùng Gangs of New York (2002), và hai lần nhận đề cử Oscar trong vai trò biên kịch với chúng.

Trải qua nhiều năm trắc trở vì những mâu thuẫn trong giới làm phim, Kenneth Lonergan có màn trở lại xứng đáng với Manchester by the Sea. Bộ phim là ví dụ mẫu mực cả về cách kể chuyện lẫn phân tích tâm lý nhân vật. Tuy nội dung chủ đạo của tác phẩm là những bi kịch cá nhân cay đắng, nhưng tác phẩm không vì thế mà sa đà quá mức vào sự u buồn.

review phim Manchester by the Sea anh 3
Tuy mang đậm chất bi kịch, nhưng bộ phim được đạo diễn Kenneth Lonergan kể lại theo hướng kìm nén và tạo ra những giây phút bùng nổ cực kỳ hiệu quả.

Thay vào đó, những câu thoại thông minh và chua cay đặc trưng của cư dân miền Đông Bắc nước Mỹ, cùng nhiều phân đoạn mô tả cuộc sống đời thường của xứ New England, giúp khán giả tránh khỏi sự mệt mỏi quá mức về mặt tinh thần khi phải chứng kiến hết bi kịch này tới bi kịch khác ập xuống.

Ngay cả trong việc khắc họa sự suy sụp của nhóm nhân vật trong phim, Kenneth Lonergan cũng không sử dụng các phân đoạn đẫm nước mắt. Ông tập trung xây dựng vẻ bề ngoài và cách hành xử bình thường nhất có thể, nhưng thực chất là để che đậy những vết sẹo ẩn sâu bên trong tâm hồn họ.

Chính sự kìm nén cảm xúc trong kịch bản đã tạo ra hiệu quả tối đa cho các phân đoạn bùng nổ bất chợt, khi các vết sẹo tinh thần được Lonergan bất ngờ lôi lên bề mặt các nhân vật, khiến khán giả phải choáng váng về chiều sâu thực sự của trạng thái trầm cảm mà Lee Chandler và những người xung quanh anh đang phải trải qua.

Khi Casey Affleck chứng tỏ đẳng cấp

Kenneth Lonnergan là người thai nghén kịch bản cũng như tạo dựng hình hài cho Manchester by the Sea. Nhưng bộ phim khó lòng có thể gây tiếng vang nếu như không có sự thể hiện xuất sắc của dàn diễn viên.

Trong số đó, ngôi sao sáng nhất chính là Casey Affleck - nam diễn viên người gốc New England được nhà sản xuất Matt Damon nhường cho vai chính Lee Chandler chỉ hai tháng trước khi phim khởi quay.

Thường bị phủ bóng bởi danh tiếng của người anh trai Ben Affleck, nhưng trên thực tế, Casey Affleck cũng sở hữu sự nghiệp đáng tự hào với các vai diễn đáng nhớ trong Gone Baby Gone (2007), The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford (2007) hay I’m Still Here (2010).

Nhưng với Manchester by the Sea, nam diễn viên 41 tuổi cho thấy anh hoàn toàn xứng đáng sánh ngang với anh trai, hay bất cứ tài tử hạng A nào của Hollywood, về mặt tài năng.

review phim Manchester by the Sea anh 4
Theo dõi Manchester by the Sea, người xem có thể hiểu tại sao Casey Affleck lại thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại nhiều sự kiện điện ảnh diễn ra trong thời gian qua.

Lee Chandler không hề dễ dàng để thể hiện, bởi trong phần lớn thời lượng tác phẩm, suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật bị chôn giấu sâu bên trong vẻ ngoài vô cảm và những cơn bạo lực bột phát.

Ngoại trừ những khoảnh khắc ngắn ngủi khi sự đau đớn, cùng quẫn hiện lên rõ ràng trên khuôn mặt Lee Chandler, khán giả chỉ có thể cảm nhận thấy nỗi đau từ những bi kịch bám rễ trong tâm hồn nhân vật thông qua ánh mắt buông xuôi, cử chỉ ngập ngừng, hay những chi tiết tưởng như bâng quơ mỗi khi anh đối thoại.

Tài năng của Casey Affleck được thể hiện rõ ràng nhất trong những trường đoạn đòi hỏi việc pha trộn cả sự bùng nổ lẫn tiết chế cảm xúc, như cảnh quay đáng nhớ ở đồn cảnh sát.

Chỉ trong khoảnh khắc, tài tử khiến người xem bất ngờ vì sự thay đổi đột ngột trong tâm trạng Lee Chandler, để rồi chua xót nhận ra rằng đây là một trong những nhân vật thuộc hàng bi kịch bậc nhất trên màn ảnh những năm gần đây.

Nhưng Manchester by the Sea không chỉ có Casey Affleck. Michelle Williams thể hiện sự tinh tế, đặc biệt khi nhân vật Randi đối diện với nỗi đau không thể cất thành lời, dù thời lượng dành cho nữ diễn viên là không nhiều. Đó là những giọt nước mắt, giọng nói run run tiếc nuối, khiến một chương buồn thảm trong cuộc đời Randi được tái hiện chỉ trong chốc lát.

Đối trọng cần thiết dành cho Casey Affleck trong phim là Lucas Hedges, tài năng trẻ sắm vai cậu cháu Patrick. Nhựa sống luôn tràn đầy bên trong chàng trai tuổi mới lớn - người luôn sống hết mình với thể thao, âm nhạc, cho tới các cô “bạn gái” - càng khiến bi kịch của một người đàn ông đã khô cạn khát vọng sống như Lee Chandler thêm nổi bật.

review phim Manchester by the Sea anh 5
Vai diễn Patrick trong Manchester by the Sea mang về cho cá nhân tài năng trẻ Lucas Hedges đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2017.

Song, điều đáng trân trọng ở Manchester by the Sea là từ Lee, Patrick, Randi đến nhiều nhân vật phụ khác, lại chia sẻ một điểm chung. Đó là tình cảm sâu sắc, chân thành mà họ dành cho nhau. Chính mối liên hệ đậm chất nhân văn ấy đã giúp níu kéo Lee Chandler và những người xung quanh anh khỏi chết chìm trong tai ương số phận.

Trong một năm với sự xuất hiện của rất nhiều tác phẩm điện ảnh đề cập tới các đề tài xã hội nóng bỏng như nạn phân biệt chủng tộc, sự phân cách giàu nghèo, hay những lo toan về bất ổn chính trị trong tương lai, thì Manchester by the Sea quả giống như một “cánh chim lạ”.

Bởi các nhân vật trong phim đều là những con người hết sức bình thường, còn nỗi đau mà họ phải chịu đựng lại mang tính cá nhân rất cao, không dễ để nhiều khán giả có thể liên hệ với suy nghĩ, hoàn cảnh bản thân.

Vậy điều gì đã làm nên thành công cho một tác phẩm đậm chất bi thương như Manchester by the Sea? Có lẽ đó là sự chân thành toát ra từ mỗi câu thoại, từ cách xây dựng nhân vật, từ cách lựa chọn hình ảnh và âm nhạc của Kenneth Lonergan.

Chính sự chân thành đó giúp khán giả cảm nhận rõ ràng nỗi đau của nhóm nhân vật trong phim, để rồi từ đó chợt nhận ra rằng con người chúng ta chẳng có nhiều cơ hội để yêu thương lẫn nhau. Dù chỉ là 10 phút hay cả cuộc đời, hãy cứ dành tình cảm trân quý cho người thân, bởi một lúc nào đó, bi kịch cuộc đời có thể sẽ cướp đi cơ hội rất đỗi giản đơn ấy.

Tại Oscar 2017, Manchester by the Sea nhận tổng cộng 6 đề cử Oscar cho Phim truyện, Đạo diễn (Kenneth Lonergan), Nam diễn viên chính (Casey Affleck), Nam diễn viên phụ (Lucas Hedges), Nữ diễn viên phụ (Michelle Williams) và Kịch bản gốc xuất sắc.

Zing.vn đánh giá: 5/5

‘Moonlight’: Hãy sống đẹp như ánh trăng sáng trên biển đêm

Ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar 2017 là câu chuyện về một thanh niên da màu đồng tính, có thể khiến khán giả liên tưởng tới tác phẩm kinh điển “Brokeback Mountain” của Lý An.

‘Arrival’: Câu chuyện luân hồi bạo liệt và ám ảnh

Tác phẩm khoa học viễn tưởng của đạo diễn Denis Villeneuve là một bất ngờ thú vị của điện ảnh thế giới năm 2016 và hoàn toàn xứng đáng với 8 đề cử nhận được tại Oscar 2017.

‘Fences’: Hãy ngả mũ trước Denzel Washington

Trong tác phẩm tâm lý dựa trên vở kịch cùng tên “Fences”, Denzel Washington vừa làm đạo diễn, vừa sắm vai chính. Phim mới nhận bốn đề cử Oscar hôm 24/1.

Việt Phương

Ảnh: Amazon Studios

Bạn có thể quan tâm