Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa từ rau rửa bằng nước thải

Hàng ngày, người dẫn xã Yên Hòa (Hưng Yên) vẫn "hồn nhiên" rửa rau trên dòng mương được so sánh bẩn như sông Tô Lịch sau đó cung cấp ra thị trường.

Khi nói đến rau bẩn, người ta thường nghĩ đến các loại rau bị phun thuốc trừ sâu độc hại, tồn dư kim loại nặng,...Tuy nhiên, có một loại rau bẩn mà mức độ độc hại của nó nguy hiểm hơn nhiều lần, đó là rau rửa bằng nguồn nước thải.

Đây là thực trạng đang diễn ra tại tỉnh Hưng Yên - vựa rau lớn nhất nhì miền Bắc. Dòng nước đen ngòm, từ lâu đã phình lầy bởi phân lợn và đặc quánh vì bùn thải hôi thối.

Người dân ở đây cho biết, con mương chính ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là điểm dừng cuối cùng của các loại chất thải, ô nhiễm như dòng sông Tô Lịch. 

Người nông dân biết rõ con mương này rất bẩn nhưng vẫn rửa, bởi tâm lý "sạch nhà bẩn thiên hạ". Chính một số người nông dân đang rửa rau tại đây cũng phải thú nhận, họ ít khi hoặc không dám sử dụng rau đã rửa qua nước mương. 

Rau rua bang nuoc thai anh 1
Người dân xã Yên Hòa rửa rau trên con mương nước thải. Ảnh cắt từ clip

Rau được tập hợp tại chợ đầu mối Đông Tảo, sau đó phân phối đi các nơi, chủ yếu là Hà Nội.

Trong chương trình Ngon và lành (VTC14), PGS.TS Phạm Quang Hà, Phó viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, cho hay: "Nhiều chất ô nhiễm phân tán ra môi trường, nhưng nhiều chất tích tụ lại như chất khó phân giải, kim loại nặng. Nguồn nước thải chứa rất nhiều ổ vi sinh vật gây bệnh, chúng có thể gây ra các căn bệnh ác tính, bệnh lạ. Các vi sinh vật ảnh hưởng đến đường ruột, ngoài da, liên quan đến đường thở hoặc mắt". 

PGS.TS Hà cũng cho biết thêm, nếu nguồn rau này được sử dụng với mục đích ăn sống sẽ rất nguy hiểm. Dù bạn có rửa rau kỹ tới mức nào cũng không thể loại bỏ hết vi khuẩn, các loại giun sán. 

Đáng buồn hơn, người nông dân Yên Mỹ cũng "vô tư" vệ sinh chai, bình phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên dòng mương vốn đã ô nhiễm nặng này. Tuy nhiên, PGS.TS Quang Hà nhấn mạnh, nhiễm độc đầu tiên là nông dân vì tiếp xúc trực tiếp hàng ngày, hàng giờ. 

 


Phạm Anh (Nguồn VTC)

Bạn có thể quan tâm