“Bữa đó thằng con trai út đi làm thuê bằng chiếc xe đi mượn, chạy tới giữa cầu thì xe bị văng giữa sông, xe chìm, mất hết giấy tờ. Nó cũng uống nước quá chừng”, bà Ánh vừa nói vừa chỉ tay ra cây cầu hơn 20 năm tuổi không lan can, chới với bắc qua sông.
Bao năm qua, người phụ nữ này và bà con xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) vẫn nuôi hy vọng về một cây cầu mới vững chắc, an toàn.
Nguy hiểm luôn rình rập mỗi mùa mưa lũ về
Được xây dựng từ năm 1995, cầu Miểu không chỉ là tuyến đường di chuyển cho người dân, mà còn là cây cầu chính giúp các em học sinh xã Thuận Hưng và Xà Phiên đến trường. Gần 10 năm qua, cầu Miểu bị xuống cấp trầm trọng, trụ xiêu vẹo, mặt gỗ bị mục và không có lan can. Dù cầu đã được sửa chữa 2 lần, liên tục đóng lại ván, mỗi lần người dân di chuyển vẫn canh cánh trong lòng những nỗi lo.
Bà Trần Thị Lài (63 tuổi) cho hay: “Cầu này hơn 20 năm rồi, xuống cấp trầm trọng, cứ tới mùa mưa lũ là người dân vất vả lắm. Không có lan can hai bên, trời mưa lớn mà chạy trên cầu dễ rơi xuống sông nên người ta không dám chạy. Tụi nhỏ té lên té xuống nhiều lắm. Nếu mà xe nặng thì phải một người đi một người đẩy mới dám qua cầu”.
“Nhà tôi nghèo, con trai út đi làm thuê cho người ta. Bữa đó nó chạy chiếc xe đi mượn, chạy tới giữa cầu thì xe bị văng giữa sông, xe chìm, mất hết giấy tờ. Người ta kéo nó lên cũng mất nửa tiếng, tới giờ cũng đâu có tiền mà sửa xe trả”, bà Nguyễn Thị Ánh (76 tuổi) tiếp lời chia sẻ.
Chiếc cầu Miểu ọp ẹp tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. |
Cũng là một cây cầu xuống cấp, nhưng cầu Tám Lọ tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau lại đặc biệt hơn. Xây dựng từ năm 2010, nhưng cầu Tám Lọ bị xuống cấp từ 4 năm nay. Bà con địa phương cố gắng khắc phục nhưng sức người và tiềm lực tài chính có hạn, phần thân cầu đã bị sập hoàn toàn từ sau Tết.
Cầu Tám Lọ tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. |
Ông Dương Minh Luân (60 tuổi) - trưởng ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho biết: “Cây cầu này nối liền 2 xã với nhau. Trước đây không có cây cầu này, người dân phải đi xuồng hoặc đi bộ đường vòng rất xa, khoảng 3 km mới tới chợ xã. Bây giờ cầu bị hư hại nặng, bất tiện cho người dân trong việc kết nối giao thương. Trẻ con đi học gặp khó khăn nhiều”.
Đó là câu chuyện chân thật về những mảnh đời bên kia bến nước, giữa muôn vàn khó khăn vẫn le lói hy vọng về một cây cầu vững chắc để con trẻ được tới trường an toàn, người lớn an tâm mưu sinh.
Hy vọng về một cuộc sống thịnh vượng hơn từ những cây cầu
Nhận thấy khó khăn của người dân, ngay khi tiếp nhận thông tin từ hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị của các tỉnh thành, Quỹ Nam Phương nhanh chóng đến khảo sát địa chất và tiến hành các công tác cần thiết.
Sáng 18/6, cây cầu thứ 30 của quỹ mang tên Khang Phước chính thức được khởi công tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ông Trần Văn Của - người dân tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Ở đây đa số là người già và trẻ nhỏ, thanh niên thì đi làm xa. Giờ có chiếc cầu này, lỡ có đau ốm thì xe còn vô tới để chở được. Từ hồi nghe tin cầu sắp được khởi công, tôi ăn ngủ không được, trông tới ngày Quỹ Nam Phương xuống xây dựng cây cầu này. Bà con ở đây ai cũng phấn khởi hết, con em đi học dễ dàng, kẻ qua người lại cũng thuận tiện hơn".
Bên cạnh cầu Khang Phước, sáng 19/6, Quỹ Nam Phương tiếp tục khởi công xây dựng cầu Khang Vượng tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Với những cái tên Khang Phước, Khang Vượng, Quỹ Nam Phương mong muốn những cây cầu này như một bước đệm giúp cuộc sống của người dân ngày một phát triển, sung túc và ấm no hơn.
Lễ khởi công cầu Khang Phước, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. |
Bà Trần Thị Thạnh (59 tuổi) - người dân địa phương - phấn khởi: “Được tin có cây cầu mới, tôi mừng lắm. Hy vọng với cây cầu mới khang trang, sạch đẹp hơn, bà con sẽ không bị té nữa. Người dân đi học đi làm hay lúc ốm đau cũng thuận tiện hơn. Có cây cầu mới này, tôi chở đồ ra ngoài lộ buôn bán cũng đỡ cực”.
Trong hành trình góp phần xóa bỏ cầu khỉ, cầu tạm, hạn chế nạn đuối nước của trẻ em miền quê Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương, Quỹ Nam Phương đã nhận được sự đồng hành của nhiều cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, quỹ nhận được nhiều hỗ trợ từ các nghệ sĩ, đại sứ đồng hành, chung tay lan tỏa những điều tích cực.
Chị Đinh Thị Nam Phương - nhà sáng lập Quỹ Nam Phương - chia sẻ: “Chúng tôi không dừng lại ở việc đem đến những cây cầu cho bà con, mà còn xây dựng một cộng đồng gồm những bạn trẻ, những người lớn tuổi, đại sứ đồng hành cùng Quỹ Nam Phương từ khi còn là sinh viên cho đến nay. Tôi hy vọng đây là một tín hiệu đáng mừng cho thế hệ trẻ. Mong rằng cộng đồng này tiếp tục được duy trì, mở rộng, góp phần lan tỏa những điều tích cực”.
Lễ khởi công cầu Khang Phước và cầu Khang Vượng là hành trình đầu tiên của Quỹ Nam Phương và chương trình “Kiến tạo nhịp cầu” trong năm nay. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 8, trước mùa nước nổi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2021, Quỹ Nam Phương đã thực hiện được 29 cầu tại 10 tỉnh thành, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, An Giang. Hành trình thiện nguyện của Quỹ Nam Phương tại các địa phương được ghi lại chân thực trong chương trình truyền hình thực tế “Kiến tạo nhịp cầu” do Dong Tay Promotion - thành viên DatVietVAC Group Holdings - thực hiện, nay bước vào mùa 8.
Các thông tin về những địa phương cần hỗ trợ xây dựng cầu, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: info@namphuongfoundation.org, hoặc fanpage Nam Phuong Foundation.
Bình luận