Giáo dục Hàn quốc chú trọng tính chăm chỉ của học sinh. Ảnh: Shutterstock |
Hàn Quốc giành vị trí cao trong bảng xếp hạng các nền giáo dục hàng đầu, nhưng nước này cũng phải trả giá đắt bằng sức khỏe, hạnh phúc của giới trẻ và tài chính của gia đình.
Hàn Quốc là một trong những nước có thành tựu giáo dục tương xứng tình trạng kinh tế - xã hội. Người dân xem giáo dục là động lực để phát triển xã hội, cơ hội đối với bản thân và gia đình. Vì thế, ngay từ nhỏ, trẻ em Hàn Quốc phải chịu áp lực từ cha mẹ, nhất định phải tốt nghiệp trường đại học danh tiếng.
Tính cạnh tranh ăn sâu vào tâm lý học sinh. Các bậc phụ huynh vạch ra con đường và mục đích cho con ngay khi họ mới đến trường.
Theo ông Michael Barber, chuyên gia toàn cầu về cải cách giáo dục, người Hàn Quốc quan niệm sự nỗ lực của mỗi người quan trọng hơn trí thông minh thiên bẩm. Họ tin con người chắc chắn thành công nếu dành nhiều thời gian học tập và làm việc chăm chỉ.
Nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ, phát hiện thái độ và niềm tin mạnh mẽ của bậc cha mẹ, góp phần quan trọng vào thành công về mặt học tập của trẻ em.
Tuy nhiên, thành công nào cũng có cái giá của nó.
"Trẻ em Hàn Quốc không có tự do, lựa chọn cá nhân hay hạnh phúc. Những gì người lớn hướng chúng tới là sản xuất, hiệu suất và vâng lời", See-Wong Koo, giảng viên Đại học Yale, nói.
Trong khi Phần Lan chú trọng xây dựng hệ thống giáo dục không mang tính cạnh tranh, môi trường học tập ở Hàn Quốc rất căng thẳng, độc đoán, cạnh tranh khốc liệt và tập trung vào nhân tài. Nó nhấn mạnh việc tạo áp lực và hiệu suất cao, đặc biệt khi 640.621 học sinh tham gia thi đại học kéo dài 8 tiếng hồi tháng 11/2014.
Đây là sự kiện quan trọng đối với các gia đình Hàn Quốc. Trúng tuyển vào một trong 3 đại học uy tín nhất nước, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, về cơ bản sẽ xác định địa vị xã hội của họ, và đảm bảo cho công việc lương cao trong các tập đoàn lớn.
Phụ huynh và học sinh Hàn Quốc chú trọng các bài kiểm tra, kỳ thi tuyển sinh hơn tính sáng tạo và kỹ năng làm việc theo nhóm. Ảnh: Earth Excursion |
Giáo dục, đặc biệt về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, là chìa khóa để thăng tiến trong xã hội. Hậu quả, trong những năm gần đây, xã hội Hàn Quốc nổi lên hiện tượng "Lợn Mẹ".
Các bà mẹ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và tập trung mục tiêu để con họ theo học tại một trường đại học danh tiếng. Họ lên kế hoạch chi tiết cho quá trình học tập và các hoạt động ngoại khóa của con, dự lễ khai giảng của các trường học tốt nhất, dự định vận động tạo quan hệ, uy hiếp hoặc mua chuộc lãnh đạo các trường tư, hay giáo viên tư nhân, để thuận tiện cho con "đi cửa sau" nếu cần thiết.
Bên cạnh tạo áp lực học tập lớn, nền giáo dục Hàn Quốc còn đòi hỏi mức học phí cao. Người dân chi khoảng 18 tỷ won (hơn 352 tỷ đồng), khoảng 20% thu nhập của hộ gia đình cho việc học thêm của con tại trường tư thục. 75% học sinh Hàn Quốc học thêm.
Mâu thuẫn gia đình nảy sinh khi con cái không đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Năm 2014, chỉ số Hạnh phúc trong giới trẻ cho thấy, chỉ 67,6% thanh thiếu niên Hàn Quốc hài lòng với cuộc sống của họ vì áp lực học tập quá lớn. Trong khi đó, chỉ số trung bình của
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 85,8%.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, phương pháp nuôi dạy con của phụ huynh Hàn Quốc không hiệu quả bằng việc cha mẹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ như ở các nước phương Tây.
Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong OECD, 28,9%. Nhà văn Kim Young Ha cho rằng, tự tử là "nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong của người trong độ tuổi từ 10 đến 30".
Đây cũng là quốc gia hàng đầu về nợ gia đình, trầm cảm, ly hôn và nghiện rượu. Một số người chỉ trích nền giáo dục hà khắc, quá coi trọng thành tích khiến người dân phải trả giá đắt bằng sức khỏe và hạnh phúc.
Trong khi đó, việc tập trung vào các bài kiểm tra hay kỳ thi tuyển sinh không mang lại cho giới trẻ các kỹ năng để thành công trong môi trường đại học hay tìm việc sau khi tốt nghiệp. Giáo dục Hàn Quốc thành công nhờ áp lực từ phụ huynh, sự chăm chỉ của học sinh. Đây là yếu tố mà các nước khác không muốn học tập.
Nhiều nước có thể ghen tỵ với vị trí của Hàn Quốc trong bảng xếp hạng nhưng để đạt được thành tích đó, giới trẻ và xã hội nước này đã phải trả giá rất nhiều.