P
hát hiện băng cướp bẻ khóa xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 10, quận 3, TP.HCM) vào khoảng 21h hôm 13/5, nhóm thành viên của Đội "hiệp sĩ" Tân Bình lập tức có mặt, trấn áp nhóm tội phạm. Tuy nhiên, băng trộm khoảng 4 tên bất ngờ dùng hung khí tấn công.
"Hai bên xô xát, băng cướp rút dao đâm loạn xạ khiến 2 'hiệp sĩ' tử vong, 3 người khác bị thương. Hiện tại, theo báo cáo, chưa có người dân nào thương vong trong sự việc", ông Lê Hồng Hà - Trưởng công an quận 3 - thông tin.
Ông cho biết thêm nhóm gây ra vụ trọng án chuyên tổ chức trộm, cướp trên địa bàn thành phố. Theo thông tin mới nhất, chiều 14/5, cảnh sát đã bắt được một nghi can liên quan băng cướp.
Hiện trường vụ trọng án gây rúng động dư luận ở TP.HCM. Ảnh: Lê Trai. |
Danh tính hai "hiệp sĩ" tử vong là Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định). Theo lời người thân, anh Nam chuẩn bị kết hôn, còn anh Thôi kiếm tiền bằng việc chạy xe ôm, nuôi con trai mới học lớp 4. Vợ chồng anh đã không còn ở với nhau.
Cộng đồng mạng bày tỏ niềm tiếc thương, đau xót trước sự ra đi của hai "người hùng". Rất nhiều lời tri ân, cầu nguyện đã được gửi đến các anh.
"Nếu có một điều ước, tôi ước anh Thôi sẽ sống lại để tiếp tục chạy xe ôm và lo cho mẹ già ở Bình Định. Nếu có một điều ước, tôi ước anh Nam sống lại, để được tổ chức đám cưới cùng người vợ sắp cưới của mình. Nếu có một điều ước, tôi ước mình xuất hiện trong hoàn cảnh đó và đỡ giúp các anh những nhát dao chí mạng", "hiệp sĩ" Nguyễn Việt Sin đau đớn viết trên trang cá nhân.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Việt Sin đau xót trước sự ra đi của những anh em thường xuyên "ra đường lo chuyện bao đồng" như mình. |
Đừng để 'hiệp sĩ' chết oan vì tay không bắt cướp
Nhóm "hiệp sĩ đường phố" truy cản băng cướp xe SH do ông Trần Văn Hoàng (ngoài 50 tuổi, quê Bình Định) làm đội trưởng. Ông cũng bị thương trong vụ việc và đang nằm ở bệnh viện.
Bản thân ông Hoàng từng tham gia hơn 500 lần bắt cướp suốt hơn 20 năm nay. Năm 2014, ông được vinh danh "Gương sáng phố phường" toàn thành phố.
Nhóm ông Hoàng quy tụ nhiều người nghĩa hiệp, làm đa dạng ngành nghề. Các "hiệp sĩ" sáng đi làm mưu sinh, tối lại len lỏi vào dòng người đông đúc, từng ngõ ngách, con hẻm chờ đối tượng xấu ra tay sẽ lập tức truy đuổi, vây bắt.
Không vi phạm pháp luật, không tư lợi cá nhân... là hai trong những điều các "hiệp sĩ" luôn tuân theo. Bởi vậy, họ thường chỉ "tay không bắt cướp".
Từ vụ án đau lòng, rúng động dư luận tại TP.HCM, nhiều người lo lắng cho tính mạng của các "hiệp sĩ" khi phải đối diện tội phạm mà không có đồ phòng thân. Họ đề nghị cơ quan chức năng cho phép "hiệp sĩ" sử dụng một số đồ tự vệ như baton chích điện, còng số 8.
Độc giả Hiếu viết: "Quả là quá sức lộng hành! Đã ăn cướp vật chất, còn cướp đi sinh mạng của người khác. Mong các cơ quan cho phép hiệp sĩ sử dụng các công cụ hỗ trợ như còng số 8, baton chích điện để phòng thân, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như trên".
Nhiều người mong muốn các "hiệp sĩ đường phố" không phải dùng tay không để trấn áp các băng cướp nguy hiểm. |
Đồng quan điểm "hiệp sĩ" cần được trang bị thêm đồ phòng thân, một số người đề xuất thêm giải pháp.
"Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh. 1. Cấp phát áo và công cụ hỗ trợ; 2. Đảm bảo sự phối hợp tác nghiệp của lực lượng tham gia cùng các hiệp sĩ; 3. Tăng cường lực lượng Cơ động theo chuyên án 141 đã áp dụng thành công cho Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự xã hội", một độc giả nêu ý kiến.
Tài khoản Phuong cho rằng nhóm "hiệp sĩ" là đội tự phát của những con người nghĩa hiệp muốn giúp đỡ cộng đồng. Người này lo ngại việc cho phép "hiệp sĩ" sử dụng vũ khí có thể bị thành phần xấu trà trộn, gây hại.
Bên cạnh đó, nhiều người thẳng thắn bày tỏ quan điểm nên dẹp đội "hiệp sĩ". Bởi, họ đang lo "chuyện bao đồng", trong khi bảo vệ trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát.
"Chia buồn cùng các anh, nhưng thiết nghĩ mọi người nên dẹp mấy cái gọi là hiệp sĩ đường phố đi. Cuộc sống của họ là cơm áo gạo tiền, không phải ngày chạy xe ôm, tối ra đường đi bắt cướp để rồi phải bỏ mạng, để lại cả gánh nặng gia đình phía sau lưng.
Bắt cướp, cứu người... là việc của cơ quan chức năng, cảnh sát có nghiệp vụ, có công cụ hỗ trợ. Chúng ta không nên cổ vũ cho những việc làm tự phát của những người không có nghiệp vụ. Điều này có thể khiến họ bỏ mạng oan uổng", Hùng Đăng viết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm các "hiệp sĩ" đang bị thương trong bệnh viện. Ảnh: Lê Trai. |
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cũng bày tỏ trên trang cá nhân rằng anh không ủng hộ cho việc hiệp sĩ đường phố, vì chưa qua đào tạo bài bản và vũ trang, đối đầu với cướp sẽ dễ dẫn đến tình huống xấu nhất như hôm nay.
Anh Đỗ Công Tường - Đội "hiệp sĩ" Tân Bình - tâm sự bản thân không sợ mỗi lần đi bắt cướp. Nhưng gia đình rất lo lắng anh sẽ gặp tai nạn không ai lo. Dẫu biết vậy, "hiệp sĩ" trẻ vẫn quyết tâm làm bởi "chú Hoàng lớn tuổi còn đi được, mình trẻ thế này cũng làm được".
Cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ thân nhân các 'hiệp sĩ'
Khắp mạng xã hội, những bài viết xót thương cho cái chết tức tưởi của hai "hiệp sĩ" Nam và Thôi nói riêng và công việc "hiệp sĩ đường phố" đầy nguy hiểm nói chung được chia sẻ.
Nhiều người đăng tải trong các diễn đàn xin thông tin về người thân "hiệp sĩ" tử vong để giúp đỡ.
"Đọc mà thấy đắng nghẹn. Thương các anh quá! Tôi xin được chia buồn với gia đình các anh. Mong sớm có số tài khoản của người thân các anh đã mất, số tài khoản của những người bị thương và quỹ để các 'mạnh thường quân' được cùng đóng góp vật chất, chia sẻ khó khăn, phần nào vơi đi bớt nỗi đau này. Đồng thời gây quỹ hoạt động cho các 'hiệp sĩ' khác còn tiếp tục đương đầu với tội phạm", Nguyễn Đức Ninh nghẹn ngào.
Hồng Phượng cho biết nước mắt cô cứ rơi khi nghĩ tới tương lai của các thành viên trong gia đình các "hiệp sĩ" đã mất. Cô kêu gọi mọi người đừng bỏ mặc gia đình của những "anh hùng" này.
Nam ca sĩ Trịnh Thăng Bình kêu gọi mọi người giúp đỡ người thân các "hiệp sĩ" đã xả thân vì bình yên cuộc sống. |
Trên trang cá nhân, "hiệp sĩ" Nguyễn Việt Sin đứng ra kêu gọi và nhận quyên góp từ mọi người để giúp đỡ gia đình các "hiệp sĩ" thương vong. Anh liên tục cập nhật số tiền nhận được từ các nhà hảo tâm, tính đến 16h45 chiều nay (15/4) là hơn 400 triệu đồng
"Không bao nhiêu là đủ cho mất mát này, mong rằng số tiền ủng hộ sẽ còn bùng nổ hơn thế nữa, để giúp đỡ gia đình các nạn nhân", anh Việt Sin viết.