Mô hình "hiệp sĩ đường phố" ở TP HCM hoạt động tự phát, có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trong tình hình vấn nạn cướp giật, trộm cướp phức tạp, bên cạnh công an, "hiệp sĩ đường phố" được nhiều người dân tin tưởng.
"Hiệp sĩ đường phố" nói về tội phạm đường phố
Nguyễn Việt Sin - Trưởng nhóm một đội "hiệp sĩ đường phố" hoạt động khá năng nổ tại TP HCM cho biết: "Qua thông tin tương tác từ những nạn nhân của các vụ cướp giật, trộm cắp tài sản về fanpage của nhóm, chúng tôi nhận thấy ở Sài Gòn tội phạm đang được kéo giảm. Tuy nhiên, cũng có ngày anh em nhận hơn 10 cuộc gọi trình báo về cướp giật, trộm cắp, đề nghị được giúp đỡ của người dân".
“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long trong một lần bắt tội phạm. Ảnh: C.T. |
Anh Sin cho biết, tham gia nhiều vụ truy đuổi, bắt giữ các đối tượng cướp giật, trộm cắp nên nhận thấy thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn đối với nạn nhân cũng như lực lượng truy đuổi.
Phương thức hoạt động của nghi can cướp giật rất tinh vi, phức tạp. Khi phát hiện "con mồi", nhóm nghi can sẽ đeo bám, chờ thời cơ thích hợp để ra tay. Thường thì tội phạm nhắm đến các tài sản như túi xách, ĐTDĐ, trang sức và gần đây còn có trường hợp cướp giật... chó kiểng.
Về loại hình tội phạm nhắm đến du khách nước ngoài, anh Sin nhận định: “Thường các đối tượng này có tiền án, tiền sự về hành vi cướp giật. Du khách nước ngoài không đề cao cảnh giác như người Việt, nên muốn ra tay với họ là không khó đối với các nghi can".
Anh Lâm Hiếu Long - Trưởng một nhóm “hiệp sĩ đường phố” khác tại Sài Gòn thông tin thêm: “Gần đây, ở TP HCM diễn ra những vụ cướp mà nhóm đối tượng rất đông, từ 4 người trở lên. Thủ đoạn là tìm những người sơ hở rồi giả vờ quẹt xe, hỏi đường làm phân tâm nạn nhân; có thể giả vờ tình huống đánh ghen rồi ra tay cướp tài sản có giá trị. Chúng sẵn sàng chống trả bằng hung khí gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân".
Anh Long phân tích, người nước ngoài đến TP HCM du lịch là "mồi ngon" cho tội phạm cướp giật. Các nghi can lợi dụng người nước ngoài không biết ngôn ngữ, không có sự đề phòng nên hay tiếp cận móc túi lấy tiền, giật máy ảnh rồi tẩu thoát nhanh chóng.
"Tôi chứng kiến trường hợp 2 tên đi xe máy, khi thấy nạn nhân, một tên xuống đi bộ vào quán ăn sát lề đường giật túi xách rồi ung dung nhảy lên xe đồng bọn chạy thoát. Du khách chưa kịp hình dung chuyện gì đang xảy ra", anh Long kể.
Nguyễn Văn Minh Tiến - một "hiệp sĩ" có tiếng trong việc phòng chống cướp giật trên đường phố, cho biết thời điểm này, cướp có giảm so với trước, nhưng về mức độ nguy hiểm thì càng ngày càng tăng. Chúng manh động, sẵn sàng ra tay giết người nếu bị chống trả quyết liệt.
"Hiệp sĩ"
Nguyễn Việt Sin đưa nghi can về trụ sở công an. Ảnh: C.T |
"Hiệp sĩ" chống cướp như thế nào?
Hầu hết “hiệp sĩ đường phố” cho biết không e ngại với tội phạm đường phố, không sợ bị trả thù… Với họ, việc thấy "chuyện bất bình giữa đường chẳng tha" cũng góp sức phụng sự xã hội.
"Khi anh em đi trên đường phát hiện đối tượng nghi vấn đang bám nạn nhân thì bí mật theo sau. Chúng phát hiện hay nghi vấn có người theo dõi là không dám ra tay, chạy xe về nhà. Với chúng tôi, như thế cũng phần nào giảm được cướp giật”, anh Lâm Hiếu Long nói.
Còn “hiệp sĩ” Sin kể, vào đầu tháng 2/2016, có thành viên trong nhóm bị đâm 2 nhát dao chí mạng vì cố ngăn cản 2 đối tượng cướp giật. Những ngày gần đây, một thành viên khác trong nhóm cũng bị nghi can đạp ngã xe dẫn đến gãy chân, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Nhóm của anh Sin, Long, Minh Tiến đều rất bài bản trong quá trình phòng chống cướp giật trên đường phố. Khi phát hiện nạn nhân bị nạn, các “hiệp sĩ” phân công người ở lại có vai trò trấn an tinh thần người dân, đưa về công an phường gần nhất trình báo sự việc.
Nguyễn Văn Minh Tiến là một trong những người đầu tiên ở TP HCM tổ chức nhóm “hiệp sĩ đường phố” . Ảnh: C.T. |
Những người khác nhập cuộc truy đuổi quyết liệt. Nếu nghi can ném lại tang vật thì các "hiệp sĩ" phân công người nhặt lấy, để khi bắt được đối tượng thì công an có căn cứ xử lý theo pháp luật.
Các nhóm “hiệp sĩ” tại TP HCM đều tay không… bắt cướp. Do đó, gần đây nhiều người bị tội phạm chống trả đến mức thương tích nặng. "Chúng tôi phải làm đúng theo quy định của pháp luật, không được đi quá xa với quyền hạn của một người dân bình thường", anh Sin nói.
Anh Minh Tiến bày tỏ, không nên trách những người thấy chuyện cướp giật trên đường bỏ đi luôn. Bản thân anh từng bị nhiều đối tượng đe dọa, thậm chí quay lại trả thù. Theo anh, người dân tay không, không trang bị kiến thức phòng, chống cướp mà lao vào trấn áp thì dễ bị tội phạm dùng hung khí đâm thương tích, dễ dẫn đến tử vong.
Lâm Hiếu Long và các thành viên trong nhóm “hiệp sĩ” của anh vẫn ấp ủ thành lập câu lạc bộ “hiệp sĩ” được pháp luật công nhận, để hoạt động chính quy, quy củ hơn; giúp anh em an tâm khi tham gia phòng chống tội phạm, góp phần mang lại bình yên cho người dân.
“Điều anh em 'hiệp sĩ' cần là sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân và ý thức tự giác của mọi người khi phát hiện tội phạm. Để một ngày nào đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an mà là chuyện của cả xã hội”, Nguyễn Việt Sin tâm sự.
Người dân phải làm thế nào khi gặp cướp?
Theo "hiệp sĩ" Tiến, khi ra đường, nếu bị kẻ xấu theo dõi thì tốt nhất vừa chạy vừa để ý nơi nào đông đúc như công ty, cơ quan chính quyền hoặc nơi có vài bác xe ôm đang đứng rồi la to lên để cho cướp sợ bỏ chạy.
Trong tình huống đối mặt với cướp thì người dân nên đứng xa chúng từ 1 đến 1,5 m. Nếu tội phạm rút dao thì nhìn xung quanh, lấy khúc cây hoặc các vật cứng phòng thân.
Khi thấy tên cướp ngã thì không nhảy vào khống chế vì tội phạm luôn thủ sẵn dao. Người dân chỉ nên vừa đối phó vừa hô to lên để nhận được sự giúp đỡ của người xung quanh.