Lãnh đạo Công an quận 1 (TP HCM) cho biết, sự quan tâm đặc biệt của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đến tình hình an ninh trật tự tại khu trung tâm là nguồn động viên lớn, đồng thời cũng là áp lực nặng nề cho lực lượng sở tại.
Trung tá Nguyễn Nhật Thành - Phó trưởng Công an quận 1 cho hay, hiện Công an quận 1 nói riêng, Công an TP nói chung và nhiều lực lượng khác dồn lực trấn áp tội phạm, đặc biệt lưu ý đến khu trung tâm.
"Đây vốn là địa bàn phức tạp và trọng điểm, khi mà xảy ra nhiều vụ trộm, cướp nhắm đến du khách nước ngoài, phần nào làm xấu đi hình ảnh của TP, đất nước", ông nói.
"Tội phạm lấy tội ác để mưu sinh"
Trung tá Thành cho hay, thực tế tội phạm ngày càng tinh vi, luôn thay đổi phương thức thủ đoạn để tránh né, thậm chí là giám sát ngược lại lực lượng công an. Do đó trinh sát hình sự phải có những biện pháp mới trong nghiệp vụ theo dõi, truy bắt.
Trinh sát hình sự trong một lần trấn áp nhóm ba tên cướp giật tại trung tâm Sài Gòn . Ảnh: C.T. |
Muốn trấn áp tội phạm thì lực lượng trinh sát cần liên tục động não, tính toán các phương án để quyết tâm đưa tội phạm vào tròng. "Tội phạm lấy tội ác để làm mưu sinh nên chúng nghiên cứu rất kỹ, rất chuyên nghiệp. Vì thế ngoài sự dũng cảm, lượng trinh sát cần phải mưu trí", ông Thành chia sẻ.
Theo vị Phó trưởng công anh quận, riêng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội của Công an quận 1 xuống đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được chia làm 4 ca, mỗi ca 6 chiến sĩ luân phiên nhau có mặt trên địa bàn 24/24. Ngoài việc cố gắng tăng cường lực lượng cho đội hình sự trong thời gian tới, trước mắt lực lượng này vẫn đảm bảo việc thay nhau tuần tra, xoay tua khép kín suốt ngày đêm.
Bên cạnh đó, phải kể đến là lực lượng của các đội nghiệp vụ tinh nhuệ thuộc phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP HCM như: đội hình sự đặc nhiệm (đội 3), đội phòng chống tội phạm trộm cắp - lừa đảo (đội 4), đội phòng chống tội phạm có tổ chức (đội 2)… Nhiều lực lượng khác như công an phường, bảo vệ dân phố, các đội nhóm xe ôm tự quản… cũng tham gia.
Trinh sát giỏi là nghe tiếng pô xe là biết... tội phạm
Cách đây không lâu, Công an phường Phạm Ngũ Lão phát tờ rơi bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhằm khuyến cáo du khách nước ngoài đề phòng cảnh giác, cẩn trọng với trộm, cướp lừa đảo tại khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên chủ trương này có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Trong năm 2015, tại TP HCM, số vụ phạm pháp hình sự là 6.004 (giảm 377 vụ so với năm 2015), làm chết 102 người, bị thương 712 người, gây thiệt hại khoảng 106,6 tỷ đồng. Tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn xảy ra và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình hội nhập.
Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng công an phường nói: “Khi đó chúng tôi làm theo đặc thù của tình hình địa bàn và chỉ muốn là cảnh báo du khách cẩn trọng hơn, giữ tài sản của mình đề phòng cướp giật, cướp, trộm”.
Một biện pháp mà công an các phường đang áp dụng là tổ chức các đội nhóm xe ôm tự quản - những người thường xuyên tiếp xúc với du khách nước ngoài, nhằm trực tiếp khuyến cáo. Đến nay nhiều tổ nhóm xe ôm hoạt động hiệu quả trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, điển hình là nghiệp đoàn xe ôm phường Phạm Ngũ Lão từng có nhiều thành viên tham gia bắt trộm, cướp.
Trung tá Nguyễn Nhật Thành phân tích, tội phạm trộm, cướp trên địa bàn quận 1 có những đặc thù riêng, có những khu vực như phố Tây Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện, chợ Bến Thành… chúng thường nhắm vào người nước ngoài.
"Thế nhưng không phải người nước ngoài nào chúng cũng để ý đến, mà chỉ 'thích' người khu vực châu Á, nhất là phụ nữ", ông nói.
Cũng theo vị này, có nhiều vấn đề khó khăn trong việc xử lý các vụ phạm pháp mà nạn nhân là người nước ngoài. Cụ thể là sự bất đồng ngôn ngữ, khó khăn trong việc giải thích, làm hồ sơ... Do đó cán bộ công an địa bàn thường xuyên được tạo điều kiện học tập, trau dồi ngoại ngữ. Có những trường hợp người nước ngoài bị cướp không muốn đến trình báo, gây khó khăn cho việc nắm bắt tình hình.
Công an phát tờ rơi cảnh báo du khách cẩn trọng gìn giữ tài sản, đề phòng trộm, cướp, cướp giật . Ảnh: C.T. |
Từ thực tiễn tình hình tội phạm đặc thù của địa bàn, trong nhiều năm qua, Công an quận 1 có những công an hình sự giỏi, điển hình là trinh sát Nguyễn Hữu Hồng Minh. Trung tá Thành khẳng định: “Với chúng tôi, trinh sát giỏi là chỉ cần nghe tiếng pô xe gắn máy là… biết tội phạm”.
Trong cuộc họp mới đây, với vai trò chủ trì, ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND TP HCM) đã đồng ý với chủ trương đề xuất của đại tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng công an quận 1 nói riêng và ban Giám đốc công an TP HCM nói chung trong việc tăng cường biên chế và cả trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng hình sự để trấn áp tội phạm một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Thay người đứng đầu nếu tội phạm lộng hành
Tại một cuộc họp về tăng cường chống tội phạm, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, báo cáo trên địa bàn xảy ra nhiều vụ án xâm phạm tài sản mà nguyên nhân là người dân mất cảnh giác, khóa cửa đi làm không báo chính quyền địa phương.
Trước cách giải thích này, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP HCM lên tiếng: "Đừng đổ thừa cho dân mất cảnh giác. Xin lỗi tôi không chấp nhận cách lý giải đó. Địa bàn mình là dân lao động nhập cư không lẽ bắt dân nhịn đói ở nhà giữ tài sản hay sao?".
Thiếu tướng Minh nói, không ai muốn địa bàn mình phức tạp nhưng có thể lực bất tòng tâm. Hơn nữa trong chỉ thị 24, 48 của Bộ Chính trị đều có nói trách nhiệm của người đứng đầu nhưng lâu nay chưa xử lý được ai.
"Đợt này Công an TP sẽ thống kê số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội theo các tiêu chí về nơi xảy ra, nơi đối tượng nghi phạm cư trú. Người đứng đầu mà để ra sự việc kéo dài, tình hình phức tạp thêm, báo cáo gian để nhận thành tích thì xin thay người đứng đầu, thậm chí phải bị kỷ luật", ông Minh nói.
Đại tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận 1. Ảnh: C.T. |
Để kéo giảm tội phạm trong 3 tháng tới, Công an TP HCM sẽ tăng cường cảnh sát cơ động kết hợp với hình sự đặc nhiệm tuần tra truy bắt các băng nhóm trộm cướp.
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu Công an TP HCM cho biết, hiện tội phạm hoạt động giấu mặt, dạt về vùng ven. Mọi hoạt động của các băng nhóm tội phạm đều được công an lập danh sách theo dõi để có biện pháp đấu tranh.
Theo đại tá Quang, Công an TP HCM nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của địa bàn. Đảng ủy Ban giám đốc có kế hoạch hàng năm và nhiều kế hoạch chuyên đề để đấu tranh với các loại tội phạm.
"Chúng tôi đã lên danh sách các băng nhóm, nhất là các băng nhóm tội phạm lưu động từ các địa phương khác đến TP HCM. Công an TP sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để giám sát, nắm tình hình", đại tá Quang khẳng định.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ thay người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để tội phạm lộng hành kéo dài hoặc dung túng, bao che.
Theo ông Quang, Công an TP tập trung đánh mạnh 3 loại án là cướp, cướp giật, trộm cắp. Đây là những loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm và là nỗi bức xúc của người dân.
"Công an TP cũng mong muốn có sự đồng thuận, hỗ trợ của quần chúng nhân dân. Có người dân hỗ trợ thì đấu tranh mới hiệu quả với loại tội phạm này. Kéo giảm 3 loại tội phạm này sẽ mang lại sự bình yên", ông Quang nói.
Giải pháp trước mắt để kéo giảm tội phạm trong 3 tháng tới là tổ chức tuần tra của cảnh sát cơ động, tăng cường kết hợp với cảnh sát hình sự đặc nhiệm. Chia sẻ kết nối tài nguyên từ các hệ thống camera có trên địa bàn, qua đó nâng cao hoạt động hiệu quả của lực lượng công an cơ sở.
Theo trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, thì khuyến khích mô hình quần chúng tham gia phòng chống tội phạm. Ngành sẽ có chính sách khen thưởng phù hợp, để động viên người dân tham gia với lực lượng chức năng trong phòng chống tội phạm.
"Hiện trên địa bàn TP có nhiều hệ thống camera do nhiều đơn vị quản lý, trong địa bàn dân cư cũng có hàng nghìn camera nhưng chưa được tích hợp vào một đầu mối để khai thác. Công an TP cũng đã kiến nghị với UBND TP, giao Sở TT-TT chủ trì phối hợp với ngành đầu tư xây dựng một hệ thống camera đồng bộ và phủ sóng mọi ngõ ngách của TP. Như vậy công tác phòng chống tội phạm sẽ hiệu quả hơn", ông Phong nói.