Biến chủng Omicron hiện lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước cũng đang nỗ lực đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Vậy việc tiêm vaccine có hiệu quả như thế nào trong việc phòng chống lây nhiễm biến chủng này?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), liều tăng cường của các loại vaccine hiện tại được kỳ vọng bảo vệ người bệnh khỏi tình trạng nặng, nhập viện và tử vong do nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, những trường hợp mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có khả năng xảy ra.
Với các biến chủng khác, như Delta, vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Sự xuất hiện gần đây của Omicron càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng và liều tăng cường.
CDC cũng khuyến cáo tất cả người từ 16 tuổi trở lên (đối với người tiêm vaccine Pfizer) và trên 18 tuổi (với người tiêm vaccine Moderna) nên tiêm mũi nhắc lại ít nhất sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Tuy nhiên, theo báo cáo được Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố ngày 23/12, hiệu quả của mũi vaccine tăng cường chống lại biến chủng Omicron bắt đầu suy giảm trong vòng 10 tuần sau tiêm.
Dựa trên phân tích 147.597 ca nhiễm biến chủng Delta và 68.489 ca nhiễm Omicron, UKHSA phát hiện vaccine của AstraZeneca, Pfizer và Moderna kém hiệu quả hơn đối với Omicron so với Delta.
2 mũi vaccine đầu | Mũi tăng cường | Hiệu quả trong 2-4 tuần | Hiệu quả sau 10 tuần |
AstraZeneca + AstraZeneca | Pfizer/Moderna | 60% | 35-45% |
Pfizer+Pfizer | Pfizer/Moderna | 70-75% | 45% |
UKHSA lưu ý kết quả này cần được nghiên cứu thêm do vẫn chưa có nhiều ca nhiễm Omicron. Đồng thời, số trường hợp nhiễm Omicron nặng vẫn chưa đủ để phân tích thêm về hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện.
Trong khi đó, tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ), nhận định tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường là cách hiệu quả để ngăn chặn triệu chứng nghiêm trọng do biến chủng Omicron gây ra.
Tiến sĩ Gregory cho biết: "Sau thời gian, hiệu quả của vaccine giảm, do đó, những người được tiêm chủng ít được bảo vệ hơn. Đó là lý do các bác sĩ yêu cầu mọi người tiêm một liều nhắc lại. Nếu bạn nhận được liều tăng cường đó, hay liều thứ ba, khả năng bảo vệ bạn khỏi phải nhập viện, sẽ tăng trở lại mức trước đây, nếu không muốn nói là cao hơn, khoảng 75-80%".
Nguồn: CDC; UKHSA; Mayo Clinic.
Ngày 17/12, trong văn bản gửi các đơn vị về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bảo vệ và nhắc lại, Bộ Y tế cho biết người dân có thể tiêm liều nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine, mũi nhắc lại sẽ cùng loại đó hoặc là vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau, mũi nhắc lại sẽ sử dụng vaccine mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm, có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca).