Hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Canberra, Australia, vừa bị sa thải vì nhốt cậu bé 10 tuổi mắc bệnh tự kỷ vào lồng thép đặt trong lớp học, theo Daily Mail.
Tên và địa chỉ cụ thể của trường không được công khai nhằm đảm bảo không tiết lộ danh tính cậu bé.
Tháng 3/2015, hiệu trưởng thuê thợ kim khí làm chiếc lồng thép với giá 5.195 USD và đặt nó trong góc phòng học. Đây là chỗ dành riêng cho cậu bé 10 tuổi.
Trong suốt 14 ngày, cậu bé phải học tập, nghỉ ngơi trong không gian nhỏ bé mỗi lần đến trường. Nhà trường chỉ quyết định gỡ chiếc cũi khỏi lớp học sau khi phụ huynh của bé khiếu nại lên Bộ giáo dục.
Nhà trường quyết định nhốt cậu bé trong cũi nhằm ''giúp cậu bình tĩnh lại''. Ảnh: Daily Mail |
Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Một người đã đăng ảnh cậu bé ngồi trong cũi, ngước nhìn các bạn khác học bài qua song sắt lên mạng xã hội. Bức ảnh khiến nhiều người phẫn nộ trước hành động độc ác của nhà trường.
Vụ việc chỉ bị phanh phui sau khi gia đình cậu bé gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Thanh thiếu niên. Hiệu trưởng bị sa thải.
"Đây là một quyết định sai lầm. Bộ không chấp nhận nhân viên đưa ra biện pháp này làm hiệu trưởng một trường, thậm chí, người đó không thể tiếp tục làm việc trong trường học", Joy Burch, Bộ trưởng Giáo dục Australia, nói.
Bộ trưởng Joy Burch không chấp nhận kết quả điều tra ban đầu của cảnh sát và yêu cầu một cuộc điều tra khác. Ảnh: ABC. |
Ngày 8/9, bà Burch ra lệnh gỡ bỏ bức ảnh khỏi Internet. Theo bà, nó khiến gia đình cậu bé thương tâm hơn.
"Tôi thừa nhận, cộng đồng có quyền biết chuyện gì đã xảy ra với nạn nhân. Hiện tại, thông tin vụ việc được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, bức ảnh không cung cấp thêm thông tin hay đem lại cái nhìn sâu sắc hơn về câu chuyện đau lòng này", bà Burch nói.
Trong ngày, cảnh sát cũng công bố kết quả cuộc điều tra. Theo đó, nhà trường nhốt học sinh vào lồng nhằm giúp cậu bé ''bình tĩnh hơn'' và cho rằng, đây là lý do chính đáng.
Bộ trưởng tỏ ra thất vọng trước kết quả này và ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra độc lập khác. Bà cho biết, Bộ không chấp nhận cách giải quyết của nhà trường đối với hành vi tiêu cực từ phía học sinh.