Ngày 18/3, thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết đơn vị đang điều tra việc ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), bị tố nhận 300 triệu đồng để "chạy" việc.
Viết 'giấy nhận tiền để xin việc'
Theo đơn tố cáo của bà Ch. T. L. (ngụ huyện Krông Pắk), ngày 18/9/2016, người này đưa cho ông Huỳnh Bê 300 triệu đồng để xin việc cho con gái vào dạy tại Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Trong quá trình nhận tiền, ông Huỳnh Bê viết biên nhận “Giấy nhận tiền chạy việc” và hứa: “Nếu sau này sự việc không thành, tôi sẽ chịu trách nhiệm trả lại 300 triệu đồng”.
Sau gần một năm từ khi giao tiền, ông Bê vẫn không xin được việc như đã hứa nên bà L. nhiều lần đến nhà hiệu trưởng đòi lại tiền. Ông Bê không trả, bà L. làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo hiệu trưởng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ông Huỳnh Bê viết giấy nhận 300 triệu đồng để xin việc. Ảnh: Minh Quý. |
“Sau khi nhận đơn tố cáo của bà L., công an đã triệu tập ông Bê làm việc. Ông Huỳnh Bê thừa nhận việc nhận tiền của bà L. để ‘chạy’ việc. Tuy nhiên, do không được nên ông chưa có tiền trả lại cho nạn nhân. Vụ việc đang được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ”, thượng tá Dân nói.
Cũng liên quan ông Huỳnh Bê, ngày 8/3, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar) gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo hiệu trưởng này nhận 120 triệu đồng để xin việc cho con gái mình.
Trong đơn tố cáo, ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng đưa cho ông Bê để "chạy" việc nhưng trong giấy biên nhận chỉ ghi vay nợ và hứa sẽ trả lại đầy đủ. "Tôi đã gửi đơn đến công an nhưng họ hướng dẫn khởi kiện ra tòa để đòi tiền vì tranh chấp dân sự”, ông Minh nói.
Bị tố 'ăn chặn' tiền lương giáo viên
Nhiều giáo viên trường THCS Ngô Mây đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng việc mình bị lãnh đạo ăn chặn tiền lương.
Theo cô giáo Dương Thị Thủy (trường THCS Ngô Mây), lúc ký hợp đồng dài hạn, nữ giáo viên được nhận mức lương đầy đủ. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 12/2017, cô Thủy chỉ nhận được 5 tháng lương một lần theo hợp đồng với số tiền 2,052 triệu đồng.
“Tôi tìm hiểu mức lương trên kho bạc thực nhận là 9,675 triệu đồng. Chỉ trong 5 tháng cuối năm 2017, số tiền thực nhận của tôi ít hơn so với chứng từ ở kho bạc huyện hơn 7,6 triệu đồng”, cô Thủy nói.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên trường Ngô Mây), cho biết bảng lương mà giáo viên ký nhận luôn thấp hơn nhiều lần so với bảng lương được kho bạc chi trả.
Trường nơi ông Bê công tác. Ảnh: Minh Quý. |
Theo đó, lương tháng 10/2016 của cô Diệu nhận ở trường là gần 2 triệu đồng nhưng thực tế được kho bạc duyệt trả hơn 4 triệu đồng. Khi nữ giáo viên hỏi ông Huỳnh Bê thì nhận được câu trả lời là thiếu ngân sách nên phải cắt giảm.
“Họ nói cắt tiền của chúng tôi để trả cho những giáo viên hợp đồng khác không có lương. Họ cắt tiền của tôi để trả cho biên chế mới về chưa được chuyển lương với lời hứa sau này lấy tiền đó trả lại”, cô Diệu nói.
Cũng theo phản ánh của giáo viên, xem xét thêm bảng lương 5 tháng của học kỳ 1 năm học 2016-2017 (từ tháng 8 đến tháng 12/2017) của 7 giáo viên hợp đồng khác có chênh lệch gần 53 triệu đồng. Số tiền trường nhận từ kho bạc về gần 70 triệu đồng nhưng chi trả giáo viên chỉ gần 17 triệu đồng.
Hiệu trưởng nghỉ ốm, trường chưa có câu trả lời
Liên hệ làm việc với ban giám hiệu trường THCS Ngô Mây, lãnh đạo nhà trường cho biết ông Huỳnh Bê đang nghỉ ốm. Việc chi lương cho các giáo viên, ban giám hiệu và công đoàn đã nắm và đang xác minh nên chưa thể trả lời. Phóng viên đã liên lạc với ông Bê nhưng không nhận được câu trả lời từ vị hiệu trưởng.
Theo ông Cao Văn Tư, giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk, đơn vị đã chuyển đúng số tiền theo bảng lương được trường gửi lên.
“Hàng tháng, đơn vị lập danh sách chi lương, kho bạc rà soát với danh sách huyện duyệt thì chi đúng theo số liệu duyệt, trong đó có cả số biên chế và số hợp đồng”, ông Tư cho biết.
Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk, cho biết khi phòng nhận được đơn phản ánh của các giáo viên và cho kiểm tra thì phát hiện ông Huỳnh Bê chỉ đạo kế toán lập hai bảng lương.