Ngày 12/3, hơn 200 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhận thông báo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng từ UBND huyện nhưng vẫn chưa hết lo lắng cho số phận của mình.
Cả gia đình bị cắt hợp đồng
Trao đổi với Zing.vn, một phụ huynh tại xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắk) cho biết 5 người con trong gia đình đều làm giáo viên. Vừa qua, UBND huyện thông báo 3 trong 5 đứa bị chấm dứt hợp đồng, con gái và con dâu thuộc diện được thi.
“Vợ chồng tôi làm việc trong ngành giáo dục hơn 20 năm, giờ nhận tin các con bị chấm dứt hợp đồng rất chua xót nhưng là quy định thì phải chịu. Từ khi chấm dứt hợp đồng, các con đều ở nhà phụ mẹ chưa biết làm gì để sống”, người này nói.
Tương tự, vợ chồng thầy Nguyễn Huy Tâm (37 tuổi) và cô Trần Thị Nga (32 tuổi), cùng dạy tại trường THCS Vụ Bổn, cho biết đầu năm 2009, cả hai người đều được ký hợp đồng trong diện chỉ tiêu biên chế. Về nhận công tác tại trường được 7 năm, bất ngờ đầu năm 2016, cả hai nhận được tin ký lại hợp đồng với mức lương chỉ hơn một triệu đồng.
Vợ chồng thầy Tâm lo không biết làm gì sống sau khi bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh Quý. |
“Do lương thấp, tôi phải xin nghỉ không lương để ra ngoài bươn chải lo cho cuộc sống gia đình. Vợ tôi vẫn bám trụ tại trường mong có cơ hội vào biên chế. Tuy nhiên, làm một thời gian, vợ tôi cũng xin nghỉ không lương với lý do tương tự”, thầy Tâm nói.
Giáo viên này cho biết thêm hai vợ chồng gắn bó với trường nhiều năm, sau khi xin nghỉ phải làm thuê nương rẫy cho người thân. Tuy nhiên, các con còn nhỏ, họ phải quay về chăm sóc.
"Chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết và cho chúng tôi đi dạy lại để ổn định cuộc sống chứ thật sự chưa biết làm gì”, anh Tâm buồn bã nói.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên Tin học trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai - cho biết ngày 23/7/2015, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (thời điểm này là chủ tịch UBND huyện Krông Păk) có quyết định ký hợp đồng lao động với mình. Lúc đó, thầy Tuấn Anh được ký hợp đồng với lương bậc 1/9, hệ số 2,34 và giao về trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.
Sau hai năm dạy hợp đồng, đến chiều 20/1/2017, nhà trường mời thầy Tuấn Anh và 21 giáo viên dạy hợp đồng khác lên yêu cầu ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017), với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng/người. Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người còn được nhận khoảng 1,2 triệu đồng.
Các giáo viên tập trung lên UBND huyện để kiến nghị. Ảnh: Minh Quý. |
"Lương hơn một triệu đồng không nuôi nổi bản thân và gia đình, tôi cùng nhiều thầy cô buộc phải rời trường đi kiếm việc khác. Giờ, chúng tôi không đi dạy nên ở nhà, ai gọi gì cũng làm, không có công việc ổn định ", thầy Tuấn Anh nói.
Xin thêm biên chế
Ngày 12/3, các giáo viên tập trung lên UBND huyện và được mời vào hội trường gặp để thông báo thông tin mới nhất.
Sau khoảng 30 phút chờ đợi, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, bước vào, đọc công văn hỏa tốc do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành chiều tối 11/3.
Kết thúc công văn, bà Trinh cho biết chỉ thông tin như vậy và đây không phải cuộc đối thoại nên các thầy cô giáo không đặt câu hỏi. Nhiều giáo viên bức xúc rằng họ đến không phải để nghe công văn hỏa tốc của tỉnh đã được nhà trường gửi, đọc vào buổi sáng.
"Chúng tôi muốn huyện phải nói rõ số phận của những giáo viên thế nào sau khi tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng. Huyện đọc xong quyết định bảo về yên tâm công tác sao chúng tôi làm được”, một giáo viên bức xúc.
Trả lời báo chí, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên không đủ điều kiện xét tuyển mà UBND huyện Krông Pắk đã ban hành (công văn 323 ngày 6/3).
Để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động theo quy định và để ổn định an ninh trật tự tại địa phương, huyện sẽ báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh để xét tuyển bổ sung với các giáo viên đã có hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm tuyển dụng.
Các giáo viên nghe thông báo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh Quý. |
Địa phương sẽ phối hợp Sở Nội vụ để chuẩn xác số liệu, tổng hợp, phân loại hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến biện pháp giải quyết phù hợp theo quy định và thực tiễn. Đồng thời, rà soát nội dung công văn 323 để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành”, bà Trinh nói.
Cũng theo bà này, đến nay, ngoài 83 chỉ tiêu sắp xét tuyển, huyện còn khoảng 150 biên chế viên chức giáo dục, nhưng theo tinh thần tinh giản nên số này chỉ còn 75 biên chế.
Vì vậy, trong số 208 giáo viên hợp đồng các môn không có chỉ tiêu xét tuyển đang bức xúc, huyện sẽ rà soát, đề nghị tỉnh tuyển bổ sung, giải quyết phần nào công ăn việc làm cho giáo viên.
"Việc xét tuyển nếu được phê duyệt cũng làm đúng quy định theo các đối tượng được tuyển đặc cách, đại trà”, nữ phó chủ tịch nói thêm.
Ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng hơn 200 giáo viên khiến những người này bức xúc.
Theo UBND huyện Krông Pắk, khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai thành phần là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (200 người); giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ cho 83 người.
Theo đó, tổng số hơn 600 giáo viên dôi dư sẽ tuyển 83 người, còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn và yêu cầu UBND huyện Krông Pắk dừng việc chấm dứt hợp đồng, đồng thời tìm hướng giải quyết.