Vừa qua, Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, ông Bê bị khởi tố về hành vi nhận 300 triệu đồng của người dân để chạy việc.
'Chạy' biên chế
Trước đó, cuối năm 2017, Công an huyện Krông Pắk nhận được đơn của bà Chu Thị Long (ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) tố cáo ông Huỳnh Bê nhận 300 triệu đồng để lo cho con gái mình đi dạy tại trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Tuy nhiên quá thời gian xin việc, ông Bê không thực hiện lời hứa và chiếm đoạt luôn 300 triệu đồng.
Theo bà Long, khi biết gia đình bà có nhu cầu xin việc cho con gái nên ông Huỳnh Bê đã tiếp cận và tỏ ra quen biết nhiều người tại trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Sau đó, ông Bê ra giá 300 triệu đồng cho một suất xin vào dạy tại trường này.
Giấy nhận 300 triệu đồng để chạy việc của ông Huỳnh Bê. Ảnh: Minh Quý. |
Tin tưởng ông Bê, ngày 18/9/2016, bà Long đưa đủ tiền và vị hiệu trưởng này viết "giấy nhận tiền để xin việc" với nội dung nếu không thành sẽ trả lại. Trong giấy nhận tiền ông Bê ghi rõ: "Số tiền này tôi đưa cho ông Năm, Phó Phòng Tổ chức của Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, để lo việc".
Tuy nhiên, sau gần 1 năm, ông Bê vẫn không lo được việc cho con mình, bà Long nhiều lần đòi lại tiền nhưng người này không trả. Sau đó, bà Long làm đơn tố cáo ông Bê đến cơ quan chức năng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Năm, Phó trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ - Công tác Sinh viên (Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk) cho biết ông từng viết giấy vay mượn ông Bê 250 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Năm nói có quen biết với ông Bê nhưng không hề liên quan đến khoản tiền như người này viết trong "giấy nhận tiền để xin việc".
“Trước đó tôi có mượn của ông Bê 250 triệu đồng và đã trả 130 triệu đồng. Số còn lại tôi trừ vào tiền ông Bê vay tôi trước đó. Đó là quan hệ dân sự giữa tôi và ông Bê chứ không liên quan gì đến việc chạy chọt. Công an đã 4 lần làm việc với tôi nên tôi rất mệt mỏi vì tự dưng bị mang vạ vào thân", ông Năm nói.
Viết giấy vay tiền để nhận 'phí chạy việc'
Liên quan đến ông Huỳnh Bê, nhiều giáo viên tại huyện Krông Pắk cũng phản ánh đã đưa hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/suất để người này “chạy việc”.
Theo anh Chu Lý Thuần (giáo viên Trường THCS Ngô Mây), nhiều tháng nay anh cùng mẹ đi đòi lại số tiền 160 triệu đồng đã đưa ông Huỳnh Bê chạy việc trước đó.
“Sau khi ra trường, tôi được một người quen giới thiệu đến dạy tại Trường THCS Ngô Mây. Tại đây, ông Bê chủ động gặp gỡ, hứa hẹn nếu đưa 130 triệu đồng sẽ lo cho tôi vào biên chế. Tuy nhiên, ông Bê đã không thực hiện lời hứa”, anh Thuần nói.
Còn thầy Nguyễn Huy Tâm (giáo viên môn Tin học Trường THCS Vụ Bổn), cho biết năm 2010, anh gặp ông Bê (lúc này là Hiệu trưởng Trường THCS Vụ Bổn) để xin vào biên chế tại trường.
“Để được đi dạy, tôi phải đưa 60 triệu đồng và ông Bê viết giấy biên nhận vay tiền. Tháng 10/2010, ông Bê nhận tôi vào hợp đồng lao động ngắn hạn với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng", thầy Tâm nói.
Cảnh sát đọc lệnh bắt tạm giam đối với ông Bê. Ảnh: Minh Quý. |
Vị giáo viên này cho biết đến tháng 6/2012, anh ta tiếp tục đưa thêm 10 triệu đồng cho ông Bê và nhận được hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của UBND huyện Krông Pắk. Tuy nhiên, từ tháng 1/2016 trở đi, thầy Tâm chỉ nhận được mức lương 1,1 triệu đồng/tháng, sau khi trừ bảo hiểm.
"Tôi đã nhiều lần đến gặp ông Bê để đòi lại tiền nhưng không được. Giờ ông Bê bị bắt không biết tôi có lấy lại được tiền hay không", thầy Tâm lo lắng.
Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, ông Huỳnh Bê cũng bị cơ quan điều tra làm rõ việc “ăn chặn” tiền lương của nhiều giáo viên hợp đồng tại trường. Theo đó, nhiều giáo viên hợp đồng tại đây có mức lương thực nhận thấp hơn rất nhiều so với số lương được chi trả.
Liên quan đến vấn đề chạy việc, UBND huyện Krông Pắk đã cách chức Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê đối với ông Phan Xuân Hạnh vì hành vi này.
Ông Hạnh nhận 210 triệu đồng của cô Bùi Thị Thùy Lê để lo cho người này vào dạy tại Trường THCS Ea Phê. Tuy nhiên, ông Hạnh đã không thực hiện và chiếm đoạt luôn số tiền trên nên cô Lê làm đơn gửi cơ quan chức năng. Sau khi bị tố cáo, ông Hạnh đã trả lại số tiền trên.
Ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng hơn 200 giáo viên khiến những người này bức xúc.
Theo UBND huyện Krông Pắk, khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai thành phần là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (có 200 người); giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ cho 83 người.
Theo đó, trong tổng số hơn 600 giáo viên dôi dư sẽ tuyển 83 người còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn và yêu cầu UBND huyện Krông Pắk dừng việc chấm dứt hợp đồng đồng thời tìm hướng giải quyết.