Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội. Ảnh: Marie Curie School. |
Theo công văn gửi UBND huyện Mèo Vạc vào ngày 20/2 của trường Marie Curie (Hà Nội), trường mới có tên Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc.
Đây là công trình được trường Marie Curie tài trợ chi phí xây dựng, ước tính khoảng 100 tỷ đồng.
Dự kiến, năm 2024 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trường được xây từ năm 2025, hoàn thành vào khoảng tháng 7/2026 để kịp tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm học 2026-2027.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhà trường cử đầu mối làm việc với UBND huyện Mèo Vạc để khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án xây dựng công trình. Sau đó, trường Marie Curie sẽ tựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thi công xây dựng và bàn giao cho huyện Mèo Vạc đưa vào sử dụng.
UBND huyện Mèo Vạc sẽ lập hồ sơ xin chủ trương của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án; chuẩn bị quỹ đất có diện tích phù hợp để xây dựng trường. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí đối ứng để mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc ăn ở của học sinh bán trú.
Năm 2021, trường Marie Curie bắt đầu thực hiện dự án trồng 2 vạn cây sa mộc tại thôn Há Cá, xã Khâu Vai của huyện Mèo Vạc. Năm học 2022-2023, trường tiếp tục có cơ hội dạy tiếng Anh trực tuyến cho một lứa học sinh lớp 3 với 2.600 em. Dự án này đang tiếp tục dạy lên lớp 4 và lớp 5, hiện đã triển khai được 3/6 học kỳ.
Sau đó, cuối năm 2023, nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, trường Marie Curie và UBND huyện Mèo Vạc kết hợp theo phương thức "cử tuyển" và "xã hội hoá", dự kiến đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh (người địa phương) trong 4 năm để có giáo viên dạy ổn định cho huyện.
Thầy Khang dự chi 6-12 tỷ đồng cho dự án này. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm. Hiện nay, 17 sinh viên đã tham gia dự án. Năm học tới, dự án sẽ tuyển thêm 13 sinh viên để đào tạo.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.