Trong thư, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội - viết dịch Covid-19 đã kéo dài 100 ngày. Việt Nam bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh quyết liệt hơn.
Đến ngày 15/3, tất cả địa phương tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ. Một số nơi đã cho học sinh đến trường, cũng thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh, thành phố chưa thể cho học sinh THPT đến lớp, gồm cả Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Học sinh làm bài online ở nhà. Ảnh: Minh Thừa. |
Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Thầy, cô phải dạy online hoặc qua truyền hình. Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường nào cũng có đủ điều kiện dạy và học từ xa hiệu quả.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết sau khi lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, ông đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021.
Theo đó, thí sinh chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, xem xét bỏ môn thứ tư (một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Công dân được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng ba).
Thầy hiệu trưởng cho rằng việc bỏ môn thi này nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, nó giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi của thành phố.
Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, thầy Nguyễn Xuân Khang đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, ngày 13/3, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7. Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 đến 11/8.