Trong khoang miệng và lưỡi người có vô số vi khuẩn. Chúng không tồn tại một cách ngẫu nhiên mà có quy luật gắn kết. Khi nhìn thoáng qua, chúng như một khu dân cư đông đúc, chật chội tìm cách sống sót trong cơ thể con người.
Science Magazine trích dẫn kết quả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell Reports cho thấy ảnh chụp vi khuẩn phủ kín lưỡi người. Theo đó, các vi khuẩn phát triển trong những màng dày. Chủng vi khuẩn khác nhau tập hợp thành các mảng, bao bọc từng tế bào riêng lẻ trên bề mặt lưỡi.
Vi khuẩn cư trú ở lưỡi (các loại khác nhau được dán nhãn với màu sắc khác nhau) tạo thành một lớp màng dày xung quanh tế bào lưỡi người. Ảnh: Science News. |
Hình ảnh chụp này cho thấy vô số vi khuẩn tìm cách “chôn chặt” chân lên mặt tế bào lưỡi, sau đó sinh sôi, phát triển thành các lớp, các cụm lớn. Quá trình này như một dạng “nhập cư” và "định cư", tạo nên những khu vi khuẩn phức tạp.
Jessica Mark Welch, chuyên gia vi sinh học tại Phòng thí nghiệm sinh học biển (Woods Hole, bang Massachusetts, Mỹ), bày tỏ: “Thật đáng kinh ngạc với sự phức tạp trong 'cộng đồng dân cư' của vi khuẩn”.
Cận cảnh một "cộng đồng dân cư" vi khuẩn trên bề mặt lưỡi. Ảnh: Science Magazine. |
Nhóm nghiên cứu của bà đã lấy mẫu từ đầu lưỡi của 21 tình nguyện viên khỏe mạnh. Sau đó, nhóm gắn thẻ các loại vi khuẩn khác nhau từ mẫu lấy được bằng các dấu huỳnh quang nhiều màu. Kỹ thuật chụp ảnh huỳnh quang này có tên CLASI-FISH. Kết quả chính là hình ảnh mà chúng ta được nhìn thấy ở trên.
Nhóm tác giả nhận thấy các tế bào vi khuẩn phần lớn được nhóm theo loại trong một màng sinh học dày, ken đặc và bao phủ từng tế bào bề mặt lưỡi. Có sự chắp vá tổng thể trong cộng đồng sinh vật nhưng về cơ bản giữa các tế bào của các mẫu và người khác nhau, thành phần vi khuẩn khác nhau có sự nhất quán về “nơi cư trú”, bà Jessica cho hay.
Hình ảnh chụp bề mặt lưỡi từ các mẫu vật. Ảnh: Science News. |
Trung tâm màu xám được tạo dựng từ biểu mô của con người, xung quanh là nhiều loại vi khuẩn như Actinomyces (màu đỏ) chiếm vùng không gian sát trung tâm. Nó luôn tìm cách chiếm vị trí lõi cấu trúc, gần với tề bào người. Mặt khác Rothia (xanh da trời) có xu hướng tồn tại trong các màng lớn ở bên ngoài màng sinh học. Còn Streptococus (xanh lá cây) tụ họp thành các cụm ở phía ngoài và các vệt bên trong.
Actinomyces và Rothia có thể đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi nitrat từ chế độ ăn uống. Chẳng hạn như chuyển đổi một hợp rất có nhiều trong rau xanh thành oxit nitric, giúp làm giãn mạch màu, điều hòa huyết áp.
Nhờ giải trình tự ADN, các nhà khoa học có thêm nhiều dữ kiện về các loài vi khuẩn sống trong cơ thể người. Đây là lần đầu tiên họ quan sát được “cộng đồng dân cư” này chi tiết như vậy. Điều này giúp các nhà nghiên cứu khám phá cách các vi khuẩn phối hợp cùng nhau để duy trì hệ sinh thái bên trong lưỡi và giữ cho vật chủ (cơ thể người) luôn khỏe mạnh.