Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Hình thái lây nhiễm phức tạp và tương lai chữa khỏi HIV

Trong số hơn 30 triệu ca nhiễm HIV, những người được chữa khỏi đến nay mới dừng lại ở con số 5. Việc triển vọng chấm dứt đại dịch này vẫn là dấu hỏi lớn đối với các quốc gia.

Các hạt trong virus HIV. Ảnh: Science Source.

Năm 1959, Cộng hòa Congo xác nhận trường hợp đầu tiên trên thế giới nhiễm HIV, khởi đầu cho cuộc chiến liên tục và không ngừng nghỉ chống lại đại dịch này trong suốt hàng chục năm.

Đến nay, thông tin về một số trường hợp được điều trị khỏi hoàn toàn đã đặt thêm niềm tin về tương lai xóa sổ HIV, chấm dứt nỗi đau của hàng triệu người. Tuy nhiên, khi người được chữa khỏi mới dừng ở con số 5, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây nhiễm với nhiều hình thái mới, phức tạp hơn.

Những người đã khỏi HIV

Theo Aids Map, 5 bệnh nhân được chữa khỏi HIV đầu trên thế giới đều bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Điểm chung của các bệnh nhân này là đều được chẩn đoán mắc HIV, bị bệnh bạch cầu và phải cấy ghép tế bào gốc để điều trị.

Người đầu tiên được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown (người Mỹ). Ông còn được biết đến với cái tên “bệnh nhân Berlin” trong công bố vào năm 2009.

Sau khi phát triển bệnh bạch cầu cấp dòng tủy vào năm 2007, ông được cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có khả năng kháng HIV tự nhiên.

Ông Brown sau đó cũng không cần dùng thuốc kháng virus HIV cũng như không tái nhiễm HIV trong quãng đời còn lại. Năm 2020, người đàn ông qua đời vì ung thư máu di căn não và tủy sống.

cach chua HIV anh 1

Ông Timothy Ray Brown là bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV hoàn toàn bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Ảnh: BBC.

Năm 2019, thế giới tiếp tục tuyên bố chữa khỏi HIV cho bệnh nhân thứ 2 có tên Adam Castillejo - "bệnh nhân London" (người Anh).

Người này cũng được điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch Hodgkin. Sau một năm được ghép tế bào gốc, Castillejo được cho biết trong cơ thể mình đã sạch virus và không bị tái nhiễm HIV.

Tháng 7/2022, bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 lần lượt được công bố khỏi bệnh HIV.

"Bệnh nhân Dusseldorf" (người Mỹ) là người thứ 3 được chữa khỏi HIV sau khi được các bác sĩ cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu. Ông được thông báo không bị tái nhiễm HIV sau 3 năm ngừng uống thuốc chống phơi nhiễm HIV.

Bệnh nhân thứ 4 được điều trị khỏi bệnh HIV là một phụ nữ người Tây Ban Nha. Bà được cấy ghép tế bào gốc từ họ hàng. Các nhà khoa học cũng cho hay họ ghi nhận hàm lượng virus trong cơ thể bà sụt giảm, dù đã ngừng sử dụng thuốc kháng virus (ARV) hơn 15 năm.

Bệnh nhân cuối cùng cho đến nay được tuyên bố đã chiến thắng căn bệnh HIV là "bệnh nhân của thành phố hy vọng". Ông mắc HIV năm 1988, được cấy ghép tế bào gốc đầu năm 2019.

Người đàn ông này được cho hay rằng đã không nhiễm HIV hơn 17 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nói rằng bệnh bạch cầu của ông đã có sự thuyên giảm.

Khó khăn và triển vọng xóa sổ HIV

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ khi bắt đầu đại dịch đến năm 2021, 84,2 triệu người đã nhiễm virus HIV và khoảng 40,1 triệu người đã chết vì HIV.

Tính đến năm 2021, thế giới có 38,4 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó, số người trưởng thành mắc bệnh trong độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 0,7%.

Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 1/25 người trưởng thành sống chung với HIV, chiếm hơn 2/3 số người sống chung với HIV trên toàn thế giới.

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV, trong đó, gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

Trong những năm qua, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Đáng chú ý, số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam trong 2 năm gần đây có nhiều sự thay đổi về hình thái lây nhiễm. Cụ thể, tỷ lệ nam giới nhiễm HIV tăng nhanh, trong đó, phần lớn có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Bên cạnh đó, trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu, ở nhóm nghiện ma túy. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn đã tăng dần từ 65% lên 82,2% vào năm 2022.

Ngoài ra, theo một thống kê trên toàn thế giới, tỷ lệ bệnh nhân bị HIV là những người trẻ trong độ tuổi 15-25 tới 40%. Mỗi ngày, khoảng 5.000 thanh niên trên thế giới nhiễm HIV, tương đương với gần 2 triệu ca mắc mới mỗi năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, không có cách đặc trị hoàn toàn virus HIV và chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm.

Để ngăn chặn sự phát triển của virus, người bệnh có thể dùng một viên thuốc chống phơi nhiễm HIV (PrEP) mỗi ngày trong khoảng thời gian lâu dài. Đây hiện được coi là phương pháp ngăn ngừa HIV rộng rãi ở hầu hết quốc gia trên thế giới giúp bệnh nhân nhiễm HIV sống khỏe mạnh.

Theo The National News, tiến sĩ Bharat Pankhania, giảng viên lâm sàng cao cấp và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter (Anh), thế giới có nhiều khả năng phát triển thành công một loại vaccine phòng ngừa lây nhiễm HIV sau vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, khả năng này không cao do đặc điểm về gene và cấu tạo của virus HIV mạnh mẽ và khó đối phó hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2.

Mặt khác, một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu thực hiện cấy ghép tế bào gốc như một phương pháp điều trị, cho phép các bác sĩ đưa gen kháng HIV hoặc đột biến vào hệ thống miễn dịch mới của người bệnh.

Cho đến hiện tại, phương pháp này đã giúp 5 bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Các nhà nghiên cứu đếu cho rằng đây là những viên gạch đầu tiên đặt hy vọng về một tương lai có thể chữa khỏi HIV cho nhiều bệnh nhân hơn.

Bí ẩn của nước

Nước là một trong những thành phần quan trọng nhất đối với sức khỏe con người và sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó ẩn chứa nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu cuốn sách Bí ẩn của nước để giúp bạn biết thêm nhiều tiềm năng của nước và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

Đừng kỳ thị HIV/AIDS nữa

Theo các nhà hoạt động AIDS, để góp phần phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta cần hiểu rõ tình trạng của bản thân, giảm bớt sự kỳ thị cũng như tăng cường giáo dục giới tính.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm