Những huấn luyện viên nổi tiếng đều gắn liền với một câu lạc bộ nổi tiếng. Sir Alex Ferguson và Arsene Wenger gắn với MU và Arsenal. Jose Mourinho với Inter, Real và Chelsea. Carlo Ancelotti với AC Milan. Pep Guardiola với Barcelona. Ngay cả những HLV “xê dịch” cũng làm nên tên tuổi ở một nơi nhất định, ví như Giovanni Trapattoni nổi tiếng nhất tại Juventus dù cũng đã từng thành công với Milan, Inter hay Bayern Munich.
Nhưng với Luis Aragones, “nhà hiền triết xứ Hortaleza” ở vào một vai vế hoàn toàn khác. Ông chẳng nổi tiếng ở bất kỳ câu lạc bộ danh giá nào. Người ta nói ông nổi tiếng là bởi ông sáng tạo ra tiki-taka, thứ chiến thuật mà ngày nay gắn liền với Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định tới thành công lịch sử mà Aragones đạt được tại EURO 2008.
Khi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện năm 1974, ít ai nghĩ rằng Aragones sẽ là một nhà cầm quân thành công bởi họ coi ông như một nhân vật mẫu (người ta hay gọi là “stock character” trong văn học) của bóng đá: Một cầu-thủ-nóng-đầu-trở-thành-huấn-luyện-viên. Thế nhưng Aragones đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng của mình chỉ bằng việc rũ bỏ cái nhân vật mẫu mà người ta gán cho ông bằng những chiến tích sân cỏ ngoài mong đợi.
Di sản lớn nhất của Don Luis là một bài học quý cho các HLV lẫn cầu thủ: Nhân cách, chứ không phải chiến thuật thi đấu hay tài năng, mới làm nên chiến thắng. Ảnh: Getty Images |
“Don Luis” chỉ làm việc ở một câu lạc bộ lớn trong đời huấn luyện, đó là một mùa giải 1987/1988 tại Barcelona. Thời gian còn lại, ông biến những tập thể tập hợp các cầu thủ làng nhàng thành những cỗ máy chiến thắng. Betis, Mallorca, Oviedo, Sevilla, Espanyol và Valencia dưới trướng Aragones đều là những tập thể có kỷ luật cực kỳ chặt chẽ, luôn khai thác sức mạnh chủ lực của các cầu thủ và nguy hiểm chết người trong các pha phản công.
Các đội bóng của Aragones luôn chơi thứ bóng đá cống hiến bằng cách lăn xả trên sân cỏ. Nghe mâu thuẫn phải không? Chính sự lăn xả khiến các đội mà Aragones dẫn dắt đều chơi hấp dẫn chứ không phải đá đẹp chuyền hay, và nền tảng của những nỗ lực lăn xả ấy là tinh thần cho nhau, vì nhau giữa các cầu thủ mà Don Luis đã áp đặt lên.
Nhà sáng chế tiki-taka
Cho đến khi được bổ nhiệm vào năm 2004, ít ai còn nghi ngờ tài năng của Aragones, nhưng dư luận lại có một nghi vấn khác: Liệu Don Luis có lạc hậu với thời đại, liệu ông sẽ biến TBN thành một tập thể “trâu bò” thay vì chơi một thứ bóng đá đẹp? Trớ trêu làm sao, Aragones không những đi ngược với sự chờ đợi của dư luận, ông còn đi trước thời đại.
Và sự đi trước thời đại ấy là, Aragones đã cho ra đời tiki-taka. Don Luis đã thành công với tiki-taka ở ĐT TBN trước cả khi Barcelona thống trị châu Âu với thứ bóng đá ấy.
Sau khi bị loại ở World Cup 2006 và vài trận đấu thất vọng ở vòng loại EURO 2008, Aragones bắt đầu mạnh tay đưa tiki-taka vào đội tuyển. Và để làm điều đó, ông có một quyết định đanh thép: loại bỏ Raul Gonzalez để trao gửi niềm tin vào những tiền vệ sáng tạo có thể thực thi chiến thuật tiki-taka.
Sự kiện đó được đánh dấu bởi màn la hét của Don Luis với một phóng viên từ Madrid: “Anh có biết Raul đã đá ở bao nhiêu kỳ World Cup? 3! Bao nhiêu kỳ EURO? 2! NÓI CHO TÔI BIẾT ANH TA ĐÃ BAO NHIÊU LẦN VÔ ĐỊCH?!”. Đó là bước ngoặt, Raul đã bị đá vào dĩ vãng để Aragones trao quyền lực cho David Silva, Marcos Senna, Xavi Hernandez và Andres Iniesta. Và tại EURO 2008, người TBN vô địch, bình luận viên Andres Montes cho ra đời thuật ngữ “Tiki-taka”, với Luis Aragones là cha đẻ.
Với bản CV đầy tên những câu lạc bộ hạng trung, Luis Aragones đã mất thời gian để làm quen với môi trường đội tuyển dày đặc những cầu thủ Real Madrid và Barcelona. Thế nhưng Aragones chẳng hề có chút sợ hãi gì khi cho về vườn Raul và Michel Salgado. Đội hình xuất phát 11 người của TBN tại EURO có 3 cầu thủ Valencia, 2 cầu thủ Villarreal, 1 từ Atletico và 2 người từ Real & Barca. Nói ngắn gọn, Aragones chẳng quan tâm quái gì đến việc dùng cầu thủ từ câu lạc bộ nào như những đời HLV tiền nhiệm.
Triết lý từ những ngày dẫn dắt các đội hạng trung của Don Luis đã được áp đặt vào ĐTQG, đó là các cầu thủ phải có một tinh thần cho nhau, vì nhau cả khi thi đấu lẫn sinh hoạt. Kẻ nào vi phạm nghiêm lệnh của ông đều sẽ bị trừng phạt. Sergio Ramos đã có lần đi chơi về muộn, và ngày hôm sau bị Aragones mắng ngay trước mặt các đồng đội trong phòng thay đồ. Mỗi lần Ramos cúi xuống, Don Luis lại quát: “HÃY NHÌN VÀO MẮT TÔI!”. Ramos có phải người đầu tiên bị Aragones làm như thế? Không, người đầu tiên chính là danh thủ người Brazil, Romario.
Luis Aragones đã cho bóng đá một bài học quý. Tiki-taka, dù có đẹp và quyến rũ đến mấy, cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng, còn thứ quyết định trên sân bóng phải là con người. Và để chiến thắng, con người phải có sự đoàn kết. Nếu không đoàn kết thì làm sao thực hiện nổi tiki-taka? Khi con người chơi bóng với một tư tưởng lệch lạc, thì dù có áp dụng chiến thuật nào cũng thất bại.
Và để khiến các cầu thủ của mình chơi bóng một cách quyết tâm, Luis Aragones đã uốn nắn họ bằng sự nghiêm khắc của mình. Ông đã làm như thế ở gần như mọi nơi mình đặt chân đến, và đó là lý do vì sao ông thành công ở cả những đội bóng làng nhàng lẫn ở ĐTQG, dù mỗi nơi lại có một bối cảnh, một điều kiện và một tập thể cầu thủ khác nhau.
Nhìn lại sự nghiệp của Luis Aragones, ta có thể liệt kê cả tá chiến công mà ông đã đạt được cũng như sự phát minh ra tiki-taka. Nhưng di sản lớn nhất của Don Luis là một bài học quý cho các HLV lẫn cầu thủ: Nhân cách, chứ không phải chiến thuật thi đấu hay tài năng, mới làm nên chiến thắng.