Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Ho ra máu - dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Ho ra máu là cấp cứu nội khoa, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

Gần đây, khi ho khạc vào buổi sáng, tôi thấy có kèm máu, ngứa cổ, tức ngực. Đây có phải dấu hiệu bệnh nguy hiểm không?

Bác sĩ Lê Minh Tuấn, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, tư vấn: 

Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng ho, chúng thường có bọt, màu đỏ tươi. Trước khi ho, bệnh nhân thường có triệu chứng nóng rát sau xương ức, đau ngực, ngứa cổ.

Tuy nhiên, bạn cần phân biệt với các dạng ho ra máu khác như:

- Khạc ra máu từ đường mũi họng: Máu khạc dễ dàng không cần gắng sức ho, kèm các bệnh lý như chảy máu cam, bệnh răng lợi, polype mũi…

- Nôn ra máu: Máu có lẫn thức ăn, không bọt. Trước khi nôn, bệnh nhân thường đau bụng hoặc có bệnh lý về tiêu hóa trước đây như xơ gan, loét dạ dày tá tràng, dùng thuốc giảm đau kéo dài.

Theo tình trạng bạn mô tả, chúng ta cần chú ý tới các nguyên nhân thường gặp sau:

- Lao phổi: Ho khạc đờm trên 2 tuần, có thể kèm ra máu tươi hoặc vướng máu, từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, khó thở. Bệnh có tính lây lan và để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện, điều trị sớm.

- Giãn phế quản: Bệnh thường do di chứng của lao phổi. Ngoài ra, bệnh lý này có thể xảy ra sau nhiễm trùng mạn tính như áp xe phổi, viêm do hít phải dị vật đường thở. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bị giãn hoặc thuyên tắc mạch máu.

- Ung thư phổi: Đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều. Giai đoạn trễ sẽ có biểu hiện bao gồm ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu thường lượng ít. Điều trị tùy theo đánh giá giai đoạn tiến triển của bệnh.

- Nhiễm trùng hô hấp: Bệnh có thể do viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u nấm phổi, nấm phổi. Triệu chứng thường có sốt, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế).

Vì vậy, ho ra máu là cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân gây ra. Phần lớn chúng là các bệnh lý hô hấp nên bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phổi cậu bé 15 tuổi mọc nấm, cơ thể còn da bọc xương

Cậu bé 15 tuổi bị suy kiệt, cơ thể chỉ còn da bọc xương kèm theo suy hô hấp và nhiễm trùng nặng.

Độc giả Nguyễn Quý

Bạn có thể quan tâm