Dịp Tết cận kề cũng là lúc thị trường tiêu thụ mạnh các món ăn có trong mâm cỗ Tết, măng là một trong số đó. Tuy nhiên, món khoái khẩu này lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe khi một số tư thương cho hóa hóa chất tẩy trắng hoặc sấy lưu huỳnh để giữ cho măng tươi lâu, nở nhanh.
Phát hiện nhiều cơ sở dùng hóa chất ngâm măng
Hồi tháng 5, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản Bình Thuận (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường công an tỉnh đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở chế biến măng tươi ngâm hóa chất tại xã Hàm Trí. Tại đây, măng được ngâm và tẩy trắng với chất bột lạ trong các thau chậu lớn.
Trước đó, trong tháng 1, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Cơ quan phía Nam (C49B, Bộ Công an) và cơ quan Quản lý thị trường TP HCM cũng kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, phát hiện tại đây có hành vi ngâm tẩm măng trong hóa chất để lưu giữ trong thời gian dài.
Măng được ngâm bằng hóa chất tại một cơ sở bị phát hiện sai phạm. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đây chỉ là hai trong số nhiều lần các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm tại các cơ sở chế biến măng. Không chỉ măng tươi, măng khô cũng tiềm ẩn những nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Trên phạm vi cả nước trong các năm qua, nhiều mẫu măng khô tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã bị phát hiện.
Hóa chất ngâm măng nguy hại ra sao?
Theo PGS-TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm, việc các cơ sở sản xuất, chế biến măng tươi dùng hóa chất để ngâm trắng, tẩy rửa đã có từ lâu. Thường họ dùng sunfit, nước javen, thậm chí bất kỳ loại chất có tác dụng tẩy rửa nào để làm trắng và đẹp măng. Đây đều là những hóa chất không nằm trong danh mục phụ gia và gây độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe. Cụ thể, làm viêm da, mắt, miệng, phá hủy đường tiêu hóa, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, không loại trừ khả năng gây ung thư.
Đối với măng khô, để chống mốc và tạo màu vàng đẹp, các cơ sở sẽ sấy, xông hơi lưu huỳnh - chất chủ yếu được sử dụng trong phân bón hoặc thuốc súng, diêm, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm... Lưu huỳnh sử dụng để chống ẩm mốc với hàm lượng ít sẽ không độc, nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp, bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp.
Măng nhiễm lưu huỳnh, khi vào cơ thể sẽ kết hợp với kim loại nặng tạo thành hợp chất sunfua gây độc. Người tiêu dùng ăn nhiều măng khô có chứa lưu huỳnh ở nồng độ cao có thể bị tổn thương hệ thần kinh, tim mạch, tuyến nội tiết, hệ miễn dịch, bị suy giảm thị lực, tổn thương phổi, suy thận, ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não.
Chưa kể, trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230 mg trong một kg măng củ. Dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.
Cách nhận biết, lựa chọn măng an toàn
Theo PGS-TS Trần Đáng, để biết chính xác măng khô, tươi nhiễm những hóa chất độc hại gì, cần phải đưa mẫu đi kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể nhìn cảm quan để lựa chọn. Đối với măng khô, nếu qua sấy lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trung của diêm sinh, màu sắc vàng tươi, bóng bảy, bắt mắt và tuyệt đối không bị mốc.
Khi lựa chọn măng, cần tìm tới các cơ sở uy tín, trên nhãn mác có ghi rõ nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng, có cam kết đảm bảo măng khô sạch, an toàn, không ẩm ướp hóa nhất hay sử dụng lưu huỳnh để sấy khô.
Các bà nội trợ cần có kiến thức để lựa chọn và chế biến măng nhằm loại bỏ các chất gây hại. Ảnh: Piglicious. |
Đối với măng tươi, nếu ngâm qua hóa chất sẽ có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm. Khi ăn có vị ngọt, giòn hơn măng tự nhiên. Măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, có thể bẻ gãy, lưu giữ mùi thơm đặc trưng. Măng tươi mua về nên rửa sạch, ngâm trong nước và luộc lại nhiều lần để loại bỏ độc tố.
Thời gian này, các bà nội trợ đang tất bật chuẩn bị những món ăn ngon cho gia đình trong ngày Tết Dương lịch và Âm lịch cận kề. Tuy nhiên, những thực phẩm như thịt cá, hải sản, măng tươi, khô, bóng bì... cho tới bánh chưng, mứt kẹo đều bị các cơ quan chức năng phát hiện có chứa hóa chất độc hại cho sức khỏe.
Zing.vn sẽ có loạt bài cảnh báo và giúp bạn chọn thực phẩm tươi sạch. Ở số tiếp theo, độc giả sẽ được hướng dẫn cách nhận biết mực ngâm rửa qua hóa chất và tôm "ngậm" phẩm màu.