Sự nguy hiểm của những giang hồ cộm cán tại Hải Phòng còn thể hiện ở thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với pháp luật. Để chuẩn bị trước cho hành động gây án mà không sợ bị pháp luật “sờ gáy”, trong một ngày đẹp trời nào đó, nhiều tên giang hồ khét tiếng bỗng dưng bị tâm thần.
Bộ hồ sơ bệnh tâm thần hoàn hảo tưởng rằng sẽ là lá “bùa hộ mệnh” cho những kẻ coi thường luật pháp. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”...
Cứ gây án là bị … “động kinh”
Nói đến những thủ đoạn tinh vi của dân anh chị giang hồ, đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng PC45, Công an TP Hải Phòng, nhắc ngay đến những kẻ gây án có hồ sơ tâm thần. Đó là lá bùa hộ mệnh mà những kẻ giang hồ cộm cán thường sử dụng để tránh tội.
Câu chuyện đấu tranh với người mang biệt danh Tộ “tích” để lại dấu ấn mạnh nhất đối với lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS) Hải Phòng, bởi các anh đã phải bỏ biết bao công sức mới xử lý được tên tội phạm nguy hiểm này.
Tộ “tích” tên thật là Mai Đức Vượng (35 tuổi, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Ngày 28/12/2009, Vượng cùng đồng bọn dùng dao chém, gây thương tích cho anh Trần Doãn (35 tuổi, ở quận Lê Chân, Hải Phòng), khiến nạn nhân bị giảm 11% sức lao động.
Ngày 7/8/2001, Vượng lại cùng đồng bọn dùng súng bắn anh Nguyễn Chí (38 tuổi, ở quận Lê Chân, Hải Phòng), khiến anh này bị giảm 67% sức lao động. Sau quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Hải Phòng đã khởi tố hung thủ cùng đồng bọn về tội Giết người.
Trong thời gian Vượng bị tạm giam để điều tra, bất ngờ gia đình người đàn ông này cung cấp hồ sơ, bệnh án của một cơ sở y tế chuyên điều trị rối loạn tâm thần về căn bệnh… động kinh. Cơ quan điều tra đã giám định tâm thần tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần của Sở Y tế Hải Phòng.
Vượng sau đó được VKSND Hải Phòng có quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Do đó cơ quan cảnh sát điều tra đã phải tạm đình chỉ điều tra, bàn giao Vượng cho Viện Pháp y tâm thần Trung ương quản lý điều trị.
Dù qua công tác nghiệp vụ, các điều tra viên đều có thông tin khẳng định Vượng không hề bị tâm thần, nhưng căn cứ vào tài liệu, hồ sơ của bệnh viện thì không cớ để giam giữ hắn. Đây là trăn trở lớn của Công an Hải Phòng. Được ra ngoài xã hội, Vượng lại “giương vây giương cánh”.
Hắn gọi điện cho gia đình người bị hại, đe dọa nếu tố cáo hành vi tội ác của bọn chúng. Rồi còn chuẩn bị kế hoạch hành động tiếp theo nên luôn mang theo người một khẩu súng. Nắm bắt tình hình, ngày 13/12/2012, qua kiểm tra hành chính tại một khách sạn nằm trên địa bàn phường Đằng Hải, quận Hải An (Hải Phòng), tổ công tác của Phòng PC45 đã bắt Vượng cùng một khẩu súng K54 và 5 viên đạn.
Tuy nhiên, thêm một lần cơ quan cảnh sát điều tra bị bất lực trước chiếc “bùa hộ mệnh” của nghi phạm, tiếp tục phải trao trả anh ta cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương để điều trị bệnh.
Một số người “giả điên” đã bị Công an TP Hải Phòng bắt giam trở lại. |
Trong thời gian Vượng bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc, cơ quan cảnh sát điều tra đã nhận được nhiều đơn tố cáo, kiến nghị của gia đình bị hại Chí về việc Vượng giả điên để trốn tránh tội.
Vượng có đàn em chừng 30 người đều là giang hồ, lưu manh, luôn lui tới bệnh viện thăm “ông anh”, còn có cả biểu hiện quậy phá, đe dọa bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã cử tổ công tác 10 cán bộ phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương tổ chức giám sát, canh gác liên tục 24/24h. Đồng thời, thường xuyên trao đổi theo dõi” bệnh tình” của hắn.
Ngày 17/4/2013, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã hội chẩn và ra thông báo bệnh tâm thần của Vượng ổn định. Căn cứ thông báo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, ngày 17/4/2013, VKSND Hải Phòng đã ra quyết định đình chỉ biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Mai Đức Vượng.
Ngay lập tức, Cơ quan cảnh sát điều tra đã phục hồi điều tra và ra lệnh tạm giam đối với Vượng về hành vi Giết người, Cố ý gây thương tích và tổ chức tiếp nhận an toàn bị can đưa về tạm giam tại trại tạm giam Công an Hải Phòng.
Vạch mặt thủ đoạn xảo quyệt
Đại tá Thắng cho biết, vào những năm trước, có không ít người phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khi bị bắt giữ, khởi tố điều tra, gia đình đã có đơn trình bày bị can bị bệnh tâm thần kèm theo bệnh án tâm thần của bị can hoặc trong quá trình bỏ trốn, bị can đã vào bệnh viện tâm thần để điều trị khiến công tác điều tra, truy tố xét xử gặp nhiều khó khăn. Người gây án không bị xử lý đã gây dư luận không tốt, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của lực lượng công an.
Để ngăn chặn tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, nhất là đối với những kẻ giang hồ cộm cán, đòi hỏi các điều tra viên, cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ tìm ra kẽ hở của bọn chúng, vạch trần thủ đoạn.
Khi đã có đầy đủ tài liệu chứng cứ, phải kịp thời đề nghị cơ quan giám định, pháp y tâm thần tổ chức giám định lại tình trạng bệnh hiện tại. Từ đó tiến hành phục hồi điều tra, ra lệnh bắt tạm giam. Có như vậy, chiếc “bùa hộ mệnh” bệnh tâm thần mới trở nên vô tác dụng.
Vụ án Đào Văn Thắng (tức Thắng “quán toan”, 38 tuổi, ở huyện An Dương, Hải Phòng) là một ví dụ điển hình. Ngày 12/5/2010, Thắng cùng đồng bọn dùng súng, dao, kiếm, bắn, chém gây thương tích người đàn ông 33 tuổi, ở huyện An Lão. Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố Thắng và đồng bọn về tội Cố ý gây thương tích. Sau khi gây án, Thắng bỏ trốn và vào bệnh viện Tâm thần Hải Phòng để điều trị.
Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Sở Y tế TP Hải Phòng kết luận: Đào Văn Thắng bị mắc bệnh tâm thần bệnh, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, bệnh này cần phải điều trị lâu dài. Ngày 5/7/2012, VKSND Hải Phòng ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Thắng và điều trị tại Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương.
Trong quá trình điều trị tại đây, Thắng thường xuyên bỏ trốn về Hải Phòng. Ngày 18/12/2012, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương có công văn thông báo: “…Đào Văn Thắng hiện tại ở giai đoạn ổn định bệnh, song cần tiếp tục quản lý và điều trị lâu dài tại cộng đồng…”.
Ngày 13/4/2013, VKSND Hải Phòng ra quyết định đình chỉ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Đào Văn Thắng. Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Thắng. Sau khi Thắng bỏ trốn khỏi Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã và đến ngày 15/4/2013, Thắng bị bắt khi đang lẩn trốn tại Hà Nội.
Chỉ riêng trong năm 2013, Phòng PC45 đã bắt giam trở lại 3 người giả điên, phục hồi điều tra và đưa ra xét xử thành công với mức án nghiêm khắc.
Hiện vẫn còn nhiều nghi phạm ở Hải Phòng dùng “bùa điên” hòng thoát tội và cuộc đấu tranh của công an nơi đây với những kẻ giả điên vẫn còn tiếp diễn.
* Tên nạn nhân đã thay đổi.