Trương Hồ Phương Nga vừa có đơn tố giác các quyết định do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và Viện KSND TP.HCM ban hành là trái pháp luật.
Theo đơn, ngày 11/12/2018, cơ quan CSĐT đã xác định Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung không phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Bộ luật Hình sự 2015.
Nhưng đến tháng 1/2019, hai cơ quan này lại quyết định khởi tố Nga và Dung tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 1999.
Trương Hồ Phương Nga tố giác cơ quan điều tra, VKSND TP.HCM về các quyết định được cho là trái luật. Ảnh: Lê Quân. |
Theo Phương Nga, thời điểm tháng 1/2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực. Theo khoản 3, điều 7, cơ quan CSĐT và Viện KSND TP.HCM không được phép khởi tố Nga và Dung dựa trên Bộ luật Hình sự năm 1999, mà phải chiếu theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ đó, Phương Nga cho rằng CQĐT và VKS đã ra lệnh khởi tố trái phép, không tuân theo Bộ luật Hình sự năm 2015 đang có hiệu lực.
Đồng thời, Phương Nga cũng cho rằng cơ quan CSĐT đã ra kết luận điều tra, xác định lý do và căn cứ đình chỉ vụ án làm giả con dấu trước, rồi mới khởi tố chính vụ án đó.
Cụ thể, trong bản kết luận điều tra ngày 11/12/2018, cơ quan CSĐT đã xác định "hành vi của bị can có dấu hiệu của Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng có thể miễn trách nhiệm hình sự do Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội thực hiện hành vi trái pháp luật".
Đến ngày 29/1/2019, cơ quan CSĐT đã khởi tố Nga và Dung về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; ban hành kết luận điều tra kết luận lại nội dung trên và đình chỉ vụ án do hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội.
Phương Nga cho rằng cơ quan CSĐT đã không kết luận điều tra dựa trên sự thật khách quan mà dựa trên tình huống giả định. Điều này thể hiện qua tên gọi của bản kết luận điều tra: "Bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra".
Trao đổi với Zing về lý do tố giác, Phương Nga cho biết đây không phải là một suy nghĩ bốc đồng hay một sự thử vận may, mà trong nhiều năm nhiều tháng cô vẫn luôn mong muốn sự việc sẽ được làm sáng tỏ và rõ ràng đúng như bản chất của nó, dù sớm hay muộn.
"Tôi cũng đã có đơn khiếu nại không đồng tình với Kết luận điều tra và các quyết định đình chỉ gửi VKSND TP.HCM ngay tại thời điểm được ban hành từ tháng 2/2019. Tuy nhiên việc khiếu nại này cho đến hôm nay, trải qua 1 năm rưỡi vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào từ VKS", Nga nói.
Vụ án liên quan Phương Nga và Thùy Dung được đình chỉ vào tháng 2/2019. Ảnh: Lê Quân. |
Hơn một năm trước, ngày 1/2/2019, Phương Nga và Thùy Dung đến Công an TP.HCM nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Tuy nhiên, cả hai từ chối nhận các quyết định tố tụng, bản kết luận điều tra vì cho rằng các vật chứng bị tạm giữ trước đó như điện thoại, iPad bị mất dữ liệu, xâm phạm mật khẩu, tin nhắn. Đến khi nào dữ liệu trên các thiết bị được phục hồi, Phương Nga và Thùy Dung mới nhận các quyết định trên.
Tháng 8/2019, VKSND TP.HCM cũng quyết định không khởi tố vụ án Vu khống đối với ông Cao Toàn Mỹ theo tố cáo của Phương Nga.
Phương Nga và Thùy Dung được TAND TP.HCM đưa ra xét xử lần đầu vào ngày 21/9/2016. Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử, HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ tình tiết liên quan lời khai về hợp đồng tình ái của Phương Nga.
Ngày 22/6/2017, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm lần 2. Một tuần sau đó, tòa trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung, đồng thời cho Phương Nga và Thùy Dung tại ngoại.
Sau đó, nhà chức trách đề nghị chuyển tội danh của 2 bị can từ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Khi cơ quan CSĐT chuyển kết luận qua Viện KSND TP.HCM để chờ phê chuẩn, VKS đã khuyến cáo cơ quan chức năng cần thận trọng khi miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can này.
VKS cho rằng khung hình phạt của tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là từ 6 tháng đến 2 năm tù; trong khi đó, Phương Nga và Thùy Dung đã bị tạm giam hơn 2 năm 3 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vượt quá khung hình phạt cao nhất được quy định tại điều khoản này.
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết với vụ việc này, cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận tin báo tố giác để xử lý.
Theo quy định tại Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015: Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.