Một cán bộ tham gia kiểm tra điểm kinh doanh thịt heo làm giả thịt nhím ở một điểm kinh doanh trên đường số 16, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP HCM) tiết lộ: “Theo trình bày của chủ lô hàng, anh ta mua thịt heo nái về cắt lát rồi rưới máu của con nhím lên để biến thành thịt nhím”.
Theo vị cán bộ trên, do tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện có huyết nhím tại cơ sở kinh doanh sản xuất nên trong biên bản không thể hiện được thông tin này. “Chúng tôi chỉ xác định thịt được đóng gói dán nhãn thịt nhím trên bao bì là thịt heo nái. Đây là thịt mua trôi nổi, không có giấy kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh nên phải tịch thu tiêu hủy”, vị này giải thích thêm.
TP HCM cũng đã từng phối hợp với lực lượng thú y, phát hiện tại phường Linh Trung có ba điểm kinh doanh thịt heo nái không rõ nguồn gốc, phải tịch thu tiêu hủy.
Thịt heo nái bẩn được chế biến thành thịt nhím cắt lát. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đây tại địa bàn quận Thủ Đức, Đội 2, Phòng cảnh sát môi trường. “Điều bất thường là tại các điểm kinh doanh này có hơn 100 kg thịt heo được thui vàng da. Chắc chắn việc thui vàng da là nhằm mục đích làm giả thịt thú rừng. Tuy nhiên, do không có bằng chứng nên rất khó xác định hành vi làm giả thịt này”, một cán bộ tham gia buổi kiểm tra các điểm kinh doanh thịt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói trên, nhớ lại.
Vị này cho biết, qua điều tra, thu thập thông tin để triệt phá các điểm kinh doanh “thịt đểu”, các trinh sát đều nghe nói đến chiêu thức “muốn làm giả thịt con gì thì phải rưới máu con đó lên. Tuy nhiên, cách thức chế biến cụ thể ra sao thì trước giờ chưa có đơn vị này bắt được quả tang.
Độc hại tiềm ẩn
Nhiều lần trao đổi với chúng tôi về các điểm kinh doanh thịt thú rừng ở TP HCM , ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM cho rằng, hầu hết đây là bán “thịt giả”. Ông giải thích: “Khi bán cho khách hàng thì họ nói đây là thịt heo rừng, thịt nai, thịt nhím… Nhưng khi bị bắt thì họ nói đây chỉ là thịt heo nhà, việc thui cho vàng da chỉ nhằm mục đích làm cho thịt ngon hơn. Thực tế, đó chỉ là thịt heo nên chức năng xử lý thuộc về bên cơ quan thú y”.
Thịt heo nái được thui vàng da để chế biến thành các loại thịt hàng sang. |
Theo ông Cương, điểm chung của những điểm kinh doanh “thịt giả” là mua thịt heo nái già, giá rẻ về thui vàng da rồi cắt thành những miếng thịt cho giống thịt của con thú này, thú kia.
Còn theo các nguồn tin từ cảnh sát môi trường, để biến thịt heo thành thịt thú rừng, các đối tượng kinh doanh chắc chắn phải có “bí quyết” trong việc chế biến. “Có thể họ dùng máu thịt thú rừng hay hóa chất để tẩm ướp vào thịt heo sao cho giống thịt thú rừng nhất. Tuy nhiên, các chất tẩm ướp này là chất gì thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào xác định được”, một cảnh sát môi trường, chia sẻ.
Nhiều cán bộ thú y cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, hầu hết các vụ phát hiện làm thịt giả, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên liệu là thịt heo nái không được kiểm dịch còn cách chế biến làm giả thịt ra sao thì vẫn chưa xác định.
“Hiện nay, các loại thịt thường dễ bị làm giả đó là thịt heo rừng, thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím… Nguyên liệu để làm các loại thịt này thường là thịt heo nái già. Thịt heo này thường mua trôi nổi với giá rẻ để chế biến bán lại giá cao, thu lợi nhiều. Các loại thịt làm giả đều không đảm bảo diều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây độc hại cho người dử dụng”, một cán bộ thú y, nhận định.
“Nói ra có thể đụng chạm nhưng theo tôi các đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm khi phát hiện các điểm kinh doanh “thịt giả”. Đáng lẽ ra họ phải tiến hành lấy mẫu, phân tích xác định chất tẩm ướp làm giả thịt nhím, thịt nai … là chất gì, có độc hại không. Nếu đó là chất độc hại thì phải xử lý nghiêm chứ không dừng ở mức xử phạt hành chính, tịch thu thịt nguyên liệu đưa đi tiêu hủy”, một bác sĩ làm việc trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nêu ý kiến.