Ngày xửa ngày xưa, một số nền tảng mạng xã hội bất ngờ gặp lỗi, ngừng hoạt động trong thời gian ngắn. Sau đó, sự cố được khắc phục. Câu chuyện kết thúc. Nhìn bề ngoài thì đây dường như là câu chuyện nhàm chán.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc các nền tảng của Meta, bao gồm Facebook, Instagram, Threads và Messenger sập vào hôm 5/3 có thể còn ngụ ý câu chuyện khác. Nó cho thấy mạng xã hội, giống sách báo hoặc các phương tiện truyền thông khác trong lịch sử, không chỉ đơn thuần là thú vui giải trí.
Theo AP, dù công nghệ phát triển, mục đích chúng ta sử dụng chúng vẫn như bao đời nay: Bản năng của con người là thích những câu chuyện.
Chúng ta thích kể chuyện, nghe kể chuyện và kết nối với nhau cũng như cộng đồng thông qua những câu chuyện đó.
Nó có thể đơn giản là bài đăng từ người chị họ mà bạn hiếm khi gặp, chia sẻ về cuộc sống cùng các con cô ấy. Câu chuyện cũng có thể xuất phát từ người có sức ảnh hưởng, giới thiệu về nền văn hóa hoặc kiến thức mà bạn chưa từng biết.
Toàn bộ ứng dụng của Meta gặp lỗi tối 5/3. Ảnh: Gabby Jones/Bloomberg. |
Chúng ta thể hiện nó với thế giới thông qua các thiết bị điện tử - đến mức một trong những tính năng chính của Instagram được gọi là "Stories" (Những câu chuyện).
"Khả năng kể chuyện của chúng ta là ... một trong những cách tốt nhất để chúng ta kết nối với nhau," Evynn McFalls, phó chủ tịch Marketing và thương hiệu tại Viện NeuroLeadership, nói. "Não bộ của chúng ta thích những câu chuyện vì nó làm cho việc hiểu người khác, hoàn cảnh khác dễ dàng hơn".
Vấn đề
Trong cuốn sách The Storytelling Animal: How Stories Make Us Human, học giả Jonathan Gottschall viết: “Nhu cầu của con người trong việc tạo ra và tiêu thụ những câu chuyện thậm chí còn lớn hơn cả văn học, giấc mơ và tưởng tượng. Chúng ta đắm chìm trong chúng”.
Trong thời đại này, truyền thông xã hội thường là nơi chúng được kể - dù là dưới dạng hình ảnh, video, meme, văn bản hay sự kết hợp của cả 4 loại.
Mọi người có thể nhận được thông tin, dù đúng hay sai, trên đây để từ đó tìm hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của người khác, nhìn nhận các vấn đề và hiểu thêm về thế giới.
Chúng ta cũng kể câu chuyện của chính mình trên đây, tạo ra mối quan hệ với người khác. Theo nhiều cách, những không gian xã hội này là nơi chúng ta thể hiện “tính người".
Bên ngoài trụ sở Meta ở Menlo Park, California, Mỹ. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg. |
"Đối với nhiều người, đặc biệt ở Mỹ, việc nghĩ về cuộc sống và giao tiếp mà không nghĩ đến mạng xã hội gần như là điều không thể", Samuel Woolley, phó giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông của Đại học Texas, nói.
Vậy khi chúng bị sập, điều gì sẽ xảy ra?
Các mối liên kết trong mạng lưới giao tiếp của con người có thể biến mất. Hoạt động kích thích endorphin, mang lại cảm giác hạnh phúc bị cắt đứt. Thói quen hàng ngày bị ảnh hưởng và luồng thông tin bị gián đoạn.
Không chỉ vậy, theo Imani Cheers, phó giáo sư tại Đại học George Washington ở Washington, “trong 15 năm qua, những nền tảng này đang dần trở thành không gian vận động chính sách” - nơi người dùng có thể thúc đẩy sự ủng hộ các quan điểm hoặc lợi ích cá nhân/nhóm.
“Những sự cố sập như vừa qua có thể gây ra gián đoạn trong việc truyền tải và cung cấp thông tin”, bà nhận định.
Nó sẽ dẫn đến tác động lớn hơn nếu sự gián đoạn xảy ra vào đúng thời điểm mà việc truyền tải thông tin và giao tiếp được xem là cần thiết nhất.
Chẳng hạn, Woolley lưu ý: Ở Mỹ, sự cố xảy ra đúng vào thời điểm nhiều người đang trên đường đi bỏ phiếu cho Siêu thứ Ba - ngày có nhiều bang tổ chức bỏ phiếu nhất trong lịch trình bầu cử sơ bộ.
“Mặc dù sự gián đoạn chỉ kéo dài một vài giờ đối với hầu hết mọi người, nó vẫn dẫn đến việc không thể tiếp cận tin tức”, Woolley cho biết. “Và đó là một vấn đề”.
Phản ứng lo sợ
Sau khi sự cố xảy ra, Andy Stone - người đứng đầu bộ phận truyền thông của Meta, viết trên X (trước đây là Twitter) rằng: “Chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào”.
Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra trong lịch sử của Facebook. Ảnh: Johannes Berg/Bloomberg. |
Nhưng đối với một số người, không chỉ là sự bất tiện đơn giản, điều đó còn gây ra vấn đề lớn hơn. Câu chuyện và cuộc sống trực tuyến của họ bị đe dọa.
Khi Taylor Cole Miller, phó giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Wisconsin-La Crosse, nhận ra anh không thể truy cập tài khoản Facebook của mình hôm 5/3, mối lo ngại đầu tiên là bảo mật. Taylor sợ rằng bằng cách nào đó, tài khoản của anh bị hack.
Ngay sau đó, nỗi hoảng sợ tiếp tục dâng lên. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi dữ liệu, thông tin, và mối quan hệ - những điều mà anh đã tích lũy trên nền tảng này trong suốt 2 thập kỷ - biến mất.
“Nói tôi cảm thấy như mình đang ở những giây phút cuối với hình ảnh cả cuộc đời lướt qua trước mắt thì hơi quá. Nhưng sự thật là với ai đã sử dụng Facebook trong 20 năm, họ sẽ hiểu phần lớn cuộc đời tôi được lưu trữ” trên đó, anh chia sẻ.
“Nhiều người tôi kết nối chỉ đơn thuần là thông qua Facebook. Điều gì xảy ra nếu gặp sự cố, mối quan hệ đó liệu sẽ biến mất rất nhanh?”, Taylor đặt câu hỏi.
Melanie Green, giáo sư khoa truyền thông tại Đại học Buffalo, cho biết phản ứng như mất đi một phần quan trọng của cuộc sống cho thấy sức mạnh của những câu chuyện trong việc kết nối con người.
“Con người có nhu cầu thuộc về. Chúng ta là loài xã hội, sự tồn tại của chúng ta thường phụ thuộc vào việc là một phần của nhóm”, bà nói. “Những câu chuyện có thể giúp chúng ta cảm nhận được sự thuộc về đó”.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.