Nói về Trên con đường - tác phẩm giúp mình trở thành chủ nhân giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm của UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam, họa sĩ Tạ Duy Tùng không hề dùng bất kỳ từ ngữ hoa mỹ nào.
"Trên con đường là tác phẩm nghệ thuật duy nhất của tôi trong 10 năm qua. Thậm chí, tôi từng có ý định vứt bỏ bức tranh này, khi bản thân cảm thấy lạc lối với nghệ thuật", Tạ Duy Tùng mở đầu buổi trò chuyện.
Họa sĩ Tạ Duy Tùng nhận giải Nghệ sĩ triển vọng nhất năm của cuộc thi UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam. |
- Cơ duyên nào đưa anh đến với cuộc thi UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam?
- Ngay thời điểm mất phương hướng với nghề giáo viên dạy vẽ, tôi lướt mạng xã hội tìm công việc mới và đọc được thông tin cuộc thi. Tôi chỉ nghĩ đăng ký cho vui để mở rộng tầm mắt, không nghĩ xa hơn.
UOB Painting of the Year là cuộc thi có quy mô khu vực, lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là cơ hội để họa sĩ trong nước giao lưu học hỏi, cũng là bước đệm để hiểu thêm về nghệ thuật ở các quốc gia trong khối ASEAN. Việc đăng ký tham gia, dù vô tình, lại rất đáng giá.
- Mang tác phẩm "Trên con đường" đến cuộc thi, anh muốn mời gọi mọi người suy ngẫm điều gì?
- Trên con đường mang theo hoài niệm của tôi về một thời tuổi trẻ, khi hoài bão thì mãnh liệt mà khó khăn thì vô vàn.
Mỗi nét cọ đặt xuống, tôi lại quay cuồng trong suy nghĩ dù chúng ta là ai và xuất thân thế nào, việc chọn con đường cho chính mình không bao giờ dễ dàng. Trên hành trình đó, bạn gặp đầy rẫy thử thách, trải qua giờ khắc đen tối nhất nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc. Hãy hy vọng, bởi luôn có ánh sáng đợi chúng ta cuối con đường.
Tác phẩm "Trên con đường" của họa sĩ Tạ Duy Tùng. |
- Điểm chung của tác phẩm thắng giải UOB Painting of the Year Đông Nam Á những năm gần đây là phản ánh sắc nét tính hiện thực xã hội, hướng đến vấn đề nổi cộm toàn cầu hoặc tôn vinh văn hóa địa phương. Vì sao anh không chọn hướng đi này mà khắc họa khía cạnh mang hơi hướm cá nhân?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ cần đào sâu về khuynh hướng hội họa cá nhân. Tôi thừa nhận bản thân ảnh hưởng nhiều từ triết học Hy Lạp thời kỳ đầu và giáo lý Kitô giáo. Triết lý này khắc sâu vào tư duy, tạo nên khuynh hướng nghệ thuật riêng: Hướng đến khắc họa con người, xoáy sâu vào tâm thức.
Thay vì phản ánh vấn đề rộng lớn, tôi cho rằng có thể khám phá chính mình thông qua hội họa. Người xem sẽ nhìn thấy chính mình trong tác phẩm, với "sợi dây" kết nối là cảm xúc đồng điệu, thấu hiểu.
Với Tạ Duy Tùng, thực hành hội họa là cách nghệ sĩ tự khám phá chính mình. |
- Giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm có ý nghĩa thế nào với anh?
- Khi các họa sĩ được xướng tên tại lễ trao giải, tôi đã chuẩn bị tinh thần nhận giải đồng hạng mục Nghệ sĩ triển vọng. Không ngờ, niềm vui lại vượt trên mọi kỳ vọng!
Điều tuyệt vời nhất mà giải thưởng mang đến là đưa tình yêu nghệ thuật mãnh liệt ở tuổi 20 trở lại trong tôi. Đây cũng là điều tôi đã quên lãng từ rất lâu.
- Thời gian tới, anh định hình con đường nghệ thuật của bản thân như thế nào?
- Cuốn sách của họa sĩ người Việt sống ở Nhật về kỹ thuật sơn dầu đã giúp tôi nhận thức rõ bản thân còn nhiều thiếu sót. Không đặt mục tiêu quá cao xa, thời gian tới, tôi tập trung nâng cao kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu để mang đến những tác phẩm tốt hơn cho người yêu hội họa.
Tác phẩm "Trên con đường" được triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (TP.HCM). |
- Anh muốn nhắn nhủ điều gì đến các họa sĩ trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật?
- Mong ước lớn nhất của tôi là Việt Nam có nhiều họa sĩ tài năng, xem hội họa là sự nghiệp nghiêm túc thay vì đam mê "sớm nở tối tàn". Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: Năng khiếu là chưa đủ, bạn phải định hình rõ muốn trở thành ai. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc và học hỏi không ngừng để hoàn thiện chính mình.
Hơn thế, bằng khả năng hội họa, tôi nghĩ người nghệ sĩ có thể đóng góp cho cộng đồng qua nhiều khía cạnh như "trò chuyện" với trẻ tự kỷ thông qua những nét cọ, dùng nghệ thuật để chữa lành tổn thương tâm lý cho người yếu thế trong xã hội…