Sáng 1/8, trình bày báo cáo tại hội nghị tổng kết Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng Nghị định mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Văn bản đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chính sách này còn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần được khắc phục.
Về chính sách đầu tư, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ (chưa quy định đối với các hạng mục mái che, kho lạnh...
Ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế (năm 2015 tăng 30,5% so với 2014; năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015).
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 67. Ảnh: Thắng Quang. |
Thời gian gần đây, đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa kịp thời đáp ứng được; nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.
Về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do một số ngân hàng thương mại còn yêu cầu thêm tài sản thế chấp như: sổ đỏ hoặc tài sản khác bổ sung.
Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép, ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.
"Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị gỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách", Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1 tàu) bị hư hỏng (gỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản.
40 tàu cá vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67 bị hư hỏng nặng phải nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo Thứ trưởng Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.
Bộ này cũng tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục...
UBND tỉnh Bình Định đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các sự cố của tàu vỏ thép để đưa vào sản xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
"Các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định.