Chiều 26/9, TAND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến Công ty cổ phần Tân Tân (Công ty Tân Tân).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử là Trần Quốc Tân (SN 1963, Giám đốc Công ty Tân Tân) với tội “Không chấp hành án” và “Trốn thuế”; Trần Quốc Tuấn (SN 1968, thành viên HĐQT công ty, em trai ông Tân) bị xét xử về tội “Không chấp hành án”. Mặc dù bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, 2 bị cáo này không bị tạm giam mà cho tại ngoại.
Trước đó, vào ngày 16/9, phiên tòa dự kiến được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, 2 bị cáo và người đại diện quyền và nghĩa vụ cho bị cáo cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có đơn xin hoãn.
Bị cáo Trần Quốc Tuấn tại tòa, nhưng bị cáo Trần Quốc Tân vắng mặt. Ảnh: X.A. |
Đến chiều nay, HĐXX mở phiên xét xử sơ thẩm. Mở đầu phiên tòa, luật sư của ông Tân giao nộp cho HĐXX các giấy tờ liên quan đến việc ông này phải nhập viện tại một bệnh viện ở quận 1, TP.HCM. Thời gian ông này nhập viện là 21h30 ngày 25/9, trước khi bị đưa ra xét xử gần 1 ngày. Trong khi đó, bị cáo Trần Quốc Tuấn đến tòa theo triệu tập.
Xét thấy việc vắng mặt của bị cáo Tân sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Dĩ An, Công ty Tân Tân (chuyên sản xuất kinh doanh đậu phộng) gồm 3 cổ đông góp vốn. Trong đó, ông Tân sở hữu 6,4 triệu cổ phần của công ty - tương đương 80%, bà Châu Thị Phụng (vợ ông Tân) và ông Trần Quốc Tuấn (em trai ông Tân) mỗi người sở hữu 10% cổ phần.
Ngày 5/7/2011, ông Tân làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, ngụ TP.HCM) 3,6 triệu cổ phần của cá nhân với giá trị 36,6 tỷ đồng (10.000 đồng/cổ phần). Công ty Tân Tân cũng cấp giấy chứng nhận sở hữu 45,83% cổ phần cho bà Thanh.
Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông, dù yêu cầu nhiều lần, bà Thanh không được ông Tân cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, các báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà máy của Công ty cổ phần Tân Tân ở Bình Dương. Ảnh: X.A. |
Đến tháng 11/2015, bà Thanh gửi đơn kiện đến TAND tỉnh Bình Dương. Bản án của TAND tỉnh Bình Dương ban hành buộc các thành viên HĐQT Công ty Tân Tân phải “triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT của công ty theo đúng quy định pháp luật"; yêu cầu công ty này phải cho bà Thanh được xem xét, trích lục sổ, biên bản, nghị quyết của HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm.
Mặc dù sau đó, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định thi hành án, buộc các thành viên HĐQT Công ty Tân Tân thi hành, nhưng ông Tân và 2 thành viên còn lại "không thi hành bản án mặc dù có điều kiện để thi hành án".
Đến tháng 9/2020, cơ quan này tiếp tục ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành án đối với ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng, nhưng những cá nhân trên vẫn không thực hiện.
Trước những hành vi trên, đến giữa năm 2023, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Trần Quốc Tân và Trần Quốc Tuấn.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.