Tối 21/2, đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh nam sinh tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương) không mặc áo, bị trói, nhốt ở cầu thang được lan truyền trên mạng xã hội. Khi bảo vệ phát hiện, nam sinh cho biết bị cướp nhưng không nhìn rõ mặt người gây ra vụ việc.
Quá trình xác minh, Công an TP Dĩ An xác định không có vụ cướp nào xảy ra trong ký túc xá. Lời khai của bị hại không đúng sự thật. Cụ thể nam sinh viên trong clip đã tự dựng lên câu chuyện.
Hành vi hoang báo này của nam thanh niên có thể bị xử lý ra sao?
Thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Tình trạng báo tin giả tới cơ quan chức năng không phải chuyện hiếm gặp. Đây là hành động làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của cơ quan chức năng cũng như người thi hành công vụ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hoang báo thông tin, song vì nguyên nhân gì, đây đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý theo quy định.
Công an xác định vụ cướp tài sản trong ký túc xá là sai sự thật. Ảnh: A.H. |
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi hoang báo thông tin thuộc nhóm hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Cụ thể, theo điểm c, khoản 3, Điều 7 Nghị định này, người có hành vi Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng.
Nếu báo tin giả liên quan tới hỏa hoạn, sự cố hoặc tai nạn, mức xử phạt áp dụng sẽ là 4-6 triệu đồng, căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 42 Nghị định này.
Trường hợp này, với hành vi hoang báo tin bị cướp, nam thanh niên có thể bị xử phạt tối đa 3 triệu đồng do báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh hành vi báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội, người báo tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi của bản thân.