Từ xa xưa, người Việt đã rất quan tâm việc học của con cái, với quan niệm "Học là học để làm người / Biết điều hơn thiệt, biết điều thị phi".
Đối với các bậc đế vương, việc học càng trở nên quan trọng. Bên cạnh việc giao đại thần tài giỏi dạy học cho con, một số vị vua còn thường xuyên dạy dỗ con mình.
Trần Minh Tông và phép dùng gương người xưa
Trần Minh Tông là một trong những vị vua anh minh của triều Trần, đồng thời cũng là người nổi tiếng về việc dạy dỗ con cái. Thời trẻ, ông được vua cha là Trần Anh Tông dạy dỗ nghiêm khắc, nên về sau, vua rất quan tâm dạy bảo con cái..
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm Kỷ Tỵ (1329), vua ban chiếu phong Trần Vượng làm Đông cung Hoàng thái tử. Không lâu sau đó, nhường ngôi cho Trần Vượng (Trần Hiến Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng.
Để dạy dỗ con cái thành những bậc hiền tài, vua Trần Minh Thông thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Theo ý của Thái bảo Uy Túc Văn, vua chỉ nên nhắc đến người thiện, ít bàn những kẻ ác, sợ các hoàng tử nghe được sẽ làm theo.
Tuy vậy, theo ý của Thượng hoàng Minh Tông thì "Thiện ác đều phải nêu lên để đối chiếu. Nếu con ta hiền thì nghe điều thiện tất sẽ học tập, nghe điều ác tất phải tránh xa. Thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác?".
Các vua Trần. Ảnh: Tư liệu. |
Vốn là vị vua rất quan tâm đến việc trị vì đất nước nên vua Trần Minh Tông rất quan tâm dạy dỗ các con đạo trị nước. Cuối năm Bính Thân (1356) khi nằm bên giường bệnh, các hoàng tử có mặt đầy đủ, vua dặn rằng "các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì học, việc gì dở thì tránh, cần gì ta dạy nữa?".
Vua dụ rằng "Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Người ấy theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta mà ta coi là người hiền nên dùng.
Nếu ta là người hiền thì những người làm việc cho ta cũng là người hiền. Nếu ta không hiền thì những kẻ làm việc cho ta cũng không hiền. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương sầu, cùng loại thì hợp nhau".
Nhờ sự dạy bảo cẩn thận của vua cha nên Trần Hiến Tông tiếp tục là vị vua tốt, được lòng thiên hạ, phép nước ổn định. Tiếc là vua qua đời quá sớm (22 tuổi) khiến cơ nghiệp nhà Trần suy yếu.
Lê Thánh Tông vừa quan tâm, vừa tinh tế
Lê Thánh Tông (1442-1497) được xem là vị vua vĩ đại bậc nhất trong sử Việt, dưới thời trị vì của ông, chế độ phong kiến Đại Việt đạt đến độ cực thịnh. Dù là vị vua dành rất nhiều thời gian cho việc nước, không vì thế vua sao nhãng việc học của con cái. Ngược lại, Lê Thánh Tông là vị vua đặc biệt coi trọng sự học của con.
Sau khi chọn được người kế vị, tháng 8/1465, vua bắt đầu cho người vào dạy học cho thái tử Lê Tranh. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bấy giờ, Hoàng thái hậu là người nhân hậu nhưng không quả quyết, dạy chưa đúng cách. Sợ Lê Tranh trở nên phóng túng, kiêu ngạo, vua đã làm bài thơ rặn dạy rằng:
Thân yêu há chẳng hết lòng này / Xiểm nịnh làm cho dạ đổi thay / Nước Sở Phàn Cơ nêu đức tốt / Trưởng tôn hoàng hậu có mưu hay / Tần vương hận chuyện lăn ra sập / Vệ quán lo âu khéo giả say / Trăm miệng ồn ào tai phải điếc / Cư Châu đâu thấy được người hay.
Trong phạm vi bài thơ, vua Lê Thánh Tông đã sử dụng nhiều điển tích, điển cố ý nói người ta vốn lòng cứng rắn, chỉ vì tác động nhiều hóa ra nhu nhược, hay chuyện vua Sở thích săn bắn, đại thần Phàn Cơ khuyên không được, quyết không ăn thịt do vua săn được ban cho, chuyện Trưởng tôn Hoàng hậu Đường Thái Tông khiêm tốn, kiệm ước, có mưu trí và tài văn học, thường cùng vua bàn việc nước và có nhiều kiến giải hay.
Để nâng cao sự học của con, vua Lê Thánh Tông lệnh cho các đại thần tiến cử người tài vào giúp vua dạy dỗ con cái. Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1467, vua đã "khảo thí và sa thải Đông cung thị giảng là Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bưu vì làm ba bài thơ do vua ra đề không ra ý". Sau sự kiện này, thậm chí ngay cả Lại bộ Thượng thư Nguyễn Như Đỗ, Đông cung quan Trần Cung và Đô ngự sử Trần Xác đều bị quở trách vì tội bảo cử bậy.
Minh Mạng nghiêm khắc là trên hết
Minh Mạng là hoàng đế thư hai của nhà Nguyễn, ông sinh thời không chỉ nổi tiếng bởi tài trị nước, dạy dỗ con cực kỳ nghiêm khắc. Dù có tới 142 người con, vua vẫn rất hay để ý. Người nào phạm lỗi sẽ bị khiến trách, thậm chí phạt nặng.
Theo Đại Nam thực lục, hoàng tử Miên Phú tuy được răn dạy cẩn thận, nhưng tiếng tình phóng khoáng, chỉ thích ăn chơi, hưởng lạc, không chịu học hành, không biết noi gương vua cha để thành người có ích, ngược lại thường thích kết dao với phường "du thủ du thực", ỷ thế làm điều càn bậy.
Tháng 11 năm Ất Mùi (1835), Miên Phú cùng các thuộc hạ là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngưạ ở ngoài hoàng thành, gây náo loạn đường phố, một bà lão vì không tránh kịp đã bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết.
Biết tin, vua Minh Mạng đã sai một số đại thần đi điều tra, khi vụ việc sáng tỏ, vua ra chỉ dụ trách mắng. Tiếp đó, ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cắt lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú (Miên là tên đệm của các Hoàng tử con Minh Mạng), phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc.
Những thuộc hạ của Miên Phú có tội đều bị xử theo các mức độ khác nhau. Nặng nhất là Hoàng Văn Vân bị xử chém, anh em Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng nơi xa, khi tới nơi còn bị đánh 100 gậy.