![]() |
Phụ huynh Trung Quốc phát hiện con bị kéo vào những nhóm trò chuyện tiêu cực trên đồng hồ thông minh. Ảnh: Sixth Tone. |
Khi thấy mắt con gái mở to, tỏ vẻ kinh hãi, bà Chen Xian (sống ở Chiết Giang, Trung Quốc) nghiêng người đọc tin nhắn mà con vừa nhận được trên đồng hồ thông minh: “Chúng ta cùng nhau chết đi".
Hoảng hồn, bà Chen lập tức giật lấy thiết bị từ cổ tay con, chụp lại màn hình làm bằng chứng và yêu cầu con - khi đó mới chỉ là học sinh lớp 2 - rời khỏi nhóm trò chuyện.
Khi đó, người mẹ mới cảm thấy nhẹ nhõm vì kịp thời xử lý, nhưng bà cũng lo lắng cho những đứa trẻ khác trong nhóm vì các em không chia sẻ với cha mẹ về các hoạt động trực tuyến.
“Con tôi nói với tôi ngay lập tức, nhưng điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ khác cũng sẽ như vậy, đặc biệt là các em tuổi teen", bà chia sẻ với Sixth Tone.
Bị cuốn vào "vòng tròn đồng hồ"
Sự việc này phản ánh mối lo của các bậc cha mẹ đối với đồng hồ thông minh - thiết bị trong nhiều năm qua được quảng bá tại Trung Quốc như lựa chọn an toàn hơn điện thoại cho trẻ chưa đến tuổi dậy thì.
![]() |
Con gái bà Chen Xian nhận được tin nhắn: "Chúng ta cùng nhau chết đi". |
Vốn được thiết kế để thực hiện cuộc gọi hạn chế và định vị vị trí, giờ đây, công nghệ này đang mở ra cánh cửa mới, cho trẻ em tiếp cận một hệ sinh thái kỹ thuật số phức tạp, đôi khi còn u tối.
Các chuyên gia nhận định "vòng tròn đồng hồ" (cộng đồng trên các ứng dụng của đồng hồ thông minh) do trẻ em ở mọi độ tuổi tạo ra, phản ánh cả nhu cầu xã hội của trẻ và những thách thức to lớn mà phụ huynh phải đối mặt trong thời đại Internet.
Vào năm 2017, khi Liu Meng (khi đó mới 10 tuổi) lần đầu nhận được một chiếc đồng hồ thông minh, em thấy mình như được ban một ân huệ lớn.
Trước đó, em thường xuyên bị xa lánh vì gặp khó khăn trong giao tiếp. Ở trường tiểu học, việc chỉ nói một câu “xin chào” cũng là thử thách. Khi người khác bắt chuyện, tình trạng lo âu của em có thể nghiêm trọng tới mức em hét to hoặc tự đập đầu vào tường.
Sau này, Liu được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger - một kiểu rối loạn phát triển trong phổ tự kỷ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội. Chẩn đoán được đưa ra sau nhiều năm em bị bạn học bắt nạt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với Liu khi học lớp 5, sau khi cha mẹ đồng ý mua cho em chiếc đồng hồ của một thương hiệu lớn ở Trung Quốc. Em bắt đầu xin mua thiết bị này sau khi thấy nhiều bạn cùng lớp “chạm” thiết bị với nhau - một hành động để kết bạn trực tuyến.
Bà Wang Ting, mẹ của Liu, ban đầu chỉ nghĩ đến chức năng định vị giúp đảm bảo an toàn cho con. Người mẹ không ngờ đây lại trở thành cánh cổng đưa Lưu vào một thế giới hoàn toàn mới.
Sau khi có đồng hồ thông minh, Liu nhanh chóng nhận ra các bạn đang tạo và tham gia các nhóm trò chuyện theo sở thích như anime, thể thao, nghệ thuật và lồng tiếng.
Tương tự Instagram, WeChat và các mạng xã hội khác, nền tảng trên đồng hồ thông minh cho phép người dùng đăng bài để bạn bè thích hoặc bình luận. Liu có một người bạn thường nhận 70-80 lượt thích mỗi bài đăng, nên em đặt đó làm mục tiêu. Nữ sinh tham gia nhiều nhóm chat, bắt chuyện với người lạ về mọi chủ đề từ sở thích, gia đình đến trải nghiệm sống.
Liu tiếp cận mỗi cuộc trò chuyện như một bài toán, có lúc dành hơn một giờ chỉ để soạn một tin nhắn hay bài đăng. Em bắt đầu giãi bày cảm xúc trên mạng, chia sẻ gần như mọi chi tiết trong cuộc sống và có khi đăng 20-30 bài mỗi ngày.
Và những "nỗ lực" đó dường như mang lại kết quả. Đến lớp 9, em đã kết bạn gần đến giới hạn tối đa 150 người và đạt mục tiêu về lượt thích, bình luận. Nữ sinh nói mình cảm thấy được nhìn nhận và tôn trọng. Dù có mối quan hệ tốt với cha mẹ, em vẫn khao khát những liên kết cảm xúc chỉ bạn bè cùng trang lứa mới mang lại.
Đồng hồ cũng không an toàn
Khi lần đầu đối mặt với mặt tối trên đồng hồ thông minh, Liu mới chỉ 13 tuổi. Một đêm hè, em được thêm vào một nhóm chat lạ và ngay lập tức bị tấn công bởi nội dung người lớn, bao gồm cả những trò đùa tục tĩu và hình ảnh khiêu dâm.
Ngay sau khi Liu chấp nhận lời mời kết bạn từ một cậu bé trong nhóm, cậu này nhắn: “Tớ thích cậu. Mình hẹn hò nhé?”
Thực tế, Liu có bạn trai ngay trong nhóm chat đầu tiên em tham gia. Sau khi thêm bạn, cậu bé gửi ảnh xương quai xanh và yêu cầu em gửi ảnh "đáp lễ". Sau đó, cậu bạn đăng những bình luận và hình ảnh mang tính khiêu dâm cùng các meme gợi dục trong nhóm.
Hiện tại, sắp 18 tuổi, Liu nhớ lại cảm giác vừa sốc vừa tò mò khi xem những nội dung đó. “Khi đó, em đang trong tuổi dậy thì, hoàn toàn ngây thơ về mấy chuyện này. Em cứ nghĩ nói chuyện kiểu đó sẽ giúp mình hòa nhập", nữ sinh chia sẻ.
![]() |
Nhiều công ty sản xuất đồng hồ bổ sung tính năng lọc nội dung nhạy cảm, nhưng người dùng vẫn có thể lách luật. Ảnh: Sixth Tone. |
Bà Wang Ting biết rõ các hoạt động trực tuyến của con vì Liu xem cha mẹ là chỗ dựa tinh thần và chia sẻ hầu hết mọi chuyện. Tuy nhiên, người mẹ bắt đầu lo khi phát hiện bạn trai online của con đòi gửi ảnh nhạy cảm.
Cha mẹ Liu cũng tin rằng những hoạt động trên đồng hồ thông minh góp phần khiến em rối loạn cảm xúc nặng nề trước kỳ thi vào cấp 3. Dù hội chứng Asperger và áp lực học hành chắc chắn có ảnh hưởng, bà Wang và nhà trị liệu cho rằng Liu bị quá tải cảm xúc từ các tương tác mạng.
Đồng hồ thông minh có quá nhiều rủi ro nhưng các nhà sản xuất đồng hồ thông minh lại phản ứng quá chậm với các vấn đề bảo mật.
Sau khi con gái nhận được tin nhắn “hiệp ước tự sát”, bà Chen đã khiếu nại với công ty công nghệ sản xuất thiết bị và đặt câu hỏi vì sao những nội dung nhạy cảm như vậy không bị chặn. Ban đầu, nhân viên chăm sóc khách hàng mà bà Chen nói chuyện cho rằng bà “phản ứng thái quá với trò đùa trẻ con”. Cuối cùng, công ty rút lại lời nói và hứa sẽ thêm từ “chết” vào danh sách cấm.
Tuy nhiên, các quy định vẫn dễ bị lách. Trong khi tin nhắn văn bản bị lọc trên một số nền tảng, các tin nhắn thoại có vấn đề dường như vẫn lọt qua. Bà Chen cũng nhận thấy những nội dung bạn bè của con đăng thường tiêu cực, chủ yếu là các câu như “Chán quá”. Bà quyết định tắt tính năng này và một số tính năng khác, dù con gái từng thú nhận đã lên kế hoạch bí mật mở lại khi mẹ ngủ.
Theo GS Cai Dan, Hiệu trưởng trường Tâm lý học thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải, đây là tình cảnh phổ biến với các bậc phụ huynh. Ông giải thích rằng “vòng tròn đồng hồ” phản ánh một quy luật phát triển ở trẻ. Cụ thể, trước tuổi dậy thì, trẻ ưu tiên cha mẹ, nhưng khi đến tuổi teen, mong muốn kết nối với bạn bè trở nên mãnh liệt.
Vì vậy, đồng hồ thông minh trở thành “dấu hiệu nhận dạng nhóm” với trẻ em. Sử dụng cùng loại đồng hồ để kết bạn là cách quan trọng giúp trẻ tạo nhóm thân thiết.
“Tính năng chia sẻ bài viết cũng mang lại sự đồng cảm cảm xúc. Trong không gian ảo này, trẻ có thể trút bầu tâm sự về áp lực học hành hay khó khăn thường nhật, và cảm thấy được an ủi khi biết bạn bè cũng giống mình", giáo sư lý giải.
Tuy nhiên, dù tiện lợi đến đâu, giao tiếp online không thể thay thế giá trị cảm xúc của giao tiếp trực tiếp. Giáo sư Cai cho rằng việc trẻ quá đắm chìm vào Internet là dấu hiệu cho thấy các em không tìm thấy sự thỏa mãn trong đời sống thực. Ông khuyên cha mẹ không nên can thiệp quá mức mà nên để con mắc sai lầm trong phạm vi kiểm soát, đồng thời truyền đạt những giá trị và chuẩn mực đạo đức đúng đắn.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.