Đúng vào ngày lễ Tình nhân 14/2, á quân Vietnam Idol 2012 chính thức ra mắt album đầu tay Cửa thơm mùi nắng. Album có ý nghĩa như một lời nhắn gửi yêu thương của cô đến khán giả và được đánh giá là tín hiệu tốt cho năm âm nhạc 2014.
Được biết đến rộng rãi sau cuộc thi Thần tượng âm nhạc 2012, nhưng Hoàng Quyên đã có một thời gian dài tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp. Đáng chú ý là việc cô được nhạc sĩ Lê Minh Sơn mời hát trong chương trình Con đường âm nhạc của anh và riêng tặng cô hai ca khúc Ổi ương đầu cành, Rét đầu mùa. Hoàng Quyên cũng được đánh giá cao khi được góp mặt vào các sản phẩm âm nhạc tác giả cùng những tên tuổi hàng đầu Vpop như Trọng Tấn (Album romance cổ điển Phác thảo mùa thu), Thanh Lam, Tùng Dương, Trần Thu Hà, và Ngọc Khuê (album Phía không người - nhạc sĩ Trần Việt Tân).
Bởi vậy, việc tham dự Vietnam Idol được Hoàng Quyên xem như là một kế hoạch học tập ngắn hạn và gần như không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện album đầu tay này (vol.1 – Cửa thơm mùi nắng được thực hiện từ 2012). 8 ca khúc trong album như một lời giới thiệu chân thật nhất về con người và âm nhạc của Hoàng Quyên: một cô gái đồng rừng, lớn lên bên ngọn đồi, con suối, tiếng chim hót bên vườn nhà… với những cảm nhận trong trẻo về đời sống và tình yêu. Giống như tựa đề, album đem đến cho khán giả một không gian đầy hương thơm, màu sắc và trong trẻo lạ thưởng. Một khởi đầu không thể đẹp hơn cho giọng hát tài năng này.
Hoàng Quyên mang đến sự trong trẻo lạ thường trong album đầu tay. |
Có thể nói, Hoàng Quyên thực sự may mắn khi được Lê Minh Sơn đứng ra đỡ đầu cho sản phẩm đầu tiên. Anh không chỉ là tác giả, biên tập.., mà còn “kéo theo” nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về hỗ trợ phần hòa âm. Nhờ có được những bản phối kỹ lưỡng mà Hoàng Quyên có thể mặc sức phô diễn chất giọng alto lạ và quý hiếm của mình.
8 ca khúc trong album đều của Lê Minh Sơn. Đó là những bản tình ca đẹp được viết bằng lối tư duy ngắn gọn, tiết chế, xúc tích nhưng mãnh liệt và tinh tế. Chủ đích của người biên tập khá rõ ràng khi muốn kể lại câu chuyện của một cô gái, từ lúc mới sinh ra (Ngày em ra đời), rồi dần lớn lên với những tương tư đầu tiên (Gió mùa về, Mọi lúc mọi nơi, Cửa thơm mùi nắng), những trăn trở về tình yêu (Em và đêm, Có đôi), trăn trở về làng quê (À í a) và bao trùm lên tất cả là một tâm hồn luôn luôn phơi phới với niềm tin mãnh liệt vào tương lai (Sóng ngang).
Không gian âm nhạc của Cửa thơm mùi nắng được mở ra khá dịu dàng, dễ chịu với giai điệu blue jazz của Ngày em ra đời. Hoàng Quyên hoàn toàn làm chủ tiết tấu nhưng một vài chỗ vẫn hơi bị lộ trong kỹ thuật xử lý. Tuy nhiên, cô vẫn có điểm đáng quý là giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo và tinh tế - điều mà bản thu của Nguyễn Trần Trung Quân không giữ được.
Cửa thơm mùi nắng là những bản tình ca đẹp được viết bằng lối tư duy ngắn gọn, tiết chế, xúc tích nhưng mãnh liệt và tinh tế. |
Âm nhạc được khuấy động hơn với giai điệu pop rock trong Gió mùa về. Hoàng Quyên quyết định giữ lại bản thu tử năm 17 tuổi để cho vào album này vì “sợ rằng sau này không còn giữ được sự mộc mạc, hào sảng đó”. Mặc dù đôi chỗ xử lý còn chưa thực sự “xứng tầm” nhưng ở bản thu này có sự sáng láng, tươi mới của một tâm hồn trẻ. Chính tinh thần ấy đã xóa nhòa đi sự cô đơn, giá rét, vắng lặng của đêm, khi “gió mùa đông bắc tràn về”. Sở dĩ, giữ lại sự sáng láng đó, là Hoàng Quyên đã nhận ra cái “chất” của mình. Cô có thể hát nhiều thể loại nhạc, thể hiện nhiều tâm trạng từ vui buồn đến đau khổ nhưng chắc chắn không bao giờ hợp với kiểu sướt mướt, ủy mị. Chính nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng từng nghiêm cấm Hoàng Quyên: "Khi hát, không bao giờ được để 'miệng ướt'”.
Thật khó để tìm ra một điều chưa vừa ý ở album này. Có chăng là ở chỗ Hoàng Quyên vẫn còn để vướng một chút gì đó của Tùng Dương, một chút Thanh Lam, Ngọc Khuê trong cách xử lý. Hai ca khúc Mọi lúc mọi nơi và Sóng ngang có đôi chút khẩu khí giống ca khúc… cổ động. Âm nhạc đôi khi chỉ gần gũi thật thà, nhưng kiểu “văn nói” như “Tương lai cho dù nhọc nhằn nhưng mình bên nhau mọi lúc mọi nơi”, đặt trong một tổng thể hài hòa tinh tế của album xem ra hơi lạc lõng. Sóng ngang được “cứu lại” bởi bản phối symphonic metal tinh tế mà hào sảng. Ca khúc vừa đóng vai trò khép lại album, vừa mở ra những dự cảm đẹp phía trước trong âm nhạc của Hoàng Quyên.
Có một điểm đáng chú ý trong album này, là người phối khí luôn tìm ra được một nhạc cụ chính là điểm nhấn, đồng thời là điểm tựa cho tiếng hát. Đó là tiếng piano đầy tinh tế của Trần Mạnh Hùng trong Cửa thơm mùi nắng, Em và đêm, À í a, tiếng dàn dây uyển chuyển, mềm mại, hòa hợp hơn trong Có đôi. Giọng hát Hoàng Quyên đẹp nhất, sáng nhất, giàu cảm xúc nhất có lẽ trong chính những hòa thanh giản dị như thế.
Lê Minh Sơn từng nghiêm cấm Hoàng Quyên: "Khi hát, không bao giờ được để 'miệng ướt'”. |
Nói thêm về bài hát chủ đề, Cửa thơm mùi nắng ban đầu không phải là ca khúc Lê Minh Sơn viết cho Hoàng Quyên. Tuy nhiên, bằng cảm nhận của mình, cô đã thổi vào ca khúc một tình cảm khác. Đó là suy tư của một cô gái trẻ về tình yêu. Dù tình yêu ấy không trọn vẹn nhưng không vì thế mà cô đánh mất đi sự hồn nhiên trong sáng của mình. Ca khúc giống như một bài thơ, nhẹ nhàng lắng đọng và ngọt ngào. Cửa thơm mùi nắng cùng với Có đôi là hai ca khúc xuất sắc nhất trong album này.
Khi những nốt nhạc cuối cùng của album vang lên lại khiến cho người nghe cảm thấy tiếc nuối và… thèm thuồng. Hoàng Quyên cho hay, cô chỉ muốn làm những gì vừa vặn với sức mình, và đặc biệt là không muốn khán giả mệt mỏi khi nghe nhạc. Nhưng biết đâu, chính sự tiếc nuối đó lại là tín hiệu thành công đầu tiên cho đĩa nhạc đầu tay của cô ca sĩ sinh năm 1992 này.
Nghe thử ca khúc Sóng ngang trong album mới của Hoàng Quyên: