Nhiều thí sinh chọn học cao đẳng, học nghề thay vì vào đại học. Ảnh: Pexels. |
Nguyễn Hương (ở Đắk Lắk) trúng tuyển vào Đại học Công nghệ TP.HCM theo phương thức xét học bạ. Dù vậy, nữ sinh không xác nhận nhập học mà “quay xe" chọn học nghề tại một trường cao đẳng ở TP.HCM.
Hương cho biết em đỗ đại học nhưng là ngành không yêu thích. Mức học phí của trường lại khá cao, nếu cứ cố nhập học, em không chắc sẽ theo được. Thay vào đó, nếu học cao đẳng nghề, em sẽ rút ngắn thời gian học, được thực hành nhiều hơn để vưa có tay nghề, lại ra trường đi làm sớm.
“Mức học phí của trường cao đẳng công cũng rất rẻ, gia đình em có thể lo được", Hương chia sẻ.
Chọn con đường khác
Cũng giống như Mai Hương, Ngọc Sơn (ở TP.HCM) cũng chọn học cao đẳng thay vì vào đại học. Dù học lực ở mức khá giỏi, nhưng do thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nghề làm muối của bố mẹ, Sơn không dám học đại học mà chọn ngành Y học cổ truyền tại Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Nam sinh cho biết học cao đẳng giúp em tiết kiệm tiền lẫn thời gian học tập. Học phí mỗi kỳ chỉ khoảng 5 triệu đồng, thời gian học kéo dài trong 2,5 năm nên ước tính Sơn chỉ tốn khoảng 25 triệu đồng học phí để lấy được tấm bằng cao đẳng, sau đó đi làm ngay để phụ giúp gia đình.
Ngọc Sơn chọn ngành Y học cổ truyền tại Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Ở xã đảo Thạnh An, nơi Sơn sinh sống và học tập, nhiều học sinh lớp 12 khác sau khi tốt nghiệp cũng chọn học cao đẳng hoặc đi làm ngay.
Sơn kể rằng lớp em chỉ có khoảng vài bạn vào đại học, số còn lại đều vào cao đẳng. Một số bạn khác học lực không quá tốt, xác định không học lên cao nên ở lại Thạnh An để làm việc.
Bên cạnh những học sinh chọn học cao đẳng để tiết kiệm, nhiều học sinh khác vì lo gánh nặng học phí và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, nên dù đỗ đại học vẫn chọn con đường đi làm để tiết kiệm thời gian.
Thi đạt 28,25 điểm, Nguyễn Phương (quê Nghệ An) mừng rỡ khi nhận tin đỗ nguyện vọng 1 vào Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế nhưng, nhìn thông báo trúng tuyển kèm số tiền tạm đóng nhập học hơn 10 triệu đồng trên điện thoại, Phương ngậm ngùi tắt máy.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nữ sinh cho biết em luôn mong muốn có tương lai rộng mở, song ước mơ đại học quá xa vời. Hoàn cảnh gia đình khó khăn (mẹ đau ốm, bố và anh trai phải đi làm công nhân để trang trải và trả nợ), số tiền học phí hơn 115 triệu đồng cho 4 năm học, gia đình em không thể lo nổi.
Phương cũng e ngại rằng nếu đi học, em có thể được nhà trường hỗ trợ học phí, song sinh hoạt phí cũng là khoản không hề nhỏ, em không muốn trở thành gánh nặng gia đình. Nữ sinh quyết định bỏ xác nhận nhập học.
“Nếu đi học, 4 năm ra trường, em cũng chưa chắc tìm được công việc ổn định. Sắp tới tròn 18 tuổi, em sẽ đi làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp gia đình, như thế sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc hơn”, nữ sinh cho biết.
Cần có giải pháp để học sinh được vào đại học
Bàn về việc nhiều học sinh chọn con đường khác thay vì học đại học, TS Mai Đức Toàn, chuyên gia giáo dục và hướng nghiệp tại TP.HCM, nói rằng trong số hơn 120.000 thí sinh bỏ nguyện vọng đại học năm 2024, một phần nhỏ các bạn đi du học, số còn lại là vào cao đẳng hoặc đi làm ngay để kiếm thu nhập phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, có thể một số bạn bỏ nguyện vọng để đăng ký xét bổ sung vào các đại học công lập tại địa phương, các trường có học phí rẻ hơn để đỡ gánh nặng học phí.
TS Toàn nhận định trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đây là một xu hướng dễ hiểu vì điều kiện kinh tế gia đình sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định học tập của con cái.
Là một nhà giáo dục, TS Mai Đức Toàn cho biết đây là một vấn đề đáng lo ngại vì quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất cần nhiều nhân lực trình độ cao, từ bậc đại học trở lên, để phát triển xã hội. Thầy giáo cảm thấy đáng tiếc khi vấn đề học phí lại trở thành rào cản khiến nhiều học sinh giỏi không thể tiếp cận môi trường giáo dục đại học.
Ngoài học phí, chi phí sinh hoạt cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định học đại học của nhiều bạn trẻ. TS Toàn ước tính nếu chọn học đại học ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sinh viên cần trung bình 4-5 triệu đồng mỗi tháng mới đủ sống.
“Những bạn vào đại học mới 18 tuổi, hầu như còn phải phụ thuộc kinh tế của bố mẹ. Giai đoạn này kinh tế khó khăn, có thể thu nhập của các gia đình cũng bị ảnh hưởng nên quyết định vào đại học của nhiều bạn cũng bị ảnh hưởng khá nhiều”, TS Toàn nhận định.
Học phí là một trong những yếu tố thí sinh cân nhắc vào đại học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Bàn thêm về giải pháp giúp học sinh được vào đại học, TS Toàn cho biết hiện nay các trường đại học đều có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên, đặc biệt là dành cho sinh viên năm nhất trong kỳ học đầu tiên.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là học bổng của trường có giới hạn nhất định. Nhiều trường thường sẽ ưu tiên học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc những bạn đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Toàn nói việc đặt ra tiêu chí khi xét học bổng là điều phù hợp vì học bổng đôi khi không phải của riêng trường, mà có thể đến từ doanh nghiệp nên cần có tiêu chí chung phù hợp để xét chọn.
Trong trường hợp không thuộc diện xét học bổng, TS Mai Đức Toàn chỉ ra một số giải pháp để sinh viên có thể vào đại học như đi làm thêm hoặc vay ngân hàng chính sách.
Về việc vay ngân hàng, thầy giáo cho biết các ngân hàng chính sách tại địa phương đều cho sinh viên vay tiền để học đại học. Một số ngân hàng khác cũng có chương trình vay lãi suất 0 đồng dành cho sinh viên đại học. Theo đó, các bạn có thể vay tiền để đi học trước, sau này ra trường đi làm rồi trả nợ dần.
“Cá nhân tôi cũng đề xuất nhà nước và Bộ GD&ĐT cần có giải pháp tốt hơn, hoặc phối hợp với các ngân hàng để đưa ra chính sách vay vốn để sinh viên được vay tiền học và trả nợ theo phương án tối ưu nhất”, TS Toàn nói.
Còn về việc làm thêm, thầy giáo đề xuất sinh viên có thể kiếm việc làm thêm trong trường hoặc ngoài trường để trang trải sinh hoạt phí và học phí. Giai đoạn 1-2 năm đầu có thể khó khăn, nhưng sau đó các bạn sẽ dần ổn định hơn.
TS cũng tin rằng những bạn đi làm thêm, có nhiều trải nghiệm thời sinh viên sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Khi ra trường, các bạn cũng sẽ vững vàng, có kinh nghiệm làm việc và tìm được những cơ hội nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.