Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học để làm gì?

Học để làm gì? Học để kiếm được công việc ổn định thu nhập tốt. Với suy nghĩ như thế, nền giáo dục của nước ta đang đào tạo những con người với những cái bằng đẹp.

Từ lớp mẫu giáo những đứa trẻ đã được bố mẹ nhồi nhét đủ thứ để học nào tiếng Anh, luyện chữ đẹp, học năng khiếu… 

Trẻ học lớp mẫu giáo

Không những thế bố mẹ còn quan tâm đến cả các cô vào những dịp lễ tết hay lâu lâu thấy cô chê con mình nhiều, lại biếu cô giáo vài tờ polyme mới đét. Không phải các cô giáo thích tiền của phụ huynh đâu mà tại nể nang quá nên các cô mới nhận thôi.

Và đứa trẻ vốn học kém, hay đánh bạn nhất lớp nhờ đồng tiền của mẹ nó mà nó được cô hết mực khen học giỏi, hiền lành trước mặt phụ huynh làm người mẹ cũng mát lòng mát dạ. Mở mắt ra trẻ em đã được bố mẹ nâng đỡ vậy đấy.

Lớp con tôi học có bậc phụ huynh ngày lễ biếu cô 100.000 đồng và từ đó bạn ấy được cô khen ngợi hết lời. Cô bảo: N nó học giỏi nhất lớp nhưng vì nó bé quá (ít tuổi nhất lớp) nên không được tham gia hội giảng, cô tiếc lắm. Đồng tiền có sức mạnh ghê gớm vậy đấy chứ hội giảng đứa nhỏ với lớn khác nhau gì chứ.

Giáo dục vẫn chú trọng dạy chữ hơn dạy người. Ảnh: Người Lao Động.

Trẻ vào tiểu học

Để con mình có cơ hội học tập trong môi trường năng động cạnh tranh khốc liệt các bậc phụ huynh lại mang tiền đi tìm cửa cho con vào lớp chọn trường chuyên. Mới học lớp 1 thôi nhưng trẻ em đã tiêu tốn của bố mẹ mấy chục triệu tiền lót tay rồi.

Vào được lớp tốt mà học dốt thì thật uổng công sức tiền của nên phụ huynh lại phải cho con đi học cả ngày, thậm chí học cả tối nữa. Bố mẹ lại phải tốn tiền biếu thầy cô để được những điểm số đẹp. Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ chưa ý thức được học để làm gì mà sao khổ vậy. Chỉ có bố mẹ chúng mới biết là học để làm gì thôi.

Tôi có người bạn làm giảng viên đại học cũng có con chuẩn bị vào lớp một nên cô ấy cho bé đi học cả ngày tối về cả nhà ngồi ăn cơm mẹ tranh thủ luyện tiếng Anh cho con. Ăn phải nói thế nào, cơm tiếng Anh là từ gì,… nói hết những câu hỏi của mẹ mới được ăn. Ăn xong bé vội vàng đi học Tiếng Anh buổi tối.

Nhìn thấy cách dạy của bạn ấy mà tôi cứ trố mắt ngạc nhiên hết đợt này đến đợt khác. Tôi thầm nghĩ sao bạn ấy không dạy con cách cư xử thế nào cho hợp với tuổi của cháu chứ học vậy rồi nó có giỏi đi nữa nhưng không giỏi toàn diện.

Trẻ học cấp 2

Để lên được cấp 2 thì không khó đối với tất cả các em học sinh vì trường nào cũng đạt đỗ 100%. Nhưng để vào được trường chuyên lớp chọn, các bậc phụ huynh lại một lần nữa ra tay. Họ phải cân nhắc hầu bao mình có bao nhiêu để cho con vào trường nào cho vừa ít tiền vừa chất lượng.

Lúc này trẻ con đã trưởng thành và hiểu thấu những kỳ vọng của bố mẹ. Trẻ ra sức học, học ở mọi nơi mọi lúc. Học thêm các môn yếu kém, những môn học giỏi rồi học giỏi nữa cho vượt bạn bè, mang hãnh diện về cho bố mẹ và bản thân mình. Vào những ngày lễ tết, các thầy các cô lại phải mất cả ngày đón các bậc phụ huynh đến thăm thật mệt nhưng cũng đáng.

Nếu trẻ có ý thức học thế thật tốt, chẳng ai dám chê trách gì. Nhưng điều đáng nói ở đây là bọn trẻ đã đến tuổi dạy nhân cách, đạo đức, lối sống, giúp đỡ những việc gia đình, thì các bậc phụ huynh không coi trọng mà chỉ chú trọng tới thành tích học của con.

Là học sinh THPT

Thi tốt nghiệp lớp 9 là chuyện nhỏ, trường nào mà chẳng đỗ 99%, quan trọng ở đây thi vào lớp 10 được không đây. Lại một nỗi lo nữa đè nặng trĩu vai các bậc phụ huynh. Số tiền chạy trường chạy lớp lần này phải là cấp số nhân mới hy vọng trúng tuyển. Lúc này, bậc phụ huynh thở dài: Giá con mình học giỏi thì đâu đến nỗi này. Đừng vội nản các mẹ ạ, cuộc sống của đứa trẻ mới là khởi đầu thôi.

Khi vào được cấp 3 rồi, những đứa trẻ hiểu đây là chướng ngại vật mình phải vượt qua, phải cố gắng hết sức không được ngừng nghỉ, chỉ một chút nghỉ ngơi thôi sẽ bị rơi xuống dốc. Và học sinh ra sức học ngày học đêm, vừa ngủ vừa học, học cho mình học cả cho bố mẹ. Bố mẹ đã tốn bao nhiêu tiền vì mình giờ mình cần phải lấy lại tất cả.

Là sinh viên đại học

Thi tốt nghiệp cấp 3 là chuyện nhỏ thôi, trường nào mà chẳng đỗ 98%, cơ chế nó vậy bạn đừng lo lắng. Có lẽ trong suốt quá trình học 12 năm cộng thêm 4 năm mẫu giáo nữa thì bây giờ mới tìm thấy được học sinh giỏi thật sự nhưng giỏi chưa toàn diện.

Và các bậc phụ huynh cũng được nghỉ ngơi chút ít cùng với đồng tiền của mình vẫn còn ở trong tay. Vì để vào trường đại học danh tiếng như phụ huynh mong muốn thì tiền không thể giải ngân được ở đây mà chỉ là thực lực của con các vị mới có thể đem lại niềm vui cho các vị.

Khi vào được ĐH là về đích, là những khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá nhất đối với các cô cậu. Ai thích học thì học, không thích thì chơi, bố mẹ có mà trời quản mình. Đây cũng là môi trường chọn lọc để những ai học thuộc bài giỏi, ham học thì ở lại, còn ai mà chăm kiếm tiền, lười học, bỏ giờ học sẽ bị gửi về cho bố mẹ đào tạo lại. Ai muốn điểm cao mà không phải học lại nhờ bố mẹ bớt chút tiền mua mấy điểm cho đẹp bảng điểm ra trường dễ xin việc, lý do phù hợp vậy phụ huynh nào từ chối được.

Sinh viên nào tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trường tốt, tương lai đang mở rộng đón chào. Những bạn không có ai mời chào làm việc phải tự tìm kiếm việc hay bố mẹ một lần nữa mở hầu bao mời con vào làm việc trong cơ quan nhà nước hay tư nhân. Lúc này, tiền của các mẹ bỏ ra theo cấp số nhân và có mũ ở trên. Tất nhiên, con vào nhà nước rồi được ổn định an nhàn có tiền dư giả. Vòng tròn lại tiếp tục tới đời con.

Đây là nền giáo dục của nước ta, một nền giáo dục luôn được xem trọng trong lòng mỗi cá nhân chúng ta. Nhưng dường như các nhà hoạch định chỉ mới dạy chữ mà quên dạy con người ta phải tự vươn lên bằng bàn tay khối óc của mình, thích nghi với mọi hoàn cảnh, lao động và giúp đỡ mọi người, sống và làm việc hết mình, có tính tập thể, tự tin giải quyết trong công việc và cuộc sống, đối xử với nhau thân thiện, dùng tài năng của mình để cống hiến xây dựng đất nước…

Và đặc biệt phải giáo dục cho trẻ con biết loại bỏ những tiêu cực trong nhà trường thì mới có những thế hệ tiến bộ hơn so với bố mẹ chúng. Khi đó mới đào tạo ra được những đứa trẻ dám thẳng thắn đối mặt với những vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong xã hội chúng ta.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh: 'Mùng 3 tết thầy' ai còn nhớ?

Trước khi có ngày nhà giáo 20/11, người Việt đã coi mùng 3 tháng Giêng là một dịp quan trọng nhất để học trò đến thăm hỏi những người thầy từng dạy dỗ mình.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-de-lam-gi-20160203112711044.htm

Theo Phương Linh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm