Dương Anh Vũ (sinh năm 1988, Ninh Thuận) từng được ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) xác lập kỷ lục về trí nhớ. Chàng trai này nhớ 108 cột dữ liệu khác nhau về kinh tế, văn hóa, chính trị của 206 quốc gia trên thế giới với hơn 22.000 mục.
Nhưng điều khiến Dương Anh Vũ trở thành động lực của nhiều người đó là trước kia anh từng trượt tiểu học, học hệ bổ túc văn hóa.
'Học tập cần mẫn, chú tâm như người nông dân'
- Một năm sau khi đạt kỷ lục từ tổ chức Sách Kỷ lục Thái Lan, cuộc sống của bạn có gì thay đổi?
- Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng thú vị nhất là tôi thực sự sống với đam mê của mình là đi thuyết giảng và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tôi có cơ hội gặp gỡ, quen biết với nhiều người tri thức. Họ gián tiếp giúp tôi nhìn nhận ra nhiều vấn đề mấu chốt trong cuộc sống.
Nhưng một câu chuyện khiến tôi nhớ nhất là lần thuyết giảng tại trường liên cấp quốc tế tại Nha Trang, một phụ huynh nữ khoảng 50 tuổi đã xin chữ ký để làm bùa may mắn cho con đeo.
Nhiều ngày sau đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện của người mẹ này. Nó gợi cho tôi nhớ về quá khứ chất chứa đầy tình yêu thương của bố mẹ.
Dương Anh Vũ thuyết trình về trí nhớ cho học sinh. Ảnh: NVCC. |
Ngày xưa, do tôi học dốt quá nên có người mách bố mẹ nhiều cách để cải thiện tình hình, trong đó có cả những cách tâm linh như cúng ông Táo khai tâm. Tôi thấu hiểu đã làm cha, mẹ, thì tình yêu thương dành cho con cái không hề có giới hạn.
- Vũ cũng đã mở các lớp học về trí nhớ, đi giảng dạy nhiều nơi để truyền lửa đam mê. Bạn thấy người trẻ bây giờ có ưu thế và khuyết điểm gì?
- Giới trẻ hiện nay rất năng động, trẻ trung, sáng tạo và tiếp cận nhanh những cái mới. Nhưng họ có khuyết điểm là nếu gặp phải bối cảnh khắc nghiệt thì dễ chán nản, bỏ cuộc. Họ trẻ trung nên cái tôi cá nhân thường lớn, hay thể hiện, khó chấp nhận mình sai. Tuy có khả năng dễ tiếp cận những thông tin mới, nhưng họ thường yếu trong khâu chọn lựa thông tin nào thích hợp cho mình.
Nói về cách nhìn nhận cuộc sống của giới trẻ Việt, có thể chia ra làm 3 loại: Những người tích cực; Những người tiêu cực; Những người bàng quan. Dường như, số tiêu cực và bàng quan ngày càng tăng.
Tháng 9 vừa rồi, tôi về thuyết giảng tại một trường THPT ở Đồng Nai. Sau khi tôi kể về quá trình học tập dở tệ của mình, một nam sinh đứng lên đặt câu hỏi. Mọi người ồ lên và cười cợt vì thân hình béo mập của em. Em hỏi tôi, giọng run run: "Anh đã làm gì để có thể vượt qua những điều tồi tệ đó? Em đang gặp những điều tồi tệ như anh ngày xưa, anh hãy giúp em".
Rồi cậu bé bật khóc.
"Ngày còn nhỏ, Tết với tôi chỉ đơn giản là một ngày vui. Còn giờ Tết là ngày sum vầy bên gia đình sau cả năm trời biền biệt ở nơi xa".
Dương Anh Vũ
Toàn trường im lặng, tôi lại gần ôm lấy em. Tôi nghĩ nếu người trẻ gặp phải những khó khăn, bi kịch trong cuộc sống, họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu có ai đó cho họ những tấm chân tình và chia sẻ.
- Những nỗ lực bạn làm có phải để chứng minh người tài không phải chỉ có bẩm sinh mà hơn hết cần học hỏi và lao động?
- Bố tôi – người nông dân ít học - luôn dạy con phải học tập cần mẫn, chú tâm như một người nông dân. Tôi cũng khẳng định với các bạn rằng, những gì tôi có được ngày hôm nay là do mình đã “cần cù đúng phương pháp”, chứ chẳng có tài năng đặc biệt nào.
Điều vĩ đại
- Nếu có người cho rằng cứ chạy theo những kỷ lục là điều viển vông, bạn nghĩ sao?
- Thời đại học, tôi bị bạn bè đặt cho biệt danh “người trời”. Đúng là từ người bình thường muốn có trí nhớ tốt nhất thế giới không dễ. Nhưng tôi luôn nhìn về lịch sử để tạo niềm tin cho mình.
Trước thế kỷ 19, con người vẫn xem việc được bay trên trời là điều không thể của nhân loại. Nếu không có những người luôn cố gắng bám đuổi ước mơ như anh em nhà Wright thì sẽ chẳng bao giờ có những chiếc máy bay Airbus bay Boeing ngày nay.
Dương Anh Vũ có đam mê thuyết trình và giảng dạy. Ảnh: NVCC. |
Tôi luôn nghĩ bạn chỉ thực sự có những thành công vĩ đại khi dám trở thành kẻ điên rồ nhất thế kỷ. Tôi sẵn sàng trở thành một kẻ “điên” trong mắt người khác để nhận được dù chỉ 0,00000001% cơ hội trở thành người vĩ đại, còn hơn chấp nhận sống trong cái vỏ bọc hào nhoáng nhưng vô tích sự và tệ hại.
- Để duy trì trí nhớ của mình, bạn phải sinh hoạt khoa học như ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào, rèn luyện tư duy, cách đọc sách ra sao?
- Tôi không có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nào cụ thể dành cho việc rèn luyện trí nhớ cả. Việc lưu trữ thông tin vào bộ nhớ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Hãy luôn gắn dữ liệu mà mình cần nhớ vào những cảm xúc cao trào, vì chỉ có một thứ mà chúng ta sẽ không bao giờ quên được, đó là ký ức.
Công thức của ký ức là: Ký ức = dữ liệu + cảm xúc cao trào. Bạn học và nghiên cứu mà không có cảm xúc thì cho dù trước mặt có một đống phương pháp và tài liệu… cũng không có giá trị.
- Tưởng tượng nếu một ngày tỉnh dậy, mất sạch trí nhớ, chỉ còn giữ lại duy nhất một điều. Bạn mong muốn đó là điều gì?
- Nếu có ngày đó, tôi chỉ mong còn giữ lại những hình ảnh của gia đình mình và gương mặt người mẹ của những đứa con mình sau này.
- Những dự định trong năm 2016 của Vũ?
Tôi sẽ chú trọng việc liên kết với Đoàn, Hội sinh viên, CLB tại các trường đại học, cao đẳng và THPT tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng để tổ chức chương trình miễn phí có tên Thay đổi tư duy định hướng cuộc đời. Chương trình nhằm đào tạo kỹ năng ghi nhớ và học tập, truyền lửa cho học sinh.
Ngoài ra, tôi sẽ xác lập kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật với khả năng nhớ toàn bộ tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng tiếng Anh và ngôn ngữ quốc tế. Thời gian hoàn thành kỷ lục trên có thể kéo dài liên tục trong suốt 2 ngày.