Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giỏi hơn Anh, Mỹ nhưng VN vẫn phải nhập máy vợt muỗi

“Nước ta vô địch các kỳ thi Toán Quốc tế, tranh giải Robocon không chịu đứng thứ hai, phóng thành công cả vệ tinh mà vợt muỗi cũng phải đi nhập. Máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu thì người nông dân chế tạo” là ý kiến của độc giả sau bảng xếp hạng PISA.

Học sinh Việt Nam giỏi hơn Mỹ, Anh

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được công bố ngày 3/12, trình độ Toán học của học sinh Việt Nam đứng thứ 17 thế giới, cao hơn nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ.

Bất ngờ vì kết quả vượt trội 

Lần đầu tiên Việt Nam tham gia sân thi toàn cầu về xếp hạng giáo dục theo một chương trình khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Kết quả xếp hạng 17/65 khiến các nhà quản lý giáo dục và nhiều độc giả bất ngờ bên cạnh niềm tự hào.

PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia. Qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Sau khi công bố kết quả chương trình OECD, Việt Nam vượt qua rất nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…

Điểm số của học sinh Việt Nam ở cả ba lĩnh vực Toán học, đọc hiểu và khoa học đều cao hơn Anh, Pháp, Mỹ. (Nguồn: OECD)

Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta hiện nay có quá nhiều vấn đề bất cập như học thêm dạy thêm tràn lan, chạy theo thành tích, loạn sách giáo khoa thì nhiều người tỏ ra băn khoăn với kết quả này.

Thành viên Min Xù bình luận: “Nước Việt Nam thu nhập bình quân đầu người thuộc dạng thấp so với thế giới, kinh tế đang trên đà phát triển, nền giáo dục bị chê là có nhiều khuyết điểm, kết quả này hết sức bất ngờ”.

“Tôi bất ngờ vì học sinh Việt Nam quá giỏi trên bảng xếp hạng nhưng hãy nhìn thực tế là những vụ lùm xùm như vụ Đồi Ngô thì biết”, Vương Minh chỉ ra "lỗ hổng" giáo dục.

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đã chia sẻ sự bất ngờ khi trả lời báo chí: “Mang quân đi đọ với thế giới, tôi cũng lo, nên có kết quả tôi rất bất ngờ, nó mang thêm niềm tin. Trước đó nhiều người băn khoăn tại sao Việt Nam dám tham gia, nhưng lúc bấy giờ Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân quyết định tham gia, và không ru ngủ mình nữa. Chất lượng khá rồi, sắp tới phải đổi mới mạnh hơn. Nội dung xoáy vào làm sao để con người phát triển tốt hơn, tăng cường giáo dục đạo đức lý tưởng, khoa học xã hội nhân văn, kỹ năng sống”.

Phía sau bảng xếp hạng

Học sinh Việt Nam được đánh giá quá cao trong chương trình PISA không khỏi làm nhiều người ngỡ ngàng và muốn đặt lại vấn đề mặt bằng chung của giáo dục hiện nay. Vấn đề được đặt ra là trên bảng xếp hạng, Việt Nam đứng thứ cao nhưng đầu ra của sinh viên Việt Nam đứng ở đâu, đã làm được những gì cho thực tế. 

“Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi vì sao giỏi mà vẫn nghèo" là ý kiến của độc giả Harry Yame về kết quả của chương trình PISA được nhiều người ủng hộ.

Độc giả Lê Hoài Linh đặt ra câu hỏi: “Học sinh học giỏi nhưng Việt Nam là một trong những nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Lỗi tại ai?".

Bạn Thành Hưng chia sẻ quan niệm cá nhân: “Tôi nghĩ vấn đề cơ bản ở đây là thời học sinh các em được nhồi nhét quá nhiều, có thể các em nhớ bài học một cách máy móc, nên vẫn làm được bài. Nhưng điều quan trọng là các em không có hứng thú để học và cũng không biết học cái đó để ứng dụng vào đời sống".

“Nên đừng nhìn vào cái bảng xếp hạng mà vui mừng quá sớm. Hãy thấy buồn vì tại sao một giai đoạn trong khâu làm ra sản phẩm đã tốt hơn nhiều nước, mà sản phẩm cuối cùng lại chả ra sao”, Thành Hưng chia sẻ ý kiến đáng suy ngẫm.

Bạn Lê Vũ chỉ ra thực tế: “Nước ta vô địch các kỳ thi Toán Quốc tế, tranh giải Robocon không chịu đứng thứ hai, phóng thành công cả vệ tinh mà... vợt muỗi cũng phải đi nhập. Máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu thì người nông dân chế tạo”.

Trong khi đó, GS. Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa) lý giải về bảng xếp hạng: "Khi chúng ta tham gia đánh giá của PISA thì CHLB Đức là nước sáng tạo ra PISA nhưng cuối cùng thua mấy nước Bắc Âu và người ta tìm nguyên nhân vì sao? Cũng theo đó, phải chăng chúng ta không phân luồng sớm, học liền một mạch từ mẫu giáo tới lớp 9, nên tri thức đại cương bậc cơ sở trọn vẹn hơn.

Nếu chúng ta phân luồng sớm thì có lẽ kết quả đã khác. Nếu đánh giá của PISA Việt Nam đứng tốp đầu tôi cho là đáng mừng, vì PISA được rất nhiều nước đánh giá là chuẩn. Chuẩn ở mọi khía cạnh năng lực của học sinh khi học ở bậc học giáo dục cơ bản".

Trung Quốc gian lận trong khảo sát giáo dục PISA?

Tờ Time ngày 4/12 đưa tin Trung Quốc có dấu hiệu gian lận trong cuộc khảo sát giáo dục PISA do OECD tổ chức. Tờ này cho rằng Bắc Kinh cần cung cấp dữ liệu đầy đủ của cả nước để phục vụ cho việc nghiên cứu thay vì gửi kết quả học tập của nhóm nhỏ học sinh ưu tú.

 

Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm