Trong cuốn Someday You'll Thank Me for This, tác giả Marc Gellman (Mỹ) đưa ra một thực tế là cha mẹ và con cái thường hiếm khi tìm được tiếng nói chung hàng ngày. Tuy nhiên, khi trở thành cha mẹ, họ lại nhận ra những lời lẽ từng nghe trở nên có lý và theo một cách tự nhiên, họ cũng sử dụng những “ngôn ngữ” đó với con cái của mình.
Ngoài ra, khái niệm về tình yêu, tình thương của mỗi người phát triển tùy theo mỗi giai đoạn trong đời và những trải nghiệm khác nhau, theo Parents. Trong đó, việc lập gia đình, sinh con là “chất xúc tác” để các cặp vợ chồng hiểu những gì bậc sinh thành từng trải qua.
Trong Ngày Gia đình Việt Nam, 3 cặp vợ chồng nói về những điều họ chỉ nhận ra sau khi đã làm cha mẹ.
Từ thích tự do đến muốn quây quần bên gia đình
Hoàng Minh, Khánh Hà - TP.HCM
Cha mẹ: 29 và 27 tuổi
Ông bà: 65 và 63 tuổi
Con gái: Lạc An (biệt danh Bánh Dày, 1 tuổi)
Tình trạng: Sống riêng, gần nhà ông bà
Từ khi có con, chúng tôi thấy mình thay đổi khá nhiều, trở thành phiên bản tốt hơn trước đây.
Đầu tháng 6, khi con gái tròn một tuổi, nhìn lại cả hành trình nuôi con với nhiều khó khăn, tôi thầm biết ơn ông bà nội, bà ngoại đã trở thành chỗ dựa lớn nhất về tinh thần và sức khỏe.
Hai tuần sau sinh, vợ tôi liên tục bị tắc tia sữa và sốt cao. Sang tuần thứ ba, khi vợ bị băng huyết phải nhập viện, tôi càng thêm cảm phục những hy sinh, vất vả của mẹ, của vợ và tất cả những bà mẹ khác.
Giai đoạn đầu khi cả nhà vẫn loay hoay tìm cách thích hợp để nuôi Bánh Dày, ông bà từng nói rằng: “Ba mẹ đã thuộc thế hệ trước, cách nuôi dạy con cũng cũ rồi nên bây giờ sẽ học lại từ đầu những phương pháp mới để cùng chăm sóc em bé”.
Lúc nghe ông bà nói vậy, cả tôi và vợ đều rất cảm động. Ba mẹ khuyến khích chúng tôi chủ động chọn cách nuôi dạy con cái và tôn trọng các quyết định đó.
Để giúp các con vừa đảm bảo công việc bên ngoài, vừa có thời gian riêng cho nhau, ba mẹ san sẻ cùng việc chăm cháu.
Trước đây, khi chưa lập gia đình, tôi là người thích tự do, đi du lịch, khám phá đây đó. Có con rồi mới thấy thời gian vui vẻ nhất là lúc quây quần bên cả nhà. Tôi càng thêm trân quý từng phút giây ấm cúng được ở bên ba mẹ.
Ngày trước, tôi cũng từng nghe “sau này có con rồi con sẽ hiểu”. Mấy từ đơn giản nhưng phải mất cả quá trình dài tôi mới thấm được ý nghĩa.
Hiểu muôn vàn nỗi lo khi làm mẹ
Thổ Phú, Trinh Hồ - TP.HCM
Cha mẹ: 23 và 24 tuổi
Ông bà: 52 và 41 tuổi
Con gái: Linh Đan (biệt danh Bơ, 7 tháng tuổi)
Tình trạng: Sống cùng gia đình nhà ngoại
Từ ngày có con, tôi thấy mình như đi "học" thêm lần nữa. Bé Bơ trộm vía khá dễ tính, ăn ngủ, sinh hoạt đều rất ngoan.
Con đến tuổi ăn dặm, hàng ngày tôi phải dậy sớm nấu nướng, cân đo đong đếm từng loại thực phẩm để bữa ăn vừa ngon miệng, vừa đủ chất. Những lúc con bệnh, không chịu ngủ đúng giờ, tôi lên mạng tìm đủ mọi cách, đôi khi khá bất lực.
Điều này làm tôi nhớ lại những câu chuyện mẹ hay kể hồi nhỏ, lúc tôi mới biết ăn ra sao, tập đi thế nào. Khi đó, tôi mới càng thêm hiểu sự kiên nhẫn mà ba mẹ dành cho mình và thương ông bà của Bơ nhiều hơn.
Tôi lập gia đình khá sớm và may mắn có ba mẹ luôn đồng hành. Sợ con gái vất vả, mẹ tôi dù đã lớn tuổi và mắc chứng đau lưng nhưng luôn tranh phụ bế cháu.
Ba mẹ cho chúng tôi nhiều lời khuyên hữu ích, nhất là về chuyện tài chính và quản lý chi tiêu. Việc nuôi con của chúng tôi nhờ đó “dễ thở” hơn phần nào.
Nhớ lại hồi nhỏ, có lúc tôi từng nghĩ “Ba mẹ chẳng hiểu cho mình”. Có thể là do chênh lệch về tuổi tác, thế hệ nên đôi khi tôi và ba mẹ hay có những bất đồng trong cuộc sống.
Nhưng đến khi lập gia đình và có con, tự mình trải qua những khó khăn đó, tôi mới dần hiểu. Làm cha mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng.
Học cách nuôi con từ ông bà
Ngọc Duy, Kim Oanh - Hà Nội
Cha mẹ: Cùng 26 tuổi
Ông bà: 58 và 52 tuổi
Con gái: Minh Đức (biệt danh Pip, 13 tháng tuổi)
Tình trạng: Sống riêng
Khi mới lập gia đình vào năm 2021, cuộc sống của hai vợ chồng còn rất “dễ thở”. Sống chung với bố mẹ, ngoài được bao ăn, ở, chúng tôi còn thỉnh thoảng còn được cho thêm tiền tiêu vặt. Chồng tôi trước giờ quen sống thoải mái, chưa phải bận tâm nhiều chuyện chi tiêu.
Đến khi chuẩn bị sinh con và dọn ra ở riêng, hai đứa mới bắt đầu đối mặt với vất vả vì lần đầu phải tự chu toàn cho cuộc sống gia đình, công việc, thu nhập.
Chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi lo nghĩ nhiều hơn và không ít lần thấy chênh vênh, đau đầu chuyện tài chính. Đến lúc con nhỏ ra đời, vì chọn nuôi bằng sữa ngoài thay vì sữa mẹ, số tiền bỏ ra cũng tốn kém hơn.
Học theo cha mẹ, tôi áp dụng cách vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn với con, chiều chuộng trong giới hạn - điều mà ngày bé tôi vẫn nghĩ là phụ huynh nghiêm khắc, kiểm soát thái quá.
Nuôi con, tôi dần nhận ra việc làm cha mẹ không dễ như tưởng tượng, nhất là với phụ nữ. Nếu chồng và ông bà hai bên không phụ giúp, chuyện vừa đảm bảo đi làm kiếm tiền, vừa chăm sóc con chu đáo chắc chắn kiệt sức.
Chăm sóc một bé, vợ chồng đã không tránh khỏi nhiều lần than mệt, thấy nản. Trong khi đó, tôi vốn sinh ra trong gia đình đông anh, chị, em, đồng nghĩa với bố mẹ phải vất vả gấp nhiều lần để lo cho tất cả.
Ông bà hai bên cũng không đặt áp lực chuyện con cái phải chu cấp hàng tháng. Tuy vậy, trước khi có con, hàng tháng tôi thường trích một khoản để gửi bố, mẹ hai bên.
Nhiều khi biếu tiền, ông bà còn không nhận, tôi chuyển sang mua tặng quần áo, đồ dùng trong nhà, như món quà tinh thần cho hai bên cùng vui.
Hai vợ chồng thống nhất phương án sắp xếp hôm ăn ở dưới nội, hôm khác ghé qua nhà ngoại để ông bà chơi với cháu. Có con rồi mới hiểu mình học được biết bao điều từ cách cha mẹ, nhưng điều trước đó mình từng coi nhẹ.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non; Cả tuần đều ngoan; Ở trường cô dạy em thế; Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội; Theo cánh đu bay…