Giới trẻ có những quan điểm riêng về việc xây dựng sự nghiệp và lối sống cá nhân. |
Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012) thường bị rập khuôn vào những suy nghĩ như lười biếng, chưa trưởng thành, sống cùng cha mẹ và chi tiêu vô độ. Nhiều cuộc thăm dò đã được sử dụng để chứng minh cho định kiến trên, Fortune đưa tin.
Pew, một trong những tổ chức nghiên cứu lâu đời nhất của Mỹ, cho biết sẽ không cung cấp thêm bất kỳ khảo sát nào liên quan đến 2 nhóm nhân khẩu học này.
Đại diện Pew nói rằng không muốn đưa vấn đề thế hệ vào những nghiên cứu nhằm làm nổi bật lối sống của các nhóm tuổi khác nhau.
“Các thống kê mới sẽ không sử dụng lăng kính thế hệ”, Kim Parker, Giám đốc của Pew, chia sẻ.
Định kiến
Khi trào lưu nhảy việc bùng nổ, một báo cáo của Gallup nhận xét Millennials là không trung thành. Tuy nhiên, trước đây, chính Pew cũng tuyên bố thế hệ tiền nhiệm của Millennials chuyển đổi chỗ làm với tần suất tương tự.
Trước đó, Millennials từng bị gọi là “thế hệ bánh mì nướng bơ”, bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn vào năm 2017, khi một tỷ phú cho rằng những người trẻ tuổi nên cắt giảm chi phí thực phẩm để có thể mua nhà mới.
Theo Fortune, khuôn mẫu đó là sự đơn giản hóa quá mức đối với hành vi chi tiêu của cả thế hệ. Đồng thời, nó thúc đẩy quan điểm rằng bất kỳ khó khăn tài chính nào của Millennials đều do kém may mắn về kinh tế hay lười biếng so với những người đi trước.
Gen Z và Millennials thường được cho là có thói quen chi tiêu xa xỉ, tốn kém vào những thứ phù phiếm, nhiều khảo sát làm ra để ủng hộ quan điểm này. Ảnh: Insider. |
Các chuyên gia của Pew quyết định thay đổi vì không còn muốn so sánh khập khiễng giữa các nhóm nhân khẩu học.
Chẳng hạn, so sánh thói quen của Gen Z (từ 11 đến 26 tuổi) với Millennials (từ 27 đến 42 tuổi) là không công bằng. Hai nhóm tuổi này có thể ở những giai đoạn rất khác nhau trong cuộc đời của họ.
Ngoài ra, việc nghiên cứu dựa trên nhiều nhóm tuổi có thể dẫn đến những kết luận không phải lúc nào cũng đúng với trải nghiệm của số đông, ngay cả khi họ thuộc nhóm Millennial hay Gen Z trên giấy tờ.
Gỡ mác thế hệ
Philip Cohen, nhà xã hội học tại Đại học Maryland, là một trong những người nổi bật nhất trong việc chống lại các nhãn dán thế hệ.
Vào năm 2021, ông đã kêu gọi tổ chức Pew xem xét việc từ lại các khái niệm như Gen X, Millennials và Gen Z.
“Ngoại trừ Baby Boomer (thế hệ sinh từ năm 1946 đến 1964), là một nhân khẩu học riêng biệt, các thế hệ khác đã được đặt tên không có cơ sở. Phần lớn không thể xác định được 'thế hệ' mà họ thuộc về”, Cohen cho hay.
Một số tổ chức khác cũng đồng ý với quan điểm này. Theo một cuộc thăm dò của YouGov vào năm 2021 được thực hiện bởi The Atlantic, các chuyên gia phát hiện chỉ 39% số người được hỏi thuộc Gen Z cảm thấy họ liên quan đến nhãn dán thế hệ.
Không ít chuyên gia đang kêu gọi xem lại các định kiến xoay quanh thế hệ. Ảnh: Pexels. |
Sự phản đối liên quan đến định kiến thế hệ đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Không ít nhân sự Gen Z đã bác bỏ ý kiến cho rằng họ lười biếng, kém trung thành với doanh nghiệp chỉ bởi vì quan điểm khác về sự linh hoạt, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Đầu năm 2023, ngay cả công ty tư vấn kinh doanh McKinsey cũng nhận định nghiên cứu tập trung vào các thế hệ có thể khiến mọi người nhầm lẫn về quan điểm cá nhân và cảnh báo không nên coi cách tiếp cận này là chân lý và luôn luôn chính xác.
Kim Parker, Giám đốc của Pew, cũng thừa nhận những hạn chế của họ trong việc phân tích, theo Washington Post.
Nhưng bà vẫn nói thêm đôi khi những nghiên cứu này vẫn hữu ích để hiểu dư luận và các phản ứng với những trải nghiệm khác nhau.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.