Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất 30.000 USD vì cài app mua sắm giả

Sau khi cài đặt ứng dụng lạ trên mạng, Zheng (30 tuổi), nhân viên văn phòng, mất ngay 30.000 USD trong tài khoản.

Những tên tội phạm thường nhắm vào nạn nhân nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản.

Zheng cho biết sự việc xảy ra vào ngày 21/5, khi đó, cô đang xem quảng cáo về một nền tảng bán lẻ trên Instagram. Nội dung bài viết ghi rằng khách hàng thực hiện bất kỳ giao dịch mua sắm nào bằng phần mềm của họ sẽ nhận được một máy xay sinh tố miễn phí trị giá 80 USD, Asia One đưa tin.

Bị hấp dẫn bởi lời đề nghị, Zheng ngay lập tức ấn vào liên kết tải xuống. Sau đó 4 ngày, người phụ nữ đặt mua một số loại trái cây và rau quả trên ứng dụng này, tổng cộng hết 30 USD.

Khi chuẩn bị liên kết thẻ ngân hàng vào app thanh toán, Zheng nhận được thông báo lỗi.

Nữ nhân viên văn phòng đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng qua WhatsApp để tìm kiếm sự trợ giúp và được yêu cầu thử thêm vài lần nữa.

Trong lần đăng nhập thứ hai, điện thoại của cô bỗng dưng tự động tắt. Khi thiết bị khởi động lại, Zheng nhận ra nó đang bị điều khiển từ xa bởi người khác.

"Tôi thấy giao diện màn hình trượt sang trái và phải, nên đã cố gắng gọi cho ngân hàng nhưng nhanh chóng bị ngắt kết nối. Tôi cũng không thể dừng ủy quyền thanh toán hoặc chấm dứt giao dịch", cô kể.

Trong 20 phút tiếp theo, Zheng kinh hoàng chứng kiến ​​những kẻ lừa đảo thực hiện 6 lần chuyển tiền từ tài khoản của cô, mỗi đợt lấy khoảng 5.000 USD. Zheng ước tính mình mất gần 29.877 USD.

lua dao qua dien thoai anh 1

Nhiều chiêu trò lừa đảo đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc. Ảnh: Alphr.

Cô sử dụng một điện thoại khác của gia đình để liên lạc với ngân hàng và cảnh sát. Sau khi xem xét tình hình, các điều tra viên xác định Zheng đã bị lừa tiền. Đây là chiêu trò chiếm đoạt tài sản rất tinh vi đang diễn ra tràn lan tại đất nước tỷ dân.

Vào tháng 2/2023, các ngân hàng đã cảnh báo khách hàng về phần mềm độc hại trên thiết bị di động dùng hệ điều hành Android. Nó có thể bị ẩn trong các ứng dụng thông qua cửa hàng Google Play hoặc bài đăng trên mạng xã hội.

Ngay khi tiếp cận “con mồi”, những tên tội phạm sẽ chiếm quyền kiểm soát điện thoại trái phép, điều khiển mọi thao tác theo ý chúng để đánh cắp thông tin nhạy cảm hoặc phê duyệt chuyển tiền.

Để tránh rơi vào bẫy, các chuyên gia tài chính khuyên mọi người thận trọng với các tệp đính kèm, mã QR hoặc đường link dẫn đến nền tảng trực tuyến qua email, tin nhắn.

Ngoài ra, khi cần tải ứng dụng, người dùng chỉ nên tìm kiếm thông tin từ Apple App Store và Google Play Store chính thức. Tránh bẻ khóa hoặc root thiết bị, vì điều này có thể khiến điện thoại dễ trở thành mục tiêu cho các mã độc hại xâm nhập.

Bên cạnh ứng dụng giả, lừa đảo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Theo đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng công nghệ deepfake để bắt chước khuôn mặt, giọng nói của người khác và để thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản.

Theo Sixth Tone, số lượng các vụ lừa đảo tăng lên khiến người dân e ngại. Họ lo rằng trí tuệ nhân tạo sẽ bị sử dụng sai mục đích cho những hành vi xấu, đặc biệt trong thời điểm AI đang là từ khóa phổ biến kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Bị bạn trai giả đại gia, lừa tình kiểu 'chăn lợn' ở Trung Quốc

Những vụ lừa đảo theo kiểu "chăn lợn" đang lan rộng trên khắp Trung Quốc. Theo một khảo sát, các chuyên gia nhận thấy 70% nạn nhân là phụ nữ.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm