Học viên ngành năng lượng nguyên tử có nhiều cơ hội được học tập tại nước ngoài. Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, năm 2014, 70 chỉ tiêu học bổng đi học toàn khóa tại Liên bang Nga.
Chọn nghề là một trong những quan tâm hàng đầu của học sinh lớp 12. Ảnh: Hoàng Hà. |
5 trường đào tạo
Hiện nay, 5 trường đào tạo ngành năng lượng nguyên tử (gần 300 chỉ tiêu năm 2014). Đó là Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Đà Lạt, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Điện lực.
Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay tuyển sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Kỹ thuật. Năm ngoái, trường tuyển 160 chỉ tiêu khối A, A1 hai chuyên ngành trên, điểm chuẩn là 20.
Năm 2015, Đại học Đà Lạt dự kiến tuyển sinh hai chuyên ngành Kỹ thuật Hạt nhân (hệ kỹ sư) và Vật lý Hạt nhân (hệ cử nhân). Năm ngoái, trường này tuyển 40 chỉ tiêu khối A, A1 ngành Kỹ thuật Hạt nhân. Điểm trúng tuyển 22, cao nhất trong tất cả các ngành đào tạo của Đại học Đà Lạt.
Năm 2015, Đại học Điện Lực xét tuyển 3 khối thi A, A1 và A2 (Toán, Hóa, Anh) đối với ngành Điện hạt nhân. Năm trước, Đại học Điện lực tuyển 60 chỉ tiêu ngành Điện hạt nhân khối A, A1. 30 sinh viên điểm cao được cấp học bổng và miễn phí chỗ ở trong ký túc xá. Điểm chuẩn năm 2014 là 19.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 60 chỉ tiêu khối A, A1 ngành Công nghệ Hạt nhân. Điểm chuẩn năm 2014 là 22.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) tuyển 50 chỉ tiêu khối A ngành Kỹ thuật Hạt nhân, với các chuyên ngành: Kỹ thuật Hạt nhân, Năng lượng và Điện hạt nhân, Vật lý Y khoa. Điểm chuẩn của ngành này là 23.
Nhiều cơ hội
Theo đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (gọi tắt đề án 1558), đến năm 2015, mỗi năm, các trường đào tạo 240 kỹ sư, cử nhân; 35 thạc sĩ, tiến sĩ (trong đó đào tạo tại nước ngoài 20 kỹ sư, cử nhân; 15 thạc sĩ, tiến sĩ).
Đến năm 2020 đào tạo 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân (trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sĩ và tiến sĩ đào tạo tại nước ngoài).
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.
Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử: Mỗi năm đào tạo 65 kỹ sư, cử nhân; 35 thạc sĩ, tiến sĩ (trong đó đào tạo tại nước ngoài 30 kỹ sư, cử nhân; 17 thạc sĩ, tiến sĩ).
Đến năm 2020 đào tạo được 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (trong đó, 150 kỹ sư, 100 thạc sĩ và tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài).
Từ khóa tuyển sinh năm 2015, sinh viên trúng tuyển ngành hạt nhân sẽ được hưởng mọi quyền lợi của người học ngành hạt nhân theo Nghị định của Thủ tướng chính phủ số 124/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/10/2013.
Từ năm 2015 đến 2020, các trường sẽ tuyển sinh và đào tạo khoảng 30 sinh viên/năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho Nhà máy điện Ninh Thuận.