Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học ngành Nhân học ở đâu?

Cơ hội việc làm đối với cử nhân ngành Nhân học tại Việt Nam rất đa dạng. Họ có thể ứng tuyển vào cơ quan nhà nước, truyền thông, tổ chức phi chính phủ hoặc các công ty.

Theo nội dung đào tạo ngành Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhân học là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về con người trong mối quan hệ cộng đồng của nó trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa.

Ngành này xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 19 nhưng mới được giảng dạy tại Việt Nam từ năm 2003 và chính thức được đưa vào danh mục mã ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT từ năm 2009.

Thí sinh có thể học ngành Nhân học tại ba cơ sở đào tạo ở Việt Nam.

Ngành Nhân học nghiên cứu về con người

Hiện tại, ngành Nhân học được đào tạo tại 3 cơ sở là bộ môn Nhân học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Nhân học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM và Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Bộ môn Nhân học thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất ở Việt Nam triển khai đào tạo ngành Nhân học một cách hệ thống từ cử nhân đến bậc tiến sĩ.

Ngành Nhân học ở Việt Nam được phát triển từ chuyên ngành Dân tộc học thuộc ngành Lịch sử. Ngành này nghiên cứu một cách toàn diện về con người trên các địa bàn đa dạng, từ cộng đồng nông dân, nông thôn đến đô thị, kết nối các khía cạnh sinh học với văn hóa, kinh tế, xã hội ở hiện tại, quá khứ. 

Trường đào tạo sinh viên theo cả hai mục đích nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn.

Tuyển sinh

Năm 2015, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh dựa trên kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực. Ngành Nhân học tuyển 60 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển là 83.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM tuyển sinh ngành Nhân học với 3 tổ hợp môn thi của kỳ thi THPT quốc gia: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; Ngữ văn, Toán, tiếng Anh; Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh. Điểm chuẩn lần lượt là 21,25; 19,5 và 19,5.

Cơ hội việc làm 

Nhân học là ngành lạ đối với học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Vì thế, nhiều người không hiểu rõ và lo sợ cử nhân ngành này khó tìm việc làm. 

Tuy nhiên, các giáo sư, tiến sĩ là thành viên trong Hội đồng Khoa học đào tạo của Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định, trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong hai thập kỷ gần đây, nhu cầu tuyển dụng chuyên gia về Nhân học phục vụ trong các tổ chức, ngành nghề ngày càng nhiều. 

Cử nhân ngành này có thể ứng tuyển vào Ngân hàng Thế giới, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, phục vụ các chương trình tài trợ, đầu tư phát triển. Họ cũng có thể tham gia vào khâu thiết kế dự án, khảo sát các vấn đề liên quan đến hoạt động của con người về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành này rất đa dạng, từ cơ quan nhà nước, truyền thông đến các viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ. Những vị trí quản trị nhân sự, quản trị văn phòng tại các công ty hay sĩ quan quân đội, cán bộ chuyên trách về vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng có nhu cầu tuyển dụng cử nhân ngành Nhân học.

Chọn ngành học qua số liệu... thất nghiệp

Tham khảo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh những ngành học đang thừa nhân lực.

Ngành quản lý các chuyến bay hấp dẫn thế nào?

Sinh viên học ngành Quản lý hoạt động bay bậc đại học chính quy tại Học viện Hàng không Việt Nam từ 4 đến 5 năm. Năm 2015, điểm trúng tuyển của ngành này là 22,25 điểm.



Nguyễn Sương tổng hợp

Bạn có thể quan tâm