TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, cho rằng cơ chế tài chính trong giáo dục đại học hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, chi phí đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay vẫn ở mức thấp.
Theo TS Minh, các trường đại học trên thế giới có nhiều nguồn thu tài chính, bao gồm học phí, nguồn tài trợ từ chính phủ, nguồn tài trợ từ các cá nhân - tổ chức, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học. Nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 20-30%.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn thu tài chính của các trường đại học lại đa phần đến từ học phí, chiếm tới 70-80%. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc học phí tăng thời gian gần đây.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên nhân khiến các trường tăng học phí xuất phát từ việc khi chuyển sang tự chủ, các trường đại học cần tính toán sao cho nguồn thu đủ để duy trì hoạt động, phục vụ việc giảng dạy và đào tạo, nghiên cứu khoa học, cải thiện cơ sở vật chất.
Chi phí tăng, người học hoàn toàn có thể trông đợi chất lượng đào tạo tăng theo. Ảnh: Duy Hiệu. |
Căn cứ đưa ra mức học phí
Theo TS Hạ, để đưa ra mức học phí như hiện tại, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn căn cứ vào từng nhóm ngành, tạm thời chia thành 3 nhóm: Nhóm ngành có nhu cầu cao, nhóm ngành có nhu cầu vừa phải và nhóm ngành có nhu cầu thấp.
“Nhóm ngành có nhu cầu cao thường là các nhóm ngành 'hot' của trường, cơ hội việc làm lớn, học phí sẽ cao hơn so với những nhóm ngành khác”, TS Phạm Tấn Hạ cho biết.
Vị phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định mỗi trường có cách tính học phí riêng. Trước khi đưa ra thông báo về học phí, các trường đều cân nhắc kỹ càng, bởi việc tăng học phí có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh.
Chia sẻ quan điểm, TS Đàm Quang Minh nhận định khi các trường đại học chuyển sang tự chủ, việc tăng học phí là bắt buộc để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, không có công thức chung, mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ có căn cứ riêng để xác định mức học phí.
Theo ông Minh, cơ sở giáo dục đại học tự chủ có quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Vì vậy, cá nhân, tổ chức cần tôn trọng và bảo đảm quyền trên. Ông Minh cho rằng nếu không vi phạm pháp luật, không thể đưa ra yêu cầu các trường giải trình về căn cứ tính học phí, nhất là khi đưa ra mức học phí cao.
“Học phí cũng mang yếu tố thị trường cung - cầu. Nhà trường căn cứ vào đánh giá để đưa ra mức học phí phù hợp, miễn là người học chấp nhận mức giá này”, TS Minh đưa ra quan điểm.
Tuy nhiên, học phí tăng cao đặt ra yêu cầu về vai trò điều phối của Nhà nước trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, nhất là với sinh viên nghèo. Nếu Nhà nước điều phối không tốt, dễ dẫn đến bất công, sinh viên nghèo hẹp cánh cửa vào đại học.
Cùng quan điểm, TS Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Giáo dục, cho rằng chúng ta không nên định kiến với việc tăng học phí, cần đặt việc này trong hoàn cảnh cụ thể từng trường.
Mỗi trường xác định mức học phí tùy theo nhu cầu, dựa trên các yếu tố như mục đích đào tạo, sự tồn tại, phát triển, ý nguyện sinh viên, chương trình học, đội ngũ giảng dạy, chi phí cơ sở vật chất…
“Đây là vấn đề thuộc về tính tự chủ, tự chủ đi kèm với tự lập và chịu trách nhiệm. Các trường không thể đưa ra công thức chung cho việc tăng học phí”, vị tiến sĩ nhận định.
Trông đợi chất lượng giáo dục tăng
TS Cù Văn Trung khẳng định các trường đại học chuyển dần sang cơ chế tự chủ là một xu thế tất yếu, thậm chí là yêu cầu bắt buộc của xã hội hiện đại.
Khi chuyển sang tự chủ, các trường sẽ bộc lộ được chất lượng giáo dục. Nhiều đơn vị sẽ khẳng định được vị thế, uy tín và chất lượng giáo dục của mình. Ngược lại, không ít trường tỏ ra chậm chạp, trì hoãn trong đổi mới tư duy, nhận thức, hành động.
TS Trung cho rằng khi tăng học phí do tính chất tự chủ của đại học, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi chất lượng giáo dục tăng lên. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng rằng tăng học phí, chất lượng giáo dục phải tăng ngay.
“Đây là quá trình phải bỏ công, gieo hạt, chăm bẵm, mới nhận được trái ngọt. Theo tôi, chúng ta cần đồng hành cùng nhà trường trong việc tạo ra chất lượng cho sinh viên”, ông Trung đặt vấn đề.
Ngoài ra, ông Trung cũng đưa ra quan điểm việc học phí tăng cần có lộ trình, công khai, minh bạch, thậm chí cần được giải thích gần gũi với sinh viên và phụ huynh. Những biểu hiện áp đặt chính sách học phí, tăng “đột biến” không khoa học, không rõ ràng rất dễ phản tác dụng, khó đưa giáo dục đại học đi được chặng đường dài.
Cùng quan điểm, TS Đàm Quang Minh khẳng định không có chất lượng tốt nếu giá thành thấp. Tuy nhiên, khi giá thành cao, nhà trường không thể nói trước chất lượng có tốt hay không bởi việc thay đổi chất lượng giáo dục là một quá trình.
“Các trường không thể cam kết ngay lập tức chất lượng sẽ tăng song hành cùng học phí. Khi học phí tăng gấp đôi, chất lượng đào tạo tăng gấp đôi là điều khó nói vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, việc đo đếm ngay là bất khả thi”, TS Minh nhận định.
Ngoài ra, ông Minh cũng đặt ra vấn đề về kiểm định chất lượng đào tạo bên trong nhà trường. Chất lượng được kiểm định là minh chứng cho việc đào tạo có tốt hay không.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, xác định việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội là vấn đề cốt lõi. Vì vậy, học phí tăng hay giữ nguyên, chênh lệch giữa các ngành, chất lượng đào tạo vẫn đảm bảo.
“Chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu, quyết định sự tồn tại của một cơ sở giáo dục đại học”, vị phó hiệu trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng không thể đòi hỏi học phí tăng gấp đôi, đồng nghĩa với chất lượng tăng gấp đôi. Chung quan điểm với TS Minh, ông Hạ nhận định chất lượng đào tạo là cả quá trình, thay đổi từ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá, kiểm định chất lượng.
Theo ông Hạ, phải mất ít nhất 4 năm, khi một khóa sinh viên tốt nghiệp, nhà trường mới đánh giá được chất lượng đào tạo của khóa đó.
Vị phó hiệu trưởng chia sẻ khi tăng học phí, ngoài chất lượng đào tạo, thời gian tới, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, sẽ cải thiện cách làm việc với sinh viên. Sinh viên được tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình học tập.
Trước đây, trường triển khai công việc này ở mức độ vừa phải, bây giờ, trường sẽ làm chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư, phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.
“Chúng ta cần thời gian để người học cảm nhận được có sự thay đổi chất lượng theo từng năm, từng khóa”, ông Hạ nói.