Mức thu học phí đối với sinh viên chính quy trình độ đại học (khóa tuyển sinh năm 2022) được ĐH Luật TP.HCM đưa ra cao hơn trước rất nhiều:
Đọc thông báo về học phí của ĐH Luật TP.HCM, Trịnh Thị Yến Vy (học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước) bất ngờ vì không nghĩ trường sẽ tăng học phí cao như vậy.
"Em lựa chọn học ngành Luật (hệ đại trà) của ĐH Luật TP.HCM. Năm học 2021-2022, ngành học này có mức thu là 18 triệu đồng/sinh viên. Năm nay, học phí lên hơn 31 triệu đồng. Theo lộ trình tăng học phí, khi học ngành này, đến năm 2025-2026, em sẽ phải đóng hơn 44 triệu đồng. Em thấy rất hoang mang", Yến Vy nói.
Đi làm thêm trong hè để chuẩn bị học phí
Đoạt giải ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2020-2021, Trịnh Thị Yến Vy đã được tuyển thẳng vào ngành Luật (hệ đại trà) của ĐH Luật TP.HCM.
Trúng tuyển ngành học yêu thích, Yến Vy không thể vui mừng vì học phí của ngành này đã tăng gần gấp đôi so với năm trước. Lo sợ trở thành gánh nặng kinh tế của gia đình, Yến Vy tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm thêm ở siêu thị. Công việc bán hàng của Vy khá bận rộn, có khi, nữ sinh phải làm việc đến hơn 21 giờ.
Chia sẻ với Zing, Yến Vy cho biết thu nhập từ công việc này không nhiều, nhưng đủ để Vy phụ giúp gia đình chuẩn bị một khoản tiền trước khi bước vào ngôi trường yêu thích.
"Thấy học phí tăng cao, em đã tính học trường khác. Nhưng em rất thích ngành Luật, mà đây lại là ngành mũi nhọn của ĐH Luật TP.HCM. Ngôi trường này cũng có kinh nghiệm lâu năm về đào tạo ngành Luật nên em lựa chọn theo học. Học phí tăng cao như vậy thật sự là gánh nặng kinh tế với gia đình em", Vy nói.
Trong thời gian Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển, Vy đã trao đổi với gia đình về mong muốn được học ngành Luật ở ĐH Luật TP.HCM. Nữ sinh quyết định khi lên thành phố sẽ tiếp tục đi làm thêm để có chi phí học tập.
Nhiều thí sinh bất ngờ vì học phí trường ĐH Luật TP.HCM tăng cao trong năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Cùng yêu thích ngành Luật của ĐH Luật TP.HCM nhưng Hoàng Thị Kim Ngân (học sinh lớp 12 ở tỉnh Bình Phước) lại từ bỏ nguyện vọng này vì học phí của trường.
Trước đó, với số điểm thi tốt nghiệp THPT ở tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) là 27,5 điểm (chưa bao gồm điểm vùng), Ngân hy vọng trúng tuyển vào nguyện vọng 1 là ĐH Luật TP.HCM. Nữ sinh đánh giá đây cơ sở đào tạo ngành Luật có danh tiếng và chất lượng ở phía Nam.
"Em là học sinh ở tỉnh Bình Phước nên rất muốn học đại học ở phía nam. Điểm thi của em là 27,5 nhưng lại không thể học ở trường mình yêu thích vì học phí tăng cao. Em phải dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình để chọn trường. Nếu cố chấp học ở ĐH Luật TP.HCM, em sẽ cảm thấy như mang theo một món nợ khi học tập", Ngân nói.
Để được học ngành Luật và đảm bảo tiếp cận môi trường học tập tốt, Ngân quyết định xa gia đình, chọn nguyện vọng 1 là một trường đào tạo ngành Luật có học phí thấp hơn ở phía bắc.
"Em nghĩ các trường nên tăng học phí ở mức vừa phải để tạo điều kiện cho các bạn có học lực tốt nhưng không đủ điều kiện tài chính theo học. Nhiều bạn của em có điểm số cao đã phải bỏ nguyện vọng ở các trường tốp đầu, theo học những trường có mức học phí thấp hơn", Ngân nói.
Hy vọng chất lượng đào tạo tương xứng với học phí
Quyết định đặt nguyện vọng 1 là ngành Luật (hệ đại trà) của ĐH Luật TP.HCM nhưng Trịnh Thị Yến Vy vẫn hoang mang về cơ hội việc làm sau này. Nữ sinh không chắc số tiền học phí bỏ ra sẽ nhận lại được cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.
Khác với Vy, Ngọc Ánh (học sinh lớp 12 ở tỉnh Đồng Nai) quyết định đặt nguyện vọng 1 là ngành Luật (hệ chất lượng cao) của ĐH Luật TP.HCM với hy vọng nhận được chất lượng đào tạo tốt.
Năm trước, hệ đào tạo chất lượng cao của ngành này có học phí là 45 triệu đồng/sinh viên. Năm học 2022-2023, mức thu tăng lên 62,5 triệu đồng. Đến năm 2025-2026, theo lộ trình tăng học phí, Ngọc Ánh sẽ đóng là 89,5 triệu đồng.
"Sau khi tìm hiểu và tham khảo mức học phí ngành Luật (hệ chất lượng cao) ở các trường khác, em thấy mức học phí của ĐH Luật TP.HCM khá tương đồng. Em đã trao đổi và nhận được sự ủng hộ của gia đình nên quyết định theo học", Ánh nói.
Nữ sinh mong muốn có cơ hội tiếp thu được nguồn kiến thức rộng lớn và cọ xát nhiều hơn ở môi trường giảng dạy bằng tiếng Anh của hệ chất lượng cao ngành Luật.
"Với danh tiếng của ĐH Luật TP.HCM, em và gia đình không quá đắn đo khi phải chi trả số tiền lớn để theo học. Em chỉ dựa vào chất lượng, uy tín của trường để lựa chọn. Em hy vọng mức tăng học phí sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo để sinh viên và phụ huynh cảm thấy xứng đáng với số tiền họ đã bỏ ra", Ánh nói.
Trên website ĐH Luật TP.HCM thông tin sinh viên khi học ngành Luật có thể làm một số công việc đúng ngành nghề như thẩm phán, thư ký tòa án, luật sự, kiểm sát viên, công chứng viên, chấp hành viên… Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể tham gia thực hiện hoạt động nghề nghiệp ở các cơ quan tổ chức - đơn vị của nhà nước, tư nhân, nước ngoài hoặc của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Đối với ngành Luật hệ chất lượng cao (được giảng dạy với đa dạng ngôn ngữ tiếng Anh/tiếng Nhật/tiếng Pháp), sinh viên theo học sẽ có lợi thế cạnh tranh khi tham gia tuyển dụng, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Các sinh viên này cũng dễ dàng tìm được công việc phù hợp, thu nhập tương xứng vì có những kiến thức chuyên môn và khả năng thông thạo ngoại ngữ chuyên nghiệp trong suốt quá trình học.
Năm 2022, ĐH Luật dành 1.430 chỉ tiêu xét tuyển ngành học này. Thời gian đào tạo cử nhân Luật là 4 năm.
Năm học 2021-2022, ĐH Luật TP.HCM vẫn giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020-2021 để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh và sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương.
Thời điểm đó, học phí của thí sinh đã tốt nghiệp THPT ở lớp đại trà (ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị - Luật và Quản trị kinh doanh) là 18 triệu đồng/sinh viên; lớp đại trà ngành Anh văn pháp lý là 36 triệu đồng/sinh viên; lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh là 45 triệu đồng/sinh viên; lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật học phí là 49,5 triệu đồng/sinh viên.
Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.